Thu phí hay không thu phí người nuôi bệnh đang là vấn đề nóng được dư luận quan tâm thời gian gần đây.

yte1
Ảnh minh hoạ (Hanoimoi)

Gia đình anh L. (Hà Nội) có người nhà nằm điều trị tại phòng cấp cứu, khoa A1 (Nội cán bộ), BV TW Quân đội 108 cho biết tại đây, gia đình anh phải đóng thêm “Phí dịch vụ người nhà ở lại trong phòng bệnh” trị giá 200.000 đồng/người/ngày.

Mới đây, ngày 8/4, BV Đa Khoa Thủ Đức (TP HCM) cũng ra quy định mỗi người nuôi bệnh qua đêm phải đóng 30.000 đồng chi phí chỗ ngủ, điện nước sinh hoạt của bệnh viện.

Việc người nuôi bệnh phải đóng phí ở lại qua đêm là thực tế đã diễn ra tại nhiều BV trên cả nước trong vài năm trở lại đây, gây nhiều ý kiến trái chiều từ phía bệnh viện, bộ Y tế và từ phía người dân. Vậy việc đưa ra quy định trên được các BV căn cứ vào đâu, và liệu đã thật sự hợp lý khi cân nhắc về mặt lợi ích giữa BV và người bệnh?

Bệnh viện: Thu phí để giảm thiểu gánh nặng tài chính

Trong Thông tư số 15/2018/TT-BYT “Quy định thống nhất giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh BHYT giữa các BV cùng hạng trên toàn quốc và Hướng dẫn áp dụng giá, thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh trong một số trường hợp” có hiệu lực thi hành từ ngày 15/7/2018, không đề cập đến dịch vụ người nhà ở lại trong phòng bệnh qua đêm.

Tuy nhiên, trong Quyết định số 6197/QĐ-BYT của Bộ Y tế Quyết định về việc ban hành hướng dẫn quản lý dịch vụ thuê, khoán bên ngoài bệnh viện (không thuộc nhóm dịch vụ khám chữa bệnh) ngày 17 tháng 10 năm 2016, có cho phép các BV ký hợp đồng với đơn vị cung cấp bên ngoài để cung cấp một phần hoặc toàn bộ dịch vụ.

Các loại hình dịch vụ thuê khoán bên ngoài gồm DV bảo vệ, an ninh, vệ sinh, vận chuyển, ăn uống, trông giữ xe, ngân hàng, bưu chính v.v.

Công văn số 6197 cũng nêu, BV quản lý giá dịch vụ, quản lý nguồn thu từ việc cung cấp dịch vụ, theo đó toàn bộ số tiền thu được từ hợp đồng cung cấp dịch vụ là một nguồn thu để thực hiện tự chủ tài chính.

Nhưng đồng thời cũng “Khuyến khích các bệnh viện nghiên cứu để cung cấp một số dịch vụ miễn phí cho người bệnh và người nhà người bệnh.” (mục 4, khoản III).

Như vậy, có thể thấy các BV đã dựa vào Quyết định số 6197/QĐ-BYT của Bộ Y tế để lập ra quy định thu phí người nhà nuôi bệnh dưới hình thức gói dịch vụ thoả thuận tự nguyện.

Theo Bệnh viện 108, khi người nhà bệnh nhân chấp nhận gói dịch vụ người nhà ở lại trong bệnh viện, họ sẽ được sử dụng 1 ghế tựa, được phục vụ bữa sáng miễn phí tại khu nhà ăn, được mượn 1 áo, được sử dụng phòng tắm nóng lạnh, TV truyền hình cáp, wifi miễn phí, nước uống nóng/ lạnh, dịch vụ trông đồ và gói tiện ích tối thiểu (gồm giấy vệ sinh, dầu gội, sữa tắm, thuốc đánh răng, bàn chải, lược, khăn mặt v.v).

Bệnh viện này cũng cho biết khoản phí dịch vụ này chỉ là phần nhỏ để bù vào chi phí vận hành của bệnh viện.

Đồng quan điểm với BV 108, một lãnh đạo ở BV tại TP HCM cho biết chi phí điện, nước, nhà vệ sinh, quản lý an ninh trật tự… với người nuôi bệnh là gánh nặng không nhỏ với các bệnh viện, đặc biệt khi bắt đầu cơ chế tự chủ tài chính.

BS Võ Đức Chiến, Giám đốc BV Nguyễn Tri Phương, TP HCM thông tin hiện tại BV chưa thu phí này nhưng theo ông, cần đưa việc tính phí này vào lộ trình tự chủ tài chính.

BS Chiến cũng nêu quan điểm, đừng nghĩ một người đi tiểu 1-2 lần, giật xả nước 1-2 lần, rửa tay 1-2 lần là không đáng gì nhưng cả ngàn người thì lượng nước, xà phòng… mỗi tháng tiêu thụ rất lớn mà BV phải hoàn toàn gánh chịu.

Bộ Y tế: Thu phí người nuôi bệnh là hợp lý

Thu truong Bo Y Te tra loi
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến (Ảnh: hanoimoi)

Ngày 10/4, trao đổi với báo chí về vấn đề BV có được thu phí người nuôi bệnh hay không, Thứ trưởng Thường trực Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cho rằng hiện nay các BV đã thực hiện tự chủ tài chính, chủ trương của Bộ Y tế cố gắng tạo điều kiện cho các cơ sở y tế làm chủ về kinh phí để có nguồn trả lương cho nhân viên và thực hiện nhiều công tác khác.

Do đó, theo Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến, những khoản thu hợp pháp, không sai luật thì BV vẫn được quyền thu.

Đối với việc thu phí người nuôi bệnh, Thứ trưởng Bộ Y tế nhìn nhận nhiều người không phải là bệnh nhân vào BV nhưng sử dụng điện, nước, vệ sinh, ảnh hưởng môi trường. “BV phải cử nhân viên hoặc thuê người dọn dẹp vệ sinh và trả tiền cho các khoản điện, nước này. Về nguyên tắc, BV là đơn vị tự chủ kinh phí nên người vào sử dụng dịch vụ phải trả tiền là hợp lý” – Thứ trưởng Tiến nói.

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ Y tế, thu như thế nào phải hợp lý và phải thông qua phê duyệt theo quy định hiện hành hợp pháp.

Nhiều ý kiến trái chiều trong dư luận

Mới đây, việc triển khai thu phí người nuôi bệnh tại BV Đa khoa Thủ Đức với mức 30.000 đồng/người/ngày đã phải tạm ngưng vì bị người nhà bệnh nhân phản đối.

Quan điểm chung của nhiều người cho rằng bệnh nhân không có thân nhân nuôi rất khó khăn, bất tiện trong sinh hoạt vì không thể lúc nào cũng nhờ vào y tá, bác sĩ. Chưa kể, những người bệnh nặng hay bệnh tình có diễn biến bất thường luôn cần người trông để kịp thời báo với y tá, bác sĩ các dấu hiệu của người bệnh.

Trong khi đó, việc phải nằm viện đối với phần đông người dân đã là một gánh nặng tinh thần lẫn tài chính cho gia đình người bệnh. Đặc biệt với người nghèo, nếu phải gánh thêm cả chi phí cho người nuôi bệnh sẽ tạo thêm nhiều khó khăn cho cuộc sống của họ.

Anh T. (TP HCM) cho biết hiện mức đóng bảo hiểm y tế, các dịch vụ y tế đã ngày càng cao, trong khi chất lượng phục vụ của BV chưa tốt mà đã bắt người nuôi bệnh đóng tiền thì người dân thấy không thoả mãn.

Anh L. (Hà Nội) có người nhà nằm Viện 108 cho biết cơ sở vật chất và dịch vụ của Viện 108 đã có cải thiện rất tốt so với trước đây, nhưng mức giá 200.000 đồng/người/ngày mà gia đình anh phải đóng là quá cao.

“Trước đây mức giá là 150.000 đồng/người/ngày, sau họ tăng lên 200.000 đồng/người/ngày và cho thêm 1 suất ăn sáng. Nhưng chúng tôi đâu cần cái đó. BV cũng phát cho người nuôi bệnh 1 túi gồm bàn chải khăn mặt v.v nhưng tôi thấy nó không quá cần thiết để tính vào chi phí vì đó là những thứ chúng tôi tự chuẩn bị được.”

Anh L. cho biết bản thân không phản đối việc BV thu phí để trang trải chi phí điện, nước, an ninh nhưng cần tính giá hợp lý, chỉ thu những dịch vụ thật sự chính đáng để giảm thiểu gánh nặng cho bệnh nhân.

Thanh Thuỷ (t/h)

Xem thêm: