TS luật Trần Thị Lịch cho biết từng nghe nhiều cuộc điện thoại từ các thầy giáo chia sẻ rằng “đã từng quan hệ tình dục với rất nhiều em học sinh lớp 5-6 và lớp 7“. Tuy nhiên, hầu hết học sinh bị xâm hại tình dục đều không tố cáo.

xam hai tinh duc
Cứ 3 phụ nữ Việt Nam thì có một người bị bạo lực tình dục. Đặc biệt, 1/3 nữ thanh niên, thiếu niên bị ép buộc quan hệ tình dục. (Ảnh: Shutterstock)

Buổi “Tọa đàm  bạo lực tình dục đối với phụ nữ và trẻ em gái; khoảng trống pháp luật và dịch vụ hỗ trợ” do Bộ LĐTB&XH và Quỹ dân số Liên hiệp quốc tại Việt Nam – UNFPA tổ chức tại Hà Nội, ngày 5/12.

Bà Trần Thị Bích Loan, Phó vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới (Bộ LĐTB&XH) cho biết theo kết quả khảo sát mới đây của UNFPA tại Hà Nội và TP.HCM, có tới 11% học sinh phổ thông bị xâm hại ít nhất 1 lần; 31,2% nữ sinh bị quấy rối tình dục trên xe buýt; 27% nữ nhà báo bị quấy rối tình dục; 58% phụ nữ từng bị bạo hành hoặc bạo lực tình dục…

Cũng theo bà Loan, thời gian qua, tại Việt Nam đã ghi nhận có trên 1.100 vụ xâm hại tình dục trẻ em. Thậm chí nhiều vụ việc, thủ phạm lại chính là người thân ruột thịt của các em gái. Nhưng những vụ việc này chỉ là phần nổi của tảng băng chìm.

Bà Đỗ Thị Thu Hà, Phụ trách văn phòng UNFPA cũng cho biết một nghiên cứu ở TP.HCM và Hà Nội vào năm 2014 cho thấy trong số những người bị quấy rối tình dục được phỏng vấn, chỉ có 1,9% nói rằng họ đã tìm kiễm hỗ trợ từ cơ quan chức năng. Đáng chú ý, có 65% người đã chứng kiến phụ nữ bị quấy rối ở khu vực công cộng chia sẻ đã không thực hiện bất kỳ hành động hỗ trợ nào giúp nạn nhân.

Bà Hà cho hay cứ 3 phụ nữ Việt Nam thì có một người bị bạo lực tình dục. Đặc biệt, 1/3 nữ thanh niên, thiếu niên bị ép buộc quan hệ tình dục. “Mọi người thường cho rằng bạo lực tình dục chỉ xảy ra bên ngoài gia đình và do người lạ gây ra, trong khi thực tế lại không phải như vậy. Nhiều phụ nữ không an toàn trong nhà riêng của họ, họ bị chồng ép hoặc cưỡng bức quan hệ tình dục khi họ không muốn. Tuy nhiên, vì nhiều lý do nạn nhân đã không nói ra“, bà Hà cho biết thêm.

Tại cuộc tọa đàm, TS luật Trần Thị Lịch, thẩm tra viên chính Toà án nhân dân tối cao, nguyên thẩm phán, Phó Chánh án TAND TP Yên Bái (tỉnh Yên Bái) cho biết tình trạng xâm hại và quấy rối tình dục đối với phụ nữ và trẻ em hiện nay rất đáng báo động, tuy nhiên, việc phát hiện và xử lý, xét xử gặp rất nhiều khó khăn do bị hại không tố cáo hoặc sau đó thay đổi lời khai, bảo vệ bị cáo.

Từng có thời gian dài tiếp xúc tại các trung tâm dịch vụ tư vấn pháp lý qua điện thoại, bà Lịch cho biết đã được nghe nhiều người chia sẻ, tâm sự về hành vi xâm hại tình dục và họ cũng không nhận thức được đó là hành vi vi phạm. Ngay cả người bị hại cũng không nhận thức được rằng họ bị xâm hại.

Tôi đã nghe rất nhiều cuộc điện thoại của những thầy giáo nam, người ta chia sẻ với tôi rằng người ta đã quan hệ với rất nhiều em học sinh lớp 5-6 và lớp 7”, bà Lịch nói. Tuy nhiên, hầu như các em đều không tố cáo.

Không những là không tố cáo mà chỉ sau khoảng 3-5 ngày thì các em học sinh này lại tìm đến thầy giáo để tiếp tục quan hệ tình dục”, TS Lịch cho biết thêm.

Bà Lịch cho rằng đây là tình trạng rất đau lòng và trách nhiệm của chúng ta là phải tìm cách để làm giảm thiểu tình trạng xâm hại tình dục trẻ em, nhất là đối với học sinh.

Theo đại diện văn phòng UNFPA, bạo lực tình dục xảy ra trên toàn thế giới và phần lớn nạn nhân là phụ nữ và trẻ em gái với tỷ lệ nạn nhân cao hơn ở độ tuổi thanh niên và thiếu niên. Số liệu nghiên cứu ở một số nước cho thấy cứ 4 phụ nữ thì có 1 người bị bạo lực tình dục và khoảng 33% các em nữ ở độ tuổi vị thành niên chia sẻ lần đầu tiên quan hệ tình dục của họ là do bị cưỡng ép.

Theo kết quả điều tra năm 2016 của Bộ LĐTBXH và Tổ chức ActionAid tại 5 tỉnh và thành phố, 51% phụ nữ thừa nhận rằng họ đã từng bị quấy rối tình dục ít nhất 1 lần.

Bạo lực và quấy rối tình dục thường được coi là chủ đề nhạy cảm để chia sẻ, thảo luận trước công chúng. Hơn nữa những định kiến chống lại nạn nhân bạo lực tình dục đã làm cho họ chưa được bảo vệ một cách đầy đủ và phải đối mặt với những hậu quả tiêu cực khi lên tiếng và đi tìm công lý. Họ thường bị đổ lỗi và còn bị cho là phải chịu trách nhiệm đối với những hành vi bạo lực hay quấy rối. Chính vì điều đó, nhiều người đã không tin vào các câu chuyện mà phụ nữ đã chia sẻ, thậm chí có người còn quay lưng chống lại họ, đẩy họ vào tình thế im lặng”, theo đại diện UNFPA.

Hiện Bộ luật Lao động sửa đổi năm 2012 có quy định nghiêm cấm quấy rối tình dục tại nơi làm việc. Luật Giáo dục (2009) có quy định xử lý việc xâm phạm nhân phẩm, thân thể nhà giáo, ngược đãi, hành hạ học trò trong các cơ sở giáo dục. Luật Thanh niên năm 2005 quy định trách nhiệm của Nhà nước phải bảo vệ thanh niên từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi không bị xâm hại tình dục.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy việc phá vỡ im lặng cần nhiều hơn các quy định trong luật. Điều này phản ánh qua sự ra đời của các phong trào #MeToo (phòng trào động viên nạn nhân lên tiếng về quấy rối và bạo hành tình dục), chiến dịch toàn cầu của Liên hợp quốc – “UNiTE” (chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái), #HearMeToo (Haylangnghetoi) nhắn gửi thông điệp “Bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái phải kết thúc ngay bây giờ và tất cả chúng ta đều đóng vai trò quan trọng”.

Theo UNFPA, ngoài việc cần thiết lập các dịch vụ hỗ trợ có chất lượng bao gồm chăm sóc sức khỏe, hỗ trợ tâm lý, an toàn, trợ giúp pháp lý và hệ thống tư vấn, điều quan trọng là phải thay đổi tư duy và thái độ của người dân về bạo lực giới, đặc biệt là bạo lực tình dục, bao gồm quấy rối tình dục. Nam giới cần phải nhận ra rằng phụ nữ bình đẳng với họ, và tôn trọng quyền của phụ nữ để đảm bảo phụ nữ được an toàn trong bất kỳ môi trường nào ở nhà, nơi làm việc hay ở nơi công cộng.

Vĩnh Long

Xem thêm: