Vụ án mạng ở bưu điện Cầu Voi tiếp tục thu hút được sự quan tâm của dư luận khi các bằng chứng được đưa ra gần đây cho thấy thời gian tử vong của hai nạn nhân không trùng khớp với thời gian cơ quan tố tụng tỉnh Long An kết luận.

96674841 2708951315993736 1313244829810950144 n
Bưu điện Cầu Voi (Ảnh: Facebook)

Ngày 6/7, phóng viên báo Giao thông đã tìm gặp chị Nguyễn Thị Bích Ngân, người bán trái cây cho nạn nhân Nguyễn Thị Thu Vân vào tối 13/1/2008. Chị Ngân khẳng định đã bán các loại trái cây cho Vân vào khoảng 21h với số tiền 40.000 đồng.

Theo báo Giao thông, chị Ngân còn nhớ rõ các chi tiết về trang phục, lời thoại với nạn nhân Vân khi đó bởi cô là người thường xuyên mua trái cây nên chị Ngân nhớ mặt.

Ngoài ra, chồng chị Ngân là anh Nguyễn Thanh Long (đã mất cách đây 2 năm) cũng xác nhận lại với đồng nghiệp trực cùng ca khi đó là anh Nguyễn Văn Sơn (hiện vẫn là nhân viên cây xăng Cầu Voi) rằng nhìn thấy Vân mua trái cây của vợ anh lúc 21h. 

Những chi tiết này trước đó cũng đã được luật sư Trần Hồng Phong và gia đình Hồ Duy Hải viết trong đơn kêu oan và tố giác làm sai lệch hồ sơ vụ án gửi lên Chủ tịch nước, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, Chánh án TAND Tối cao và Viện trưởng VKSND Tối cao hôm 3/7 vừa qua.

Cụ thể, trong biên bản lời khai ngày 14/1/2008, chị Nguyễn Thị Bích Ngân khai vào khoảng 20h45 – 21h ngày 13/1/2008 chị có bán trái cây cho 1 cô gái người gầy, cao, mặc áo sơ mi màu trắng, tóc ngang vai đi bộ và chị biết cô gái này làm ở bưu điện Cầu Voi (chính là nạn nhân Vân).

Trong bút lục 262 do cơ quan điều tra ghi lại ngày 16/1/2008, anh Long (chồng chị Ngân) khai rằng: Vào khoảng 20h50’ ngày 13/1/2008 anh ở tại nhà, lúc này có Vân – nhân viên Bưu điện Cầu Voi đến mua trái cây tại nhà anh (cách trạm xăng nơi anh làm việc khoảng 50m). Sau đó, anh đi bộ từ nhà đến trạm xăng để làm ca tối.

Điều này trùng khớp với hình ảnh ghi lại bằng camera tại trạm xăng cho thấy anh Long đi đến cây xăng Cầu Voi để bán xăng là lúc 21h1’40” ngày 13/1/2008.

Như vậy, theo luật sư Phong, nạn nhân Vân còn sống và đi mua trái cây lúc 20h45 – 21h ngày 13/1/2008. Mốc thời gian này không khớp với khoảng thời gian mà cơ quan tố tụng tỉnh Long An kết luận vụ án xảy ra lúc 20h30, và do đó Hồ Duy Hải có bằng chứng ngoại phạm.

37 hai 15937600177022015978425
Mô phỏng về việc sử dụng thời gian thực hiện hành vi giết người của Hồ Duy Hải. (Ảnh: Trần Hồng Phong)

Ngoài ra, ông Phong cũng cho hay thời gian gần đây, ông tiếp nhận được nhiều bút lục mà ông tin tưởng rằng đây chính là các bút lục nằm trong hồ sơ nhưng đã được rút ra khỏi hồ sơ vụ án (có đóng dấu bút lục của VKS Long An). 

Trong số những bút lục này có lời khai của anh Hồ Văn Bình ngày 20/1/2008 khẳng định vào hồi 19h15 ngày 13/1/2008 khi anh đến bưu điện Cầu Voi gửi xe đã thấy có 1 thanh niên ngồi cùng với nạn nhân Hồng. Lúc anh quay lại lấy xe vào 19h30 thì vẫn thấy người thanh niên này ngồi đó.

Tuy nhiên, vào lúc 19h13, Hồ Duy Hải vẫn còn ở tiệm cầm đồ. Chi tiết này cũng cho thấy Hải không thể có mặt ở bưu điện Cầu Voi lúc 19h15 để ngồi với nạn nhân Hồng.

Luật sư Phong cho rằng việc xác định thời gian gây án sai hoàn toàn có thể dẫn đến khả năng bỏ lọt hung thủ thật sự. Đồng thời, ông đề nghị khởi tố vụ án làm sai lệch hồ sơ vụ án đối với những cá nhân liên quan đối với công tác tố tụng của vụ án này.

Một bằng chứng nữa về khả năng cơ quan tố tụng có thể đã cố ý làm sai lệch hồ sơ vụ án được nhà báo Trương Châu Hữu Danh đăng trên Facebook cá nhân ngày 5/7 là hình chụp biên bản xác định đồ vật (con dao) ngày 20/3/2008. 

Ông Danh viết: “Vụ án Bưu điện Cầu Voi, lâu nay nhiều người bị dẫn dắt bởi luận điểm ‘Trước khi bắt Hồ Duy Hải, CQĐT không biết con dao, cái thớt là hung khí gây án nên người ta vứt đi. Mãi đến ngày 21/3/2008, Hải nhận tội và khai ra con dao giấu ở tấm bảng, cơ quan điều tra mới biết và cho mua con dao mô phỏng để nhận dạng’. Trả lời Quốc hội, Chánh án Nguyễn Hòa Bình khẳng định, chỉ có người trong cuộc mới có thể mô tả đúng như thế.

Tuy nhiên, con dao đã mua từ trước khi Hải khai. Cụ thể, ngày 20/3 đã có biên bản mua dao và nhận dạng. Lời nhận tội của Hải ngày 21/3 chỉ là khớp với hung khí – tức là mua con dao rồi mới có lời khai chứ không phải con dao được mua theo lời khai.”

Bình luận về nội dung trên, luật sư Trần Hồng Phong nhận định: “Thực ra không có cơ sở nào để nói con dao mà các dân phòng phát hiện là con dao đã thật sự được hung thủ dùng để cắt cổ hai nạn nhân, vì nó rất mới và hoàn toàn không khớp với con dao mà CQĐT cho Hồ Duy Hải nhận dạng (qua ảnh); không trùng khớp với mô tả của chị Lê Thị Thu Hiếu (là bạn thân 2 nạn nhân, đã nhiều lần dùng con dao có thật tại bưu cục).

Chính vì vậy, để “khớp”, điều tra viên đã rất gan khi tự tay sửa kích thước con dao trong bản khai của chị Hiếu (tìm đọc: Đơn tố cáo làm sai lệch hồ sơ vụ án năm 2017).

Rất may là tại phiên toà giám đốc thẩm (6-8/5/2020), Chánh án TANDT Nguyễn Hoà Bình đã “cứu thua” cho CQĐT khi lần đầu tiên khẳng định con dao đó không phải là tang vật, mà chỉ là “vật tương tự”.

Như vậy, ít nhất 1 điều đã rõ là trong vụ án này CQĐT đã không thu được/không có tang vật nào cả, không có con dao nào nào cả. Chỉ có một con DAO ẢO trên giấy mà thôi. Còn 2 con dao có thật thì vẫn chưa tìm ra.”

106786660 2777155242384865 8000171960159126634 o e1594082137736
Biên bản xác định đồ vật Hồ Duy Hải (Ảnh: Facebook Trương Châu Hữu Danh)

Trên Facebook cá nhân, nhà báo Nguyễn Hồng Lam ở báo CAND nhận định mặc dù chưa thể khẳng định Hồ Duy Hải có tội hay không, nhưng quá trình điều tra đã cho thấy các cơ quan tố tụng đã phạm hàng loạt sai lầm nghiêm trọng như tùy tiện tiêu hủy, thay đổi, lắp ghép vật chứng (con dao, cái thớt…); trọng cung, không trọng chứng, dẫn đến không khách quan; suy đoán theo chiều hướng có tội; không áp dụng nguyên tắc suy luận có lợi cho bị cáo mà ngược lại; đặt niềm tin nội tâm không đúng công đoạn tố tụng; và không xem xét các dấu hiệu sai phạm tố tụng của khâu điều tra, có dấu hiệu bỏ sót người, lọt tội, nhất là với dấu hiệu của tội danh “cố tình làm lệch hồ sơ vụ án” và “không truy tố người có tội”.

Ông Lam cho rằng cần phải tái thẩm vụ án “không chỉ để giúp níu lại mạng sống cho một bị cáo đã bị tuyên án tử” mà còn là “cơ hội để hội đồng thẩm phán 17 người có cơ hội sửa sai, đưa ra phán quyết đúng đắn.”

“Cao hơn nữa, tái thẩm vụ án Hồ Duy Hải là cơ hội duy nhất để cứu chuộc một hệ thống tư pháp đầy những lỗ thủng sai lầm đang cố vá víu suốt mười mấy năm trời. Cao hơn hết, đó là cơ hội cứu chuộc công lý,” ông viết.

Tuấn Minh (t/h)

Xem thêm: