Thông tin do Bộ Y tế công bố trong tối 24/8 liền sau khi Văn phòng Chính phủ công bố thông tin đã gửi ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Y tế báo cáo về việc Công ty VN Pharma Việt Nam nhập khẩu thuốc điều trị ung thư giả.

Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Y tế trình Thủ tướng văn bản báo cáo về trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ đối với vụ việc. Thời hạn trước ngày 31/8/2017.

Sau công bố thông tin trên, Bộ Y tế ra thông cáo báo chí, cho biết sẽ xử lý nghiêm về vụ Công ty VN Pharma kinh doanh thuốc giả, kể cả các trường hợp đăng thông tin làm ảnh hưởng uy tín của Bộ trưởng.

Sau khi có phán quyết cuối cùng của Tòa án, Bộ Y tế sẽ xử lý nghiêm khắc, theo đúng pháp luật, không bao che đối với  những đơn vị, cá nhân  vi  phạm thuộc  phạm vi  quản lý của  Bộ Y tế (nếu có)” – thông cáo viết.

Mặt khác, cũng trong thông cáo, Bộ Y tế cho biết Bộ Y tế đề nghị cơ quan chức năng xử lý nghiêm khắc các trường hợp đăng tải và phát tán thông tin sai sự thật và vô căn cứ làm ảnh hưởng uy tín của ngành y tế và Bộ trưởng Bộ Y tế.

Trước đó, trong những ngày vừa qua, dư luận thông qua mạng xã hội đặt nhiều câu hỏi về trách nhiệm của Bộ Y tế trong việc xử lý các cán bộ liên quan với việc cho phép 9.300 hộp H-Capita 500 mg Caplet không rõ nguồn gốc, kém chất lượng, không được sử dụng làm thuốc chữa bệnh cho người được Công ty VN Pharma nhập khẩu và lưu hành.

Đại diện Viện KSND cho biết trong vụ án có nhiều cán bộ của Bộ Y tế sai phạm. Cụ thể là ông Nguyễn Tấn Đạt (Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược), ông Phạm Công Chiến (Trưởng phòng Quản lý kinh doanh Dược, Trưởng phòng pháp chế), bà Lê Thúy Hương (chuyên viên) – là những người trong Tổ thẩm định phải chịu trách nhiệm liên quan.

Cũng theo Viện KSND, Cơ quan điều tra không truy cứu hình sự các công chức Bộ Y tế vì trong quá trình khởi tố vụ án, điều tra vụ án do Cục Quản lý Dược đã tích cực phối hợp, cung cấp tài liệu phục vụ điều tra.

Với các sai phạm này, Cơ quan An ninh điều tra (Bộ Công an) chỉ gửi văn bản kiến nghị Bộ Y tế xử lý, khắc phục thiếu sót trong quản lý kinh doanh dược phẩm.

Mặc dù sai phạm của VN Pharma được phát hiện từ năm 2014, đến nay Bộ Y tế không công khai về xử lý các thiếu sót của cán bộ thuộc thẩm quyền.

Phiên xét xử sơ thẩm vụ án làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức và buôn lậu xảy ra tại Công ty cổ phần VN Pharma diễn ra từ ngày 21/8 tại Tòa án Nhân dân TP.HCM. Có 9 bị cáo bị đưa ra xét xử. Dự kiến, sáng 25/8, hội đồng xét xử sẽ tuyên án.

Nguyễn Quân

Xem thêm: