Theo công bố của Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT), có khoảng 15,1 – 27,2 kg thủy ngân đã phát tán ra môi trường sau vụ cháy tại Công ty Rạng Đông; người dân trong phạm vi 500 m đặc biệt cần áp dụng các biện pháp vệ sinh, phòng ngừa phơi nhiễm…

vụ cháy tại Công ty Rạng Đông, nhiễm độc thủy ngân
Vụ cháy tại Công ty Rạng Đông tối ngày 28/8 nhìn từ trên cao. Lửa trùm kín khu vực kho chứa sản phẩm, nguyên liệu vật tư, hóa chất. (Ảnh: FB)

Khoảng 15,1-27,2 kg thủy ngân đã phát tán ra môi trường

Chiều tối ngày 4/9, tại buổi Họp báo Chính phủ thường kỳ, Thứ trưởng Bộ TN-MT Võ Tuấn Nhân đã chính thức công bố kết quả quan trắc không khí, đất và nước mặt tại những nơi được cho là ảnh hưởng từ vụ cháy tại nhà máy Công ty Rạng Đông tại Hà Nội. Theo đó, cảnh báo ô nhiễm hóa chất là hoàn toàn có cơ sở.

Ông Võ Tuấn Nhân cho biết báo cáo của công ty thì lượng thuỷ ngân bị phát tán là 15,1kg, nhưng theo số liệu của các nhà khoa học thì khối thuỷ ngân bị phát tán khoảng 27,2 kg. Qua kiểm tra, tủ bảo quản chứa almagam được giữ nguyên. Do đó, lượng thuỷ ngân bị phát tán nằm trong bóng đèn đã cháy, với khối lượng từ 15,1 – 27,2 kg.

“Rất may là 3 kho chứa Amalgam để sản xuất chưa bị cháy, nghĩa là một khối lượng lớn thủy ngân nằm ngoài khu vực bị cháy. Khối lượng lớn thuỷ ngân này không bị cháy, còn lại đều nằm ở bóng đèn bị cháy. Vì thế, chúng tôi xác định đến giờ phút này có khoảng 15,1-27,2 kg thủy ngân đã phát tán ra môi trường”, Thứ trưởng Bộ TN-MT nói.

Theo tính toán của các nhà khoa học, cần 30 mmg thủy ngân để sản xuất một bóng đèn huỳnh quang, 8 mmg cho một bóng đèn compact.

Nồng độ thủy ngân vượt ngưỡng khuyến cáo 

Về kết quả phân tích mẫu nước, đất và không khí do Trung tâm Quan trắc môi trường miền Bắc (Tổng cục Môi trường) và Sở TN-MT Hà Nội lấy từ 30/8-1/9, đại diện của Bộ TN-MT cho biết phạm vi có thể gây ảnh hưởng xấu tới sức khoẻ con người trong bán kính khoảng 500 m tính từ hàng rào của kho bị cháy.

Cụ thể, về kết quả so sánh giá trị nồng độ thuỷ ngân với các Quy chuẩn Việt Nam (QCVN) hiện hành về môi trường:

1/12 mẫu nước mặt có giá trị thuỷ ngân vượt QCVN 1,3 lần tại điểm quan trắc trên sông Tô Lịch, cách cống xả gom nước thải của Công ty ngõ 320 Khương Đình 1,5 km.

1/8 mẫu nước thải có giá trị thuỷ ngân vượt 2,76 lần tại điểm quan trắc Hố ga cạnh xưởng Led trong Công ty.

12/13 mẫu trầm tích, bùn đáy có giá trị thuỷ ngân vượt quy chuẩn. Điểm quan trắc tại sông Tô Lịch, cách cống xả gom nước thải của Công ty ngõ 320 Khương Đình 1 km có giá trị thủy ngân cao nhất, vượt 6,1 lần.

1/6 mẫu không khí có giá trị thuỷ ngân vượt 1,02 lần tại điểm quan trắc trong khuôn viên nhà kho bị cháy của Công ty.

vụ cháy tại Công ty Rạng Đông, nhiễm độc thủy ngân
Hình ảnh sau vụ cháy tại Công ty Rạng Đông, vào lúc 6h30 sáng ngày 29/8. (Ảnh: FB)

Kết quả so sánh với các tiêu chuẩn khuyến cáo của WHO và châu Âu, ATSDR-Mỹ, Canada:

Theo hướng phát tán dòng khí sau sự cố, Bộ TN-MT đã lấy mẫu ở các khoảng cách 200 m, 500 m, 1000 m tính từ hàng rào kho bị cháy.

Trong khoảng cách 200 m, các mẫu hấp phụ thủy ngân đều có giá trị nằm trong ngưỡng khuyến cáo của WHO và Châu Âu (ngưỡng ảnh hưởng đến sức khỏe con người tại khu vực đô thị). Cụ thể,

Các điểm quan trắc không khí trong khuôn viên Công ty phía trước khu cháy và trong nhà kho bị cháy có giá trị hàm lượng thủy ngân trong môi trường không khí cao vượt ngưỡng khuyến cáo của WHO và ATSDR – Mỹ từ 10 – 30 lần (ngưỡng ảnh hưởng rất xấu đến sức khỏe con người tại khu vực đô thị).

2/9 điểm quan trắc nước mặt có giá trị thủy ngân nằm trong ngưỡng khuyến cáo của WHO (ngưỡng ảnh hưởng đến sức khỏe con người): điểm NM-HĐ 02 (hồ Hạ Đình) và điểm TL05 (sông Tô Lịch tại điểm cách ngõ 320 Khương Đình 1,5 km về phía hạ lưu).

Nồng độ thủy ngân quan trắc được trong môi trường đất tại các vị trí quan trắc đều không vượt quá ngưỡng có thể gây hại cho môi trường và sức khoẻ con người theo khuyến cáo của Canada, nhưng mẫu đất trong khuôn viên vườn hoa của Công ty có hàm lượng thủy ngân cao hơn các vị trí khác.

“Do đó có thể thấy vụ cháy xảy ra ở công ty Rạng Đông là sự cố cháy nổ, mất an toàn về hóa chất và môi trường, được đánh giá quy mô ảnh hưởng mức độ trung bình. Tuy nhiên, gây thiệt hại lớn về tài sản và không khí, cũng như nước mặt, ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ và môi trường xung quanh”, ông Nhân nói.

Cũng theo ông Nhân, các hoá chất gây tác động chủ yếu là thuỷ ngân và một số kim loại nặng phát sinh trong quá trình cháy. Các chất ô nhiễm này một phần phát tán vào không khí, một phần phát tán vào nguồn nước, chảy vào sông Tô Lịch, tích tụ trầm tích ở bùn đáy. Phạm vi có thể gây ảnh hưởng xấu tới sức khoẻ người dân trong bán kính khoảng 500 m tính từ hàng rào của kho bị cháy.

Theo đó, kết quả quan trắc của Bộ TN-MT công bố ngày 4/9 đã phủ nhận kết quả quan trắc do Sở TN-MT TP Hà Nội công bố ngày 31/8 với kết luận “trong các mẫu đất lấy tại 5 vị trí xung quanh khu vực nhà máy Rạng Đông, nồng độ thủy ngân đều bằng 0.

Việc UBND quận Thanh Xuân yêu cầu UBND phường Hạ Đình thu hồi văn bản khuyến cáo đối với người dân là hoàn toàn đi ngược với kết quả quan trắc mà Bộ TN-MT vừa công bố.

Người dân sống trong bán kính 500 m cần đặc biệt ngừa phơi nhiễm

Bộ TN-MT cho biết đã họp liên ngành, trước hết yêu cầu công ty Rạng Đông khẩn trương cô lập khu vực cháy, che chắn mái tôn, phủ bạt, tránh mưa và không để hơi thủy ngân phát tán môi trường;

Với chất tàn dư sau vụ cháy, Công ty cần thu gom, lưu giữ trong container để xử lý theo quy định đối với chất thải nguy hại.

Ngoài ra, yêu cầu Công ty phối hợp đơn vị chức năng tiến hành tẩy độc khu vực bị cháy và thống kê chính xác số lượng hàng hoá, vật liệu bị cháy, báo cáo cơ quan chức năng để xác định đúng số lượng; kiểm tra sức khoẻ cán bộ công nhân và người lao động.

Bộ TN-MT yêu cầu UBND TP Hà Nội tiếp tục cô lập và cách ly vụ cháy, hướng dẫn phân loại thu gom tàn dư vụ cháy, kể cả phế liệu vật liệu theo đúng quy định; khuyến cáo người dân trong phạm vi 500 m áp dụng biện pháp vệ sinh, phòng ngừa phơi nhiễm, tổ chức khám sức khỏe thường xuyên.

Các cơ quan liên quan cũng cần tiếp tục theo dõi mức độ ảnh hưởng, công bố thông tin và kết quả kiểm tra nhiễm độc, xây dựng chương trình kiểm tra và khám sức khoẻ thường xuyên cho người dân, đặc biệt là người dân trong bán kính 500 m từ vụ cháy.

Bộ TN-MT sẽ tiếp tục phối hợp để đưa ra yêu cầu xử lý chất thải nguy hại nhiễm thủy ngân phát sinh sau vụ cháy, hướng dẫn cải tạo, tiếp tục quan trắc, nghiên cứu khả năng phát tán bay hơi của thủy ngân khi trời nắng lên.

Ông Nhân cho biết Viện Hàn lâm Khoa học – công nghệ Việt Nam sẽ mời các chuyên gia Nhật Bản tham gia phối hợp với Tổng cục Môi trường thiết lập mô hình giảm sát ô nhiễm môi trường, quan trắc trực tuyến về thủy ngân trong khu vực để kiểm soát những tồn dư của thủy ngân sau sự cố có ảnh hưởng, tác động đến môi trường và sức khỏe con người hay không.

Về giải pháp lâu dài, ông Nhân cho biết quan điểm của Bộ TN-MT là có lộ trình thích hợp di dời các nhà máy này ra khỏi khu dân cư; được biết Hà Nội đã có kế hoạch và có lộ trình.

“Hy vọng không chỉ công ty như Rạng Đông mà nhiều công ty khác cũng rời khỏi khu dân cư, đặc biệt là cơ sở có nguy cơ ô nhiễm và nguồn hoá chất”, Thứ trưởng Bộ TN-MT nói.

TS. Nguyễn Hồng Vũ (Viện Nghiên cứu ung thư, City of Hope, California, USA; Cố vấn khoa học Ruy Băng Tím) cho biết theo tiêu chuẩn của WHO, lượng thủy ngân cho phép trong không khí là 2-10 nanô gram/m3; trong nước ngầm và nước bề mặt là 0,5 micrô gram/lít.

Kim loại thủy ngân ở dạng hơi trong không khí (Elemental mercury vapor) rất dễ dàng được hấp thụ (tỷ lệ hấp thu xấp xỉ 80%) vào phổi, và nhanh chóng khuếch tán vào máu và phân phối vào tất cả các cơ quan của cơ thể.

Ở dạng nguyên tố ,kim loại thủy ngân không tích điện, có khả năng khuếch tán cao và tan trong lipid, vượt qua hàng rào máu não và hàng rào máu nhau thai, cũng như hai lớp lipid của màng tế bào và các cơ quan nội bào.

Hai cơ quan chính trong cơ thể tích tụ thủy ngân sau khi bị hấp thụ là não và thận. Sự bài tiết của thủy ngân ra khỏi cơ thể khá chậm, cần khoảng 30-60 ngày để bài tiết phân nữa (half-life) lượng thủy ngân trong các cơ quan trong cơ thể ngoại trừ não. Theo một số nghiên cứu não cần khoảng 20 năm.

Nhiễm độc thủy ngân gây ra ảnh hưởng trực tiếp rối loạn các chức năng của chúng và làm hư hỏng tế bào, cuối cùng làm tê liệt các hệ thống cơ quan như phổi, thận hoặc hệ thần kinh. Nhiễm độc thủy ngân cũng là nguyên nhân gây nên sẩy thai và thai dị dạng. Nhiễm độc nặng có thể dẫn đến tử vong.

Triệu chứng nhiễm độc cấp tính với hơi thủy ngân khi hít phải là: run rẩy, khó thở, tức ngực, không cảm giác được mùi, mất trí nhớ, khó ngủ, đau đầu, cảm giác yếu mệt, suy nhược cơ bắp, co giật cơ bắp, giảm chức năng nhận thức,…

Nguyễn Sơn

Xem thêm: