Trong bảng xếp hạng những quốc gia tốt nhất cho trẻ em do Tổ chức Cứu trợ trẻ em tại Việt Nam (Save the Children) công bố, Việt Nam đã rớt từ vị trí 92 xuống 96.

tre em
Trong xã hội như hiện nay, hy vọng rằng những nụ cười thánh thiện này sẽ còn đọng lại mãi trên môi của các em. (Ảnh: Bùi Tuấn)

Ngày 31/5, Tổ chức Cứu trợ trẻ em tại Việt Nam (Save the Children) chính thức công bố bản báo cáo “Những trẻ em bị loại trừ” cùng bảng xếp hạng những quốc gia tốt nhất thế giới cho trẻ em.

Bản báo cáo năm nay đã xếp hạng 175 quốc gia dựa trên mức độ tuổi thơ của trẻ em bị đe dọa kết thúc sớm hay muộn nhất do nguyên nhân sức khỏe, suy dinh dưỡng, không được tiếp cận dịch vụ giáo dục, bị buộc phải lao động sớm, tảo hôn, mang thai sớm và bạo lực.

Đây là năm thứ hai Tổ chức Cứu trợ trẻ em công bố báo cáo nghiên cứu về tuổi thơ của trẻ em trên toàn thế giới.

Theo bảng xếp hạng, Việt Nam đã rớt từ hạng thứ 92 xuống hạng 96. Campuchia xếp hạng thứ 119; Thái Lan xếp hạng 85, Philippines xếp hạng 104 và Indonesia ở vị trí 105.

Hai quốc gia Singapore và Slovenia đồng giữ vị trí số 1 trên bảng xếp hạng. Na Uy, Thụy Điển và Phần Lan là những nước đứng ở vị trí tiếp theo. Niger tiếp tục đứng ở vị trí cuối cùng trong bảng xếp hạng, có tới 8/10 nước đứng cuối bảng xếp hạng thuộc khu vực Tây và Trung Phi.

Cũng theo báo cáo, trẻ em nghèo ở Việt Nam có nguy cơ bị suy dinh dưỡng thể thấp còi cao gấp 7 lần so với trẻ em giàu và có nguy cơ phải lao động sớm cao gấp 8 lần.

Trong số các chỉ số được dùng để đánh giá, chỉ số liên quan đến suy dinh dưỡng là chỉ số mà Việt Nam được coi là đạt được tiến bộ ít nhất, có 24% trẻ dưới 5 tuổi ở Việt Nam suy dinh dưỡng thể thấp còi, cao gần gấp 3 lần cả khu vực Đông Á và Thái Bình Dương.

Đánh giá về bảng xếp hạng, Bà Dragana Strinic – Trưởng đại diện Tổ chức Cứu trợ Trẻ em tại Việt Nam cho biết: “Chúng tôi thấy khá thất vọng khi chứng kiến Việt Nam bị tụt xuống vị trí thấp hơn trên bảng xếp hạng. Mức độ bất bình đẳng cao, rất cao đang xảy ra giữa người giàu nhất và nghèo nhất trong xã hội Việt Nam hiện nay. Trong đó, rất nhiều người nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số. Họ gặp nhiều bất lợi và phải sinh sống ở khu vực nông thôn – nơi điều kiện tiếp cận đến các dịch vụ như giáo dục và y tế còn nghèo nàn. Vòng luẩn quẩn đó sẽ có thể còn tiếp tục kéo dài nếu không có các giải pháp nhằm đảm bảo mọi người đều được tiếp cận đến các dịch vụ có chất lượng“.

Trần Tâm

Xem thêm: