Khoản vay 300 triệu USD từ phía Trung Quốc dự kiến sẽ nằm trong tổng kinh phí khoảng 2,16 tỷ USD trong Dự án cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh (liên tỉnh Lạng Sơn – Cao Bằng). Tuy nhiên, hiện chưa xác định được đối tượng đi vay khoản vay trên. 

Do vị trí nằm sát biên giới Việt-Trung, tỉnh Cao Bằng nhận định tuyến đường cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong KT-XH, quốc phòng - an ninh trên địa bàn tỉnh. (Hình ảnh: Google Maps)
Do vị trí nằm sát biên giới Việt-Trung, tỉnh Cao Bằng nhận định tuyến đường cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong KT-XH, quốc phòng – an ninh trên địa bàn tỉnh. Trong hình, Quốc lộ 3 và 4A từ Cao Bằng đến Lạng Sơn. (Hình ảnh: Google Maps)

Tỉnh kiến nghị điều chỉnh thời gian, thúc giục vay vốn

Tuyến đường cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh dài 144km, quy mô 4 làn xe, kinh phí đầu tư khoảng 47.520 tỷ đồng (khoảng 2,16 tỷ USD).

Tuyến đường có điểm đầu tại Cửa khẩu Trà Lĩnh (Cao Bằng) và điểm cuối tại thị trấn Đồng Đăng (Lạng Sơn) – điểm giao với quốc lộ 1A,  đi qua các huyện: Trà Lĩnh, Quảng Uyên, Phục Hòa, Hòa An, Thạch An (Cao Bằng), Tràng Định, Văn Lãng, thị trấn Đồng Đăng (Lạng Sơn).

Theo quy hoạch, dự án cao tốc Trà Lĩnh – Đồng Đăng sẽ được Chính phủ đầu tư xây dựng sau năm 2030.

Mới đây, UBND tỉnh Cao Bằng có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, trong đó cho rằng việc đầu tư xây dựng tuyến giao thông, nhất là đường cao tốc từ Đồng Đăng đến cửa khẩu Trà Lĩnh có ý nghĩa đặc biệt quan trọng để phát triển kinh tế – xã hội, vận tải hàng hóa 2 chiều theo trục đường Trùng Khánh – Quý Châu – Bách Sắc (Quảng Tây, Trung Quốc) – Trà Lĩnh (Cao Bằng) – Lạng Sơn – Hà Nội – Hải Phòng nối vào đường biển đến các nước ASEAN…

UBND tỉnh cho biết ngày 9/1/2017, tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Cao Bằng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhất trí chủ trương triển khai xây dựng tuyến đường này trong giai đoạn 2016-2020; giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) nghiên cứu, xem xét sử dụng khoản tín dụng ưu đãi 300 triệu USD của Trung Quốc.

Do đó, tỉnh kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Giao thông Vận tải sớm trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh quy hoạch phát triển mạng đường bộ cao tốc Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, trong đó bổ sung tuyến cao tốc Bắc Kạn – Cao Bằng vào quy hoạch.

Đối với tuyến cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh, tỉnh kiến nghị điều chỉnh thời gian thực hiện sang giai đoạn 2017-2020; kiến nghị Chính phủ giao cho Bộ GTVT (hoặc giao cho tỉnh Cao Bằng) làm chủ đầu tư; ứng trước nguồn vốn từ ngân sách Trung ương để lập hồ sơ đầu tư dự án.

Ngoài ra, tỉnh kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ về nguồn vốn bố trí, trước mắt là khoản vay 300 triệu USD của Trung Quốc; chỉ đạo Bộ Tài chính tham mưu cho Thủ tướng đàm phán với cơ quan chức năng của Trung Quốc để đạt được thỏa thuận khoản vay 300 triệu USD nêu trên.

Ngày 29/4, Văn phòng Chính phủ gửi văn bản tới Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Ngoại giao, UBND tỉnh Lạng Sơn, yêu cầu các cơ quan có ý kiến về kiến nghị của UBND tỉnh Cao Bằng.

Bộ GTVT đề nghị tỉnh chủ trì vay vốn từ phía Trung Quốc

Trong văn bản vừa gửi Chính phủ về việc đầu tư tuyến đường cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh, Bộ GTVT dẫn quy định tại Điều 63 Luật Đầu tư công và cho rằng Bộ không phải đối tượng được vay lại khoản tiền từ Trung Quốc.

Bộ Giao thông vận tải cho biết phương án để hai doanh nghiệp chuyên đầu tư hạ tầng thuộc Bộ Giao thông vận tải vay lại khoản vay 300 triệu USD nói trên cũng không khả thi.

Theo Bộ GTVT, Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) không đủ năng lực tiếp tục vay lại, còn Tổng công ty Đầu tư phát triển và quản lý dự án hạ tầng Cửu Long (CIPM) cũng chưa có khả năng vay lại nếu Nhà nước không có cơ chế hỗ trợ phù hợp (hỗ trợ vốn, bảo lãnh vay…).

Do đó, Bộ đề nghị Chính phủ giao UBND tỉnh Cao Bằng và UBND tỉnh Lạng Sơn chủ trì vay lại khoản vay 300 triệu USD để đầu tư tuyến đường bộ cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh. Bộ cũng ủng hộ đề xuất giao UBND tỉnh Cao Bằng là cơ quan Nhà nước có thẩm quyền huy động vốn, triển khai thực hiện đầu tư tuyến cao tốc trên.

Đối với việc bổ sung tuyến Bắc Kạn – Cao Bằng vào quy hoạch và điều chỉnh thời gian thực hiện đầu tư tuyến cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh, Bộ Giao thông vận tải cho biết là đã chỉ đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam rà soát điều chỉnh quy mô tuyến đường bộ cao tốc Bắc – Nam, đồng thời nghiên cứu bổ sung tuyến cao tốc Bắc Kạn – Cao Bằng vào quy hoạch và điều chỉnh tiến độ tuyến cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh để phù hợp với nhu cầu vận tải, khả năng huy động nguồn lực.

Nguyễn Quân

Xem thêm: