Hiện Hiệu phó và người quản lý bếp ăn trường mầm non Thanh Khương (huyện Thuận Thành, Bắc Ninh) đã bị đình chỉ công tác.

mam non thanh khuong 1
Trường mầm non Thanh Khương. (Ảnh: Minh Trí)

Ngày 19/3, ông Lê Văn Nho – Phó chủ tịch huyện Thuận Thành (Bắc Ninh) cho biết huyện đã quyết định đình chỉ công tác bà Nguyễn Thị Minh Tuân – Hiệu phó Trường mầm non Thanh Khương, và người quản lý bếp ăn của nhà trường. Thời hạn đình chỉ 15 ngày, kể từ 18/3.

Đối với bà Cao Thị Hòe – Hiệu trưởng trường Thanh Khương, huyện sẽ tiếp tục gia hạn đình chỉ để phục vụ điều tra. Bà Hòe bị đình chỉ công tác vào ngày 6/3.

Cũng trong ngày 19/3, tỉnh đã tổ chức buổi họp báo lần đầu tiên sau khi vụ việc xảy ra.

Tại buổi họp báo, tỉnh cho hay trường mầm non Thanh Khương có 568 học sinh, được đánh giá trường có chuyên môn. Qua kiểm tra, giám sát từ trước đến nay, cơ quan chức năng chưa phát hiện vi phạm về an toàn thực phẩm.

Ông Lê Văn Nho khẳng định việc Công ty Hương Thành – công ty cung cấp thực phẩm cho 19 trường mầm non trong huyện là sự lựa chọn của các hiệu trưởng (do đã được giao quyền tự chủ, tự quyết định), không có sự can thiệp của lãnh đạo huyện hay Phòng Giáo dục.

UBND huyện cũng đã yêu cầu cơ quan Công an và ban quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm lấy mẫu kiểm định. Tuy nhiên, do thịt lợn tại trường mầm non Thanh Khương được phát hiện vào ngày 14/2 và 20/2 nên cơ quan chức năng không lấy được mẫu thịt lợn để xét nghiệm.

Còn ông Nguyễn Thanh Phong – Cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế) cho hay về góc độ chuyên môn, vi phạm an toàn thực phẩm ở trường Thanh Khương liệu có liên quan tới việc các cháu học sinh đồng loạt đi xét nghiệm và một số có kết quả dương tính với sán hay không thì tới nay, chưa có cơ sở để khẳng định.

Ông Phong cho rằng các mẫu không được lưu và nếu thịt có sán nhưng được nấu chín thì nguy cơ lây bệnh là không có. Hơn nữa, ngoài thực phẩm ăn uống trực tiếp, con người cũng có thể nhiễm sán qua môi trường nước, không rửa tay sau khi đi vệ sinh,…

Kết quả xét nghiệm dương tính rồi nhưng cũng chưa thể khẳng định đang có sán trong cơ thể hay không. Biện pháp xét nghiệm máu chỉ là một trong những phương pháp góp phần vào chẩn đoán.

Dương tính như vậy có phải điều trị hay không? Theo phác đồ điều trị của Bộ Y tế ban hành năm 2004 thì dương tính như thế chưa phải điều trị, chưa có chỉ định điều trị. Chỉ điều trị khi sau khi có sán trưởng thành, người nhiễm có biểu hiện đi ngoài, có đốt sán, có nổi mụn hạch hoặc một số biểu hiện khác… thì mới điều trị. Chi phí điều trị không tốn kém” – ông Phong nói.

Một diễn biến khác của vụ việc, theo kết quả kiểm nghiệm của Viện kiểm nghiệm an toàn thực phẩm quốc gia về mẫu xương gà và thịt gà thái miếng do Ban quản lý an toàn thực phẩm Bắc Ninh lấy từ Trường mầm non Thanh Khương cho thấy, mẫu đạt chỉ tiêu về an toàn thực phẩm.

Đây là mẫu thịt nát còn sót lại được được Công an huyện Thuận Thành niêm phong sau khi phụ huynh vào trường bắt quả tang vào ngày 5/3.

Trước đó, ngày 22/2, video đăng tải thịt lợn nghi nhiễm sán tại bếp ăn Trường mầm non Thanh Khương (Thuận Thành, Bắc Ninh) lan truyền trên mạng.

Lo lắng, hàng nghìn phụ huynh đã đưa con về Viện Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng Trung ương và Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương (Hà Nội) để xét nghiệm. Kết quả đã có 209 ca dương tính với sán lợn.

Sáng 18/3, riêng trung tâm y tế huyện Thuận Thành cũng đã tổ chức lấy máu xét nghiệm miễn phí cho 128 học sinh trường Mầm non Thanh Khương.

Hoàng Minh

Xem thêm: