Liên quan vụ ngộ độc tập thể sau khi ăn bánh mì tại Đồng Nai, tổng cộng đã có 529 ca nhập viện chữa trị, trong đó có 2 ca bệnh nhi tiên lượng rất nặng.

ngo doc sau khi an banh mi o dong nai 469 nguoi da nhap vien
Tổng cộng đã có 529 ca nhập viện sau khi ăn bánh mì tại tiệm bánh mì Băng. (Ảnh: Thời sự Đồng Nai/Facebook)

Sáng ngày 4/5, Sở Y tế tỉnh Đồng Nai cho hay tính đến 6h sáng, tổng cộng đã có 529 ca nhập viện chữa trị do ngộ độc thực phẩm sau khi ăn bánh mì tại tiệm Băng (phường Xuân Bình, thành phố Long Khánh).

Theo đó, Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh đang điều trị cho 352 trường hợp; Bệnh viện Đa khoa cao su Đồng Nai là 23 ca; chuyển viện là 11 trường hợp; xuất viện 38 trường hợp, cấp toa chữa trị tại nhà do bệnh nhẹ là 105 trường hợp.

Như vậy, số bệnh nhân nhập viện điều trị mới trong ngày 3/5 là 81 ca, giảm mạnh so với ngày trước đó.

Đáng chú ý, sau 4 ngày xảy ra vụ ngộ độc, có 117 trẻ em bị ngộ độc. Trong đó, có 8 trường hợp nặng đang chữa trị tại Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai và Bệnh viện Nhi đồng 1 (Thành phố Hồ Chí Minh).

Phó giám đốc Sở Y tế Nguyễn Văn Bình nhận định số ca ngộ độc liên quan đến tiệm bánh mì Băng đang có xu hướng giảm và hết dần. Đối với 2 ca bệnh nhi nặng đang phải lọc máu, thở máy, ngành y tế cũng đã mời các chuyên gia tại TP.HCM xuống hỗ trợ chuyên môn, cứu chữa tích cực cho các bệnh nhi.

Sau khi nhận được thông tin về vụ việc, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã cùng đoàn công tác của Bộ Y tế làm việc trực tiếp tại địa phương phối hợp tìm nguyên nhân gây ngộ độc.

Tiệm bánh mì xài ké giấy phép kinh doanh, không có giấy chứng nhận an toàn thực phẩm

Theo Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Đồng Nai, tại thời điểm kiểm tra, chủ tiệm bánh mì Băng không có giấy phép kinh doanh tại địa chỉ khu phố 2, phường Xuân Bình (TP. Long Khánh), mà ‘mượn’ giấy phép kinh doanh của con gái.

Ngoài ra, tiệm bánh mì Băng không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm; số người lao động là 4 người, không có giấy xác nhận tập huấn kiến thức về an toàn thực phẩm, không có giấy khám sức khỏe.

Đánh giá nguồn gốc nguyên liệu thực phẩm, theo đại diện cơ sở, nguồn nguyên liệu thực phẩm dùng để chế biến bánh mì được lấy từ nhiều cơ sở. Trong đó, bánh mì mua tại lò D-M; thịt heo (có hợp đồng); dưa leo, củ cải trắng và cà rốt mua tại chợ Long Khánh (không có hợp đồng); thịt nguội mua từ cơ sở T.K (không có hợp đồng); chả lụa mua từ cơ sở T.C (không có hợp đồng)…

Theo UBND TP. Long Khánh, tiệm bánh mì Băng kinh doanh trên đường Trần Quang Diệu, khu phố 2, phường Xuân Bình (TP. Long Khánh) với quy mô phục vụ trên 1.000 ổ bánh mì/ngày (2 buổi).

Khánh Vy (t/h)