Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) đã và đang phối hợp với UBND Hà Tĩnh giám sát chặt chẽ nguồn phát thải từ Công ty Formosa Hà Tĩnh, yêu cầu Formosa nghiên cứu phương án xả nước thải bề mặt thay cho phương án xả ngầm ra biển như hiện nay.

duong ong thai ngam formosa 24168416
Một trong ba đường ống nước nhỏ xả thải ra biển của Công ty Formosa Hà Tĩnh. Ảnh nhỏ: Đồ họa đường ống ngầm xả thải của KCN Vũng Áng. (Nguồn: VTC14)

Thông tin trên do Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà cho biết tại báo cáo kết quả thực hiện nghị quyết của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn và kiến nghị của cử tri từ kỳ họp thứ ba.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà khẳng định đến nay sau một năm triển khai đồng bộ các giải pháp, các nguồn chất thải phát sinh từ quá trình vận hành thử nghiệm 19/22 hạng mục công trình của Formosa (trong giai đoạn này, Formosa sử dụng phôi thép nhập khẩu để vận hành thử nghiệm) được kiểm soát chặt chẽ, đảm bảo đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường trước khi thải ra môi trường.

Formosa đã hoàn toàn kiểm soát được các nguồn thải ô nhiễm, an toàn môi trường và đã đầu tư bổ sung nhiều hạng mục cải thiện công trình bảo vệ môi trường nhằm đảm bảo tiêu chuẩn quốc tế theo cam kết với Chính phủ Việt Nam.

Về chất lượng môi trường biển, cũng theo báo cáo, Bộ TN-MT khẳng định nước biển và trầm tích biển tại 4 tỉnh miền Trung đã ổn định, đảm bảo cho mục đích nuôi trồng thủy sản, bảo tồn thủy sinh. Nói về thảm họa ô nhiễm biển cách trước đó hơn 1 năm, người đứng đầu Bộ TN-MT cho hay tác nhân gây ô nhiễm lớn nhất tập trung vào tầng nước đáy và trầm tích biển với sự tồn tại của dạng phức chất có xu hướng giảm dần theo thời gian do đặc điểm tự nhiên và khả năng tự làm sạch của môi trường biển khu vực này.

Chính vì vậy, nếu kiểm soát tốt các nguồn thải từ khu vực ven biển thì nguy cơ tái ô nhiễm môi trường biển do vật chất từ tầng đáy đưa lên là khó có khả năng xảy ra”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà khẳng định.

Tuy nhiên, Bộ này thừa nhận hiện Formosa chưa hoàn thành xây dựng bổ sung một số hồ trong hệ thống hồ sự cố kết hợp hồ sinh học. Nguyên nhân là do quá trình thẩm định, phê duyệt các thủ tục đầu tư, xây dựng kéo dài, đến nay vẫn chưa hoàn thành – báo cáo cho hay.

Thời gian tới, Bộ sẽ đôn đốc Formosa đẩy nhanh tiến độ hoàn thành khu liên hợp gang thép giai đoạn 1-1, trong đó có các hạng mục công trình bảo vệ môi trường phục vụ vận hành lò cao số 2 và hoàn thành xây dựng toàn bộ hệ thống hồ sự cố kết hợp hồ sinh học để đảm bảo nước thải được xử lý theo tiêu chuẩn quốc tế trước khi xả ra biển.

Bộ cũng yêu cầu Formosa phối hợp với các cơ quan khoa học nghiên cứu phương án xả nước thải bề mặt thay cho phương án xả ngầm ra biển như hiện nay…

Formosa đặt ống xả thải ngầm là trái luật” và buộc Formosa đưa ống xả thải lên mặt đất – Bộ trưởng Trần Hồng Hà khẳng định vào cuối tháng 4/2016, sau khi công ty này tổ chức họp báo về việc xả nước thải ra biển và phát ngôn “chọn nhà máy hay chọn cá tôm” của ông Chu Xuân Phàm trước tình trạng cá chết dọc 4 tỉnh miền Trung.

Trước đó, đã có ý kiến bất nhất khi Thứ trưởng Bộ TN-MT Võ Tuấn Nhân lại khẳng định “đường ống ngầm của Formosa là hợp pháp”. Lý giải về phát ngôn trái chiều giữa Bộ trưởng và Thứ trưởng TN-MT, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho hay:

Tôi khẳng định pháp luật Việt Nam không cho phép vì Điều 101 Luật bảo vệ môi trường có hiệu lực từ năm 2015 đã thể hiện, trong đó quy định: bất cứ đường ống nào – nhất là đường ống xả thải – đều phải tạo điều kiện cho quá trình giám sát, tiếp cận, kiểm tra một cách dễ dàng, như vậy không thể đi ngầm được.

Còn Thứ trưởng Nhân có nói về sự hợp pháp là do nhìn vào hồ sơ thấy có sự cho phép của cơ quan chức năng”.

Tuy nhiên trả lời câu hỏi “vì sao luật không cho phép mà Bộ lại chấp thuận cho làm ống ngầm?”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết đang chỉ đạo kiểm tra và làm rõ việc này. Trước mắt, Bộ trưởng chỉ đạo ngay tới đây Formosa phải đưa đường ống ngầm lên để thuận tiện cho việc theo dõi, giám sát.

Tính đến hiện tại, đã hơn 1 năm rưỡi kể từ những phát ngôn trên, hiện đường ống xả thải của Formosa vẫn đặt ngầm dưới biển.

Nguyễn Quân

Xem thêm: