Theo cơ quan chức năng, ông Lê Xuân Chính – nguyên Đồn phó kiêm Trạm trưởng Trạm kiểm soát biên phòng cửa khẩu Nam Giang (huyện Nam Giang, Quảng Nam) là chủ mưu trong vụ chặt phá 41 gốc cây gỗ pơ mu với tổng khối lượng là 53,123 m3. Tổng giá trị thiệt hại ước tính 3,2 tỷ đồng.

vu chat pha rung po mu nghiem trong tai quang nam
Một cây pơ mu hàng trăm năm tuổi bị đốn hạ được phát hiện ngày 9/7/2016. (Ảnh: nld.com.vn)

Ngày 19/1, tòa án quân sự khu vực I (Quân khu 5) mở phiên tòa sơ thẩm xét xử 21 bị cáo trong vụ phá rừng pơ mu ở khu vực biên giới Việt – Lào gây xôn xao dư luận vào năm 2016. Phiên xét xử có bị cáo Lê Xuân Chính – nguyên Đồn phó kiêm Trạm trưởng Trạm kiểm soát biên phòng cửa khẩu Nam Giang (huyện Nam Giang, Quảng Nam) được xác định là chủ mưu vụ việc.

Các bị cáo cùng bị truy tố về tội “Vi phạm các quy định về khai thác bảo vệ rừng” theo điều 175 Bộ luật Hình sự. Phiên tòa diễn ra trong bốn ngày (từ ngày 19-22/1).

Trước đó, ngày 13/7/2017, Cơ quan điều tra hình sự quân đội tỉnh Quảng Nam đã có quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Lê Xuân Chính.

Theo cáo trạng, bị cáo Chính có quan hệ thân thiết với Tiêu Hồng Tư – Giám đốc công ty cổ phần Minh Hà (Đà Nẵng).

Cuối tháng 3/2016, Chính chở Nguyễn Văn Quang (thợ chuyên vào rừng tìm gỗ) sang xưởng gỗ của Tư tại huyện Đắk Chưng (Lào) với mục đích bàn bạc, tìm kiếm khu vực rừng có gỗ pơ mu, thông đỏ, dổi để khai thác cho Chính và Tư.

Đầu tháng 5/2016, Quang rủ các bị cáo Thắng, Dương, Diêu, Châu, Cường vào bốc gỗ tại cửa khẩu Nam Giang và đi theo đường công vụ Biên phòng tới khu vực có gỗ pơ mu.

Sau đó, Quang mô tả cho Chính biết vị trí khu rừng cách cửa khẩu khoảng một giờ đi bộ, ở bên trái cách đường công vụ khoảng 200-300 m, số lượng khoảng 100 m3 gỗ tròn, khoảng từ 40 đến 50 m3 gỗ xẻ. Chính đồng ý cho khai thác.

Tiếp đó, Chính bàn và thống nhất với Quang về chi phí vận chuyển gỗ xẻ thành phách từ rừng ra đến đường rồi chuyển lên xe với giá 8 triệu/m3.

Thống nhất giá cả, Quang thuê hàng chục người ở Quảng Bình vào khai thác gỗ với công chặt và vận chuyển ra đường là 5 triệu/m3. Thời gian khai thác từ 4h chiều đến 9h tối với lý do “Khu vực cửa khẩu có người qua lại nhiều vào ban ngày, phải làm cho tế nhị, đừng cho người ta biết không hay”.

Toàn bộ số gỗ chặt được, các công nhân gửi tại Chi cục Hải quan cửa khẩu Nam Giang. Tuy nhiên, nhân viên tại đây không cho gửi vì phát hiện gỗ trái phép nên yêu cầu đưa đi nơi khác. Sau đó, toàn bộ số gỗ được đem đi cất giấu.

Đến ngày 7-8/7/2016, lực lượng kiểm lâm đã phát hiện được vụ việc, Chính điện cho Quang chỉ đạo các đối tượng trong nhóm vận chuyển gỗ rời khỏi hiện trường đi về quê. Chính cũng chỉ đạo Quang thay đổi điện thoại và yêu cầu phải trốn sang Lào. Chính nói “Tình hình rất căng, không được ở nhà mà phải trốn sang Lào gấp”.

Theo cơ quan chức năng, sau vụ chặt phá rừng, có 41 gốc cây gỗ pơ mu bị cưa xẻ với khối lượng là 53,123 m3, giá trị thiệt hại ước tính 3,2 tỷ đồng.

Trần Tâm

Xem thêm: