ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng cho biết trong vụ Hồ Duy Hải, qua một số thông tin cử tri thì đang có cuộc chỉ đạo ngầm một số cơ quan báo chí viết bài ủng hộ TAND Tối cao; tìm cách hạn chế, cấm đoán đưa tin từ người không đồng tình với TAND Tối cao;… nhằm bịt đường dư luận đang đòi hỏi tòa án phải tôn trọng và hành động vì công lý, xét xử đúng pháp luật.

Luu Binh Nhuong
Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng. (Ảnh: Quochoi)

ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng – Phó trưởng ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã gửi văn bản kiến nghị tới Tổng Bí thư, Chủ tịch nước và Chủ tịch Quốc hội về vụ án Hồ Duy Hải.

Ngày 8/5/2020, TAND tối cao tuyên giám đốc thẩm vụ Hồ Duy Hải gây nên sự bức xúc rất lớn trong xã hội. Trong đó những nhà chuyên môn, nguyên là Thẩm phán TAND Tối cao, chuyên gia luật, giáo viên,… đều cho rằng với những chứng cứ và lập luận mang tính chủ quan, áp đặt, Hội đồng thẩm phán TAND tối cao đã phán quyết đồng tình với hai bản án bị dư luận phản đối mạnh mẽ hơn chục năm, để dễ dãi kết án tử một con người.

Đặc biệt, dư luận cho rằng, phán quyết của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao đã vi phạm nguyên tắc suy đoán vô tội và dựa trên tư duy, quan niệm mang tính buộc tội, vấn đề “cấm kỵ” trong lĩnh vực hình sự.

Mặc dù công nhận nhiều sai sót mang tính mấu chốt trong quá trình điều tra, nhưng lại cho rằng sai sót đó “không ảnh hưởng đến bản chất của vụ án”.

Đương nhiên, bản chất của vụ án là “giết người”, chứ không phải là do “sét đánh chết người”. Nhưng bản chất của cấu trúc tội phạm có thể sẽ thay đổi, chính xác hơn nếu hoạt động tư pháp tuân thủ nghiêm ngặt quy định của pháp luật tố tụng.

Thực tiễn đã có những vụ án rất điển hình phải trả giá do vi phạm tố tụng như ngụy tạo chứng cứ, thiếu trách nhiệm, rắp tâm kết tội… đã làm điêu đứng cả nền tư pháp,…

Hiện dư luận trong xã hội không đồng tình với phán quyết của Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao không phải để bênh vực mù quáng cho Hồ Duy Hải mà là không đồng tình với cách tiến hành tố tụng thiếu công tâm, mang nặng định kiến và vi phạm những nguyên lý cơ bản về tội phạm học, tố tụng hình sự. Đặc biệt, càng nghe giải thích của các vị đại diện cho TAND Tối cao cũng như người được mời phỏng vấn phát biểu trên báo chí sau khi kết thúc phiên xét xử, dư luận càng bức xúc hơn vì đó là cách suy luận chủ quan, bất chấp quy định của pháp luật” – ĐB Nhưỡng cho biết.

Vị ĐB này cũng chỉ rõ một số vấn đề đang tồn tại cần giải quyết liên quan đến vụ án Hồ Duy Hải như:

Thứ nhất:Dư luận rất dị nghị về việc ông Nguyễn Hòa Bình, người đã quyết định không kháng nghị giám đốc thẩm với tư cách Viện trưởng VKSND Tối cao, nay lại ngồi ghế chủ tọa xét xử kháng nghị giám đốc thẩm. Vì vậy, rất có thể mang định kiến tư pháp vào quá trình điều hành xét xử, quyết định không vô tư, thiếu khách quan, rõ ràng đã vi phạm quy định tại điều 21, Bộ luật tố tụng hình sự”.

Thứ hai:Hội đồng thẩm phán TAND tối cao đã không xem xét công tâm, khách quan, khoa học, đúng đắn đối với các vi phạm tố tụng của cơ quan điều tra, có thể nói nhiều vấn đề khuất tất bị che lấp đã được dư luận nêu bức xúc trong suốt thời gian qua (như: thời gian thực hiện hành vi phạm tội không chính xác; thời điểm nạn nhân bị chết không được xác định; công cụ, phương tiện phạm tội không được thu thập, mà lại bị thay bằng vật khác; vi phạm trong việc thu giữ mẫu máu, vân tay; chưa xác định lời kể của các nhân chứng quan trọng; xác định Hồ Duy Hải nhận tội trong khi trên thực tế Hồ Duy Hải liên tục kêu oan; Khuất tất trong việc loại trừ hai nghi can Nguyễn Văn Nghị và Nguyễn Mi Sol, theo dư luận thì Nghị là nghi can số một trong vụ án; báo chí đưa thông tin về một số cá nhân liên quan đến vụ án “chết bất thường”…). Qua 3 ngày làm việc, Hội đồng thẩm phán TAND tối cao đã không thỏa mãn những điều xã hội đang quan tâm theo dõi, đặt ra để giải quyết về phương diện tuân thủ nghiêm ngặt pháp luật tố tụng, có dấu hiệu vi phạm các Điều 7, 8, 13, 15, 17 Bộ luật Tố tụng hình sự”.

Thứ ba:Hội đồng thẩm phán TAND tối cao tự đặt ra một quyền năng trên cả luật do Quốc hội ban hành. Theo quy định tại Điều 388 Bộ luật Tố tụng hình sự (năm 2015) thì Hội đồng xét xử giám đốc thẩm có 6 quyền năng gồm:

  1. Không chấp nhận kháng nghị và giữ nguyên bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị.
  2. Hủy bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật và giữ nguyên bản án, quyết định đúng pháp luật của Tòa án cấp sơ thẩm hoặc Tòa án cấp phúc thẩm bị hủy, sửa không đúng pháp luật.
  3. Hủy bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật để điều tra lại hoặc xét xử lại.
  4. Hủy bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật và đình chỉ vụ án.
  5. Sửa bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật.
  6. Đình chỉ xét xử giám đốc thẩm.

Tuyệt nhiên không có quy định nào cho phép Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao phán quyết về việc kháng nghị của VKSND tối cao đúng hay không đúng pháp luật. Như vậy, Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao đã tự cho mình áp đặt thêm quyền năng thứ 7 đứng trên luật pháp. Đây là sự vi phạm nghiêm trọng về cả chính trị và pháp lý”.

Thứ tư:Một số giải thích gần đây của hai Phó chánh án TAND Tối cao Nguyễn Trí Tuệ, Bùi Ngọc Hòa xung quanh vụ án và quá trình xét xử càng bộc lộ rõ quan điểm không chuẩn định về thẩm quyền của VKSND tối cao, về vai trò của Chánh án TAND tối cao, về tính độc lập của thẩm phán, nhất là về cách thu thập, đánh giá chứng cứ. Càng làm tăng thêm sự hoài nghi, thiếu niềm tin đối với cơ quan xét xử cao nhất của Nhà nước, có vẻ như không ai hiểu vụ án hơn Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao?”.

Thứ năm:Qua một số thông tin cử tri thì đang có cuộc chỉ đạo ngầm một số cơ quan báo chí viết bài ủng hộ TAND Tối cao; tìm cách hạn chế, cấm đoán đưa tin từ người không đồng tình với TAND Tối cao;… nhằm bịt đường dư luận đang đòi hỏi tòa án phải tôn trọng và hành động vì công lý, xét xử đúng pháp luật.

Phán quyết của Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao và phát ngôn của hai Phó chánh án TAND Tối cao đã gây bức xúc cho dư luận, người dân nghi ngờ về tính đúng đắn, vai trò của Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao; cho rằng phán quyết này sẽ tạo ra “tiền lệ nguy hiểm”, “tiền lệ rất xấu”, hậu quả khôn lường cho hoạt động tư pháp”.

Từ đó, ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng đề nghị:

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chỉ đạo Ban cán sự đảng TAND tối cao, Ban cán sự đảng VKSND tối cao, Đảng đoàn Liên đoàn luật sư Việt Nam báo cáo Ban Nội chính, Ban Bí thư, Bộ Chính trị chỉ đạo Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng VKSND tối cao, Chủ tịch Liên đoàn luật sư Việt Nam báo cáo Chủ tịch nước về vụ án nêu trên.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân yêu cầu Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng VKSND tối cao có báo cáo riêng vụ việc Hồ Duy Hải tại Kỳ họp thứ 9 của Quốc hội; tổ chức thực hiện giám sát tối cao của Quốc hội hoặc giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với các vụ án do Hội đồng thẩm phán TAND tối cao xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm gây bức xúc dư luận, trong đó có vụ án Hồ Duy Hải, gây ảnh hưởng đến tình hình trật tự an toàn xã hội thời gian qua.

Nguyễn Tuân