Xăng E5 chỉ đáp ứng tiêu chuẩn Euro 2, trong khi RON 95 đáp ứng tiêu chuẩn Euro 4.

(Ảnh: Otofun)

Những tranh cãi xung quanh xăng sinh học E5 tại Việt Nam vẫn chưa có hồi dứt. Trong khi nhiều người tỏ ra e dè và vẫn sử dụng xăng RON 95 cho dù giá cao, thì có người lại ủng hộ xăng E5 vì cho rằng nó tốt cho môi trường. Câu hỏi đặt ra là, xăng E5 sản xuất tại Việt Nam có tốt hơn cho môi trường không?

Theo Quyết định 49/2011 của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, từ 1/1/2017, ô tô chạy xăng (kể cả nhập khẩu hoặc sản xuất mới) phải đạt tiêu chuẩn khí thải Euro 4; xe máy phải đáp ứng tiêu chuẩn Euro 3 nhằm hạn chế phát thải các khí độc hại gây ô nhiễm không khí.

Tiêu chuẩn khí thải Euro là các tiêu chuẩn về phép thử và giới hạn chất ô nhiễm có trong khí thải do Uỷ ban kinh tế Châu Âu của Liên Hiệp Quốc quy định.

Các loại xăng đáp ứng tiêu chuẩn khí thải mức 4 sẽ có hàm lượng chì cho phép tối đa 0,0005 k/l, trong khi chuẩn mức 2 lên tới 0,013 g/l. Ngoài ra, xăng đáp ứng tiêu chuẩn Euro 4 sẽ thải ra hàm lượng lưu huỳnh, tác nhân gây ô nhiễm môi trường và hao mòn động cơ, tối đa 50 mg/kg, thấp hơn 7 lần so với xăng chuẩn mức 2 (350 mg/kg).

GS.TSKH Phạm Ngọc Đăng, phó chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, cho biết với tiêu chuẩn khí thải Euro 4, các loại khí thải cơ bản như SO2, NO2, CO và bụi PM2.5, PM10 đều sẽ giảm.

Thực hiện Quyết định trên, từ tháng 1/2017 Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) đã chính thức kinh doanh Xăng RON 95-III và Xăng RON 95-IV để phù hợp với các mẫu xe áp dụng tiêu chuẩn khí thải Euro 3 và Euro 4.

Tuy nhiên tại Việt Nam, hai nhà máy lọc dầu là Nghi Sơn và Dung Quất mới chỉ sản xuất được sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn Euro 2 cho tới năm 2021. Do đó, xăng sinh học mới E5 RON 92 sẽ có chung chuẩn Euro 2 giống xăng RON 92 – II trước đây.

Như vậy, theo lý thuyết, nếu so với RON 95 đạt tiêu chuẩn Euro 3 và 4 thì xăng E5 với tiêu chuẩn Euro 2 được sản xuất tại Việt Nam chưa chắc đã bảo vệ môi trường tốt hơn.

Mặc dù xăng E5 được cho là sinh ra ít CO2 hơn xăng thông thường, nhưng quá trình để làm ra cồn ethanol cũng sinh ra rất nhiều CO2. Thông thường có 2 cách để làm ra ethanol, trong đó có cách trồng ngô, sắn để lên men, đồng nghĩa với rất nhiều thuốc bảo vệ thực vật sẽ bị sử dụng và không ít đất rừng bị phá. Trong quá trình lên men, cứ khoảng 2kg sắn sẽ cho ra 1 lít cồn (nặng khoảng 800g), phần 1,2kg còn lại là chất thải, CO2 mà nếu không được xử lý đúng thì rất có hại cho môi trường.

Theo một nghiên cứu của Đại học Nebraska – Lincoln năm 2014, thì lượng khí thải từ các chất thải sau quá trình làm cồn để sản xuất xăng sinh học còn nhiều hơn lượng khí thải của xăng thông thường. Các thử nghiệm của họ cho thấy xăng sinh học làm ô tô hoạt động kém hiệu quả tới 11.3%, tăng lượng khí thải CO2 và thậm chí còn gây ảnh hưởng tới động cơ của những xe loại cũ. Mặc dù xăng ethanol cháy triệt để hơn nhưng lại cung cấp năng lượng cho xe giảm 30% so với xăng thông thường, khiến xe phải dùng nhiều xăng hơn, gây tốn kém hơn.

Một nghiên cứu khác của giáo sư David Pimentel cho thấy sản xuất ethanol thực ra gây ra sự tổn thất năng lượng ròng. Theo nghiên cứu của ông, 1 gallon ethanol chứa 77.000 BTU năng lượng cho động cơ đốt cháy nhưng đòi hỏi 131.000 BTU để chế biến thành nhiên liệu có thể sử dụng được, đó là chưa kể lượng BTU bổ sung được đốt cháy từ các nguồn nguyên liệu hoá thạch để cung cấp năng lượng cho các trang trại trồng ngô; các sà lan, tàu hoả và xe tải được sử dụng để vận chuyển nó đến các nhà máy lọc dầu và các trạm tiếp nhiên liệu.

Hiện tại ở Mỹ, những tranh cãi về vấn đề tốt cho môi trường của xăng sinh học vẫn đang tiếp diễn.

Thanh Thuỷ (t/h)

Xem thêm: