Xà cừ (hay sọ khỉ, quả gỗ) có tên khoa học là Khaya senegalensis, là một trong những loại gỗ cứng nhất thuộc họ gỗ gụ châu Phi, được ưa dùng làm đồ nội thất, đồ mộc cao cấp, ván sàn…

xa cu re coc
Hàng xà cừ trên đường Phạm Văn Đồng. (Ảnh: Sơn Trà)

Theo Agroforestry Database (version 4.0) – Cơ sở dữ liệu Nông lâm kết hợp cung cấp thông tin về quản lý, sử dụng và sinh thái của khoảng 600 loài cây có thể được sử dụng trong nông lâm kết hợp và Useful Tropical Plants – Cơ sở dữ liệu cây cỏ nhiệt đới hữu ích hiện lưu trữ hồ sơ của 11.097 loài có thể được trồng ở các vùng nhiệt đới, cây xà cừ quê gốc ở châu Phi, sau được du nhập sang các nước như Australia, Cuba, Ấn Độ, Indonesia, Singapore, Việt Nam…

Cây phát triển tốt nhất ở vùng đất sâu, màu mỡ, ẩm ướt. Mặc dù thường thấy ở vùng nhiệt đới ẩm, xà cừ cũng có thể sống ở độ cao lên tới 1.800m so với mặt nước biển. 

Nhiệt độ thích hợp nhất từ 29 – 38°C (ban ngày), nhưng cũng có thể chịu đựng được ở khoảng từ 13 – 42°C;  lượng mưa trung bình hàng năm từ 800-1.300mm, nhưng cũng có thể chịu được ở mức từ  650-1.500mm. Ở các khu vực có mùa khô kéo dài từ 4-7 tháng, cây vẫn có thể phát triển tự nhiên. 

Theo Useful Tropical Plants, xà cừ có khả năng chịu hạn, chịu lũ tốt. Hệ thống dữ liệu này khuyến cáo xà cừ có thể được xem xét để trồng trên đất đầm lầy. 

Tương tự, Agroforestry Database (version 4.0) cho biết trong suốt một năm đầu tiên, rễ cái của xà cừ sẽ phát triển mạnh, đâm sâu xuống đất, điều này làm cho loại cây này có khả năng kháng hạn hán tốt nhất trong số tất cả các cây họ gụ. Xà cừ cũng có thể chịu được lũ lụt và có thể xem xét để trồng trên các đầm lầy.

Xà cừ có giá trị sử dụng cả ở gỗ, mủ, hạt, vỏ cây, rễ và tro.

Gỗ xà cừ là một trong những loại gỗ cứng nhất thuộc chủng loại gỗ cho màu nâu sậm (thuộc họ gỗ gụ châu Phi) với mật độ gỗ từ 60-85% tùy khu vực được trồng. 

Phần gỗ ở gần vỏ cây có màu hồng nhạt, có độ bền vừa phải. Phần tâm gỗ có màu nâu đỏ đậm rất bắt mắt, rất bền. Do trong các thớ gỗ có oleoresin (nhựa cây có tinh dầu) nên gỗ có độ bền cao, chống được nấm, côn trùng và mối khá tốt, lại có bề ngoài bắt mắt, có tính trang trí.

Do đặc tính trên, người ta ưa dùng gỗ xà cừ làm đồ nội thất, đồ mộc cao cấp, trạm khắc trang trí và đóng thuyền. Gỗ xà cừ cũng thường được dùng làm mấu đường sắt, ván sàn, ván ốp lát và ván ép. 

Hạt có hàm lượng dầu 67% và rất giàu axit oleic, ở mức 66%. Theo đó, người dân ở các nước Tây Phi thường dùng loại dầu này để nấu ăn. 

Ngoài ra, hạt và lá được thường sử dụng để điều trị sốt và đau đầu.

Trong khi rễ xà cừ được sử dụng như là một phương pháp điều trị vô sinh,  điều trị bệnh tâm thần,  chống bệnh giang mai, bệnh phong… thì vỏ của cây này cũng thường được dùng như thuốc nhuận tràng, trị sán, sát trùng, giảm tiết dịch và trị bệnh giang mai.

Ngoài ra, chiết xuất từ vỏ cây được thường dùng để trị bệnh vàng da, các bệnh ngoài da, bọ cắn, dị ứng da, nhiễm trùng nướu, giun móc, khử trùng cho vết thương chảy máu.

Tro của cây thường được dùng để bảo quản hạt kê giống.

Về gieo trồng, hạt giống xà cừ có thể để được trong 1 năm hoặc lâu hơn. Nhưng gieo hạt tươi sẽ đạt hiệu quả nảy mầm tốt hơn nhiều, với tỷ lệ nảy mầm có thể tới 100%. Thời gian nảy mầm khoảng 3 tuần.

Xà cừ có thể sống được khi trồng với rễ trần, không cần bầu đất bao quanh. Tất nhiên, bấng cả bầu đất bao quanh rễ sẽ khiến việc trồng cây đạt hiệu quả cao hơn.

Là loài cây ưa sáng, có tốc độ sinh trưởng và phát triển rất nhanh, xà cừ ít bị sâu bệnh hại phá hoại (trừ một vài loài).

Xà cừ phù hợp với đất có độ pH ở khoảng 5 – 6 (đất hơi chua), nhưng cũng có thể chịu được ở khoảng  4,5 – 7,5 (giới hạn từ đất chua tới đất hơi kiềm).

Nhìn chung, xà cừ dễ tính, sinh trưởng được trên cả đất sét thô, cát thô, hay đất sét cạn. Loài cây này hợp với đất trung hoà, sâu, đất cát đã ráo nước. Những điều kiện màu mỡ như vậy thường thấy trong đất phù sa.

Vĩnh Long – Xuân Thành

Xem thêm: