Trong Luật, không có thuật ngữ nào là “đi nhờ chuyên cơ”. Tất cả những người đi cùng lãnh đạo cấp cao đều phải được chọn lọc, thẩm định, xét duyệt kỹ lưỡng bởi các bộ phận, ban ngành liên quan về nhân thân, lý lịch, mục đích v.v. Việc không kiểm soát kỹ nhân thân, lý lịch của những người đi cùng chuyến bay với lãnh đạo cấp cao không chỉ là một lỗ hổng an ninh nghiêm trọng, mà còn tạo cơ hội cho việc cấu kết, móc nối để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật nhằm trục lợi, gây ảnh hưởng xấu tới uy tín của Nhà nước.

hanquoc1
Đài MBC (Hàn Quốc) đưa tin về người Việt nam bỏ trốn ở lại Hàn Quốc (Ảnh chụp màn hình)

Chiều 25/9, hai ngày sau khi truyền thông Hàn Quốc đưa tin về việc 9 người trong đoàn doanh nghiệp Việt Nam đi cùng đoàn Quốc hội ở lại trái pháp luật tại Hàn Quốc, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đã lên tiếng giải thích về vụ việc.

Theo ông Phúc, đây là những người tham gia đoàn các doanh nghiệp (DN) Việt Nam dự Diễn đàn Đầu tư và Thương mại Việt Nam – Hàn Quốc, không thuộc thành phần Đoàn công tác của Quốc hội Việt Nam. Để thuận tiện cho việc tham dự Diễn đàn, đoàn DN này đã “đi nhờ chuyên cơ” của Đoàn công tác Quốc hội Việt Nam.

Sau lời giải thích của Tổng Thư ký Quốc hội, Bộ trưởng KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng cũng có lời trần tình.

Theo đó, Bộ KH-ĐT được Nhà nước giao tổ chức các đoàn DN tháp tùng lãnh đạo trong các chuyến thăm và làm việc tại các nước cũng như tổ chức các diễn đàn xúc tiến thương mại ở nước ngoài. 

Việc này nhằm tạo cơ hội cho các DN tiếp xúc kêu gọi đầu tư, tìm hiểu thương mại, làm ăn. Lãnh đạo Chính phủ, Quốc hội luôn hỗ trợ cho DN tham dự các sự kiện, hội nghị xúc tiến đầu tư như vậy.

“Chúng tôi đã tổ chức hàng trăm cuộc như thế, chẳng may có một cuộc có một số trường hợp trốn lại rất là đáng tiếc. Chúng tôi cũng buồn lắm”, Bộ trưởng KH-ĐT chia sẻ.

Ông Dũng cho biết, việc lập danh sách các DN tham gia cùng các đoàn lãnh đạo qua các nước do Bộ lập. Bộ cũng đã xét duyệt, xem xét từng trường hợp tham gia. Trong quá trình đó, có thể sơ suất, ai đó lợi dụng sang đó rồi bỏ trốn. 

“Bộ KH-ĐT đã làm hết trách nhiệm, chặt chẽ lắm. Các cơ quan chọn lọc nhưng họ cố tình lợi dụng, bỏ cả hộ chiếu để trốn. Bộ vẫn giữ hộ chiếu đây”, Bộ trưởng cho hay.

Trước một sự việc nghiêm trọng ảnh hưởng tới an ninh, an toàn bay của các lãnh đạo cấp cao, vi phạm luật pháp, cũng như ảnh hưởng xấu tới hình ảnh, thể diện quốc gia, những người có trách nhiệm liên quan chỉ cho rằng “đó là sự cố đáng tiếc”, sẽ “rút kinh nghiệm”, “đã làm hết trách nhiệm”, đồng thời quy trách nhiệm chính lên 9 người “có ý đồ, cố tình làm sai.”

Điều 5 Nghị định số 03/2009/NĐ-CP về “Công tác đảm bảo chuyến bay chuyên cơ” nêu rõ, đối tượng được phục vụ trên chuyến bay chuyên cơ của Việt Nam bao gồm lãnh đạo cấp cao của ĐCSVN và Nhà nước (gồm Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch Quốc hội); cùng những đối tượng đặc biệt khác khi có thông báo của VP TƯ Đảng, VP Chủ tịch nước, VP Quốc hội hay VP Chính phủ.

Những “đối tượng đặc biệt” này có thể bao gồm “đoàn doanh nghiệp, báo chí đi cùng trên chuyến bay chuyên cơ của Việt Nam” (Điều 15)

Cũng theo Điều 15, những đối tượng này thuộc trách nhiệm quản lý của VP Quốc hội, VP Chính phủ về việc “sắp xếp, quản lý và thông tin”.

Hơn nữa, theo Điều 7 & Điều 8 của Nghị định này, VP Quốc hội, VP Chính phủ có thẩm quyền thông báo về “đối tượng được phục vụ và số lượng” trên chuyến bay chuyên cơ bằng văn bản tới Cục Lãnh sự, Cục Lễ tân nhà nước – Bộ Ngoại giao, Bộ Tư lệnh Cảnh vệ, Cục Hàng không Việt Nam, Cục Tác chiến, Quân chủng Phòng không – Không quân, hãng hàng không của Việt Nam được giao thực hiện chuyến bay là Vietnam Airlines.

Về công tác đảm bảo an ninh, Bộ Tư lệnh cảnh vệ có trách nhiệm phối hợp với Tổng cục An ninh và các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức thực hiện công tác bảo đảm an ninh cho chuyến bay chuyên cơ.

Như vậy, có thể thấy trách nhiệm của VP Quốc hội, Bộ KH&ĐT cũng như Bộ Tư lệnh cảnh vệ, Tổng cục an ninh trong sự việc về công tác kiểm soát nhân sự. 

Trong Luật, không có thuật ngữ nào là “đi nhờ”. Tất cả những người đi cùng lãnh đạo cấp cao đều phải được chọn lọc, thẩm định, xét duyệt kỹ lưỡng bởi các bộ phận, ban ngành kể trên về nhân thân, lý lịch, mục đích v.v

Việc không kiểm soát kỹ nhân thân, lý lịch của những người đi cùng chuyến bay với lãnh đạo cấp cao không chỉ là một lỗ hổng an ninh nghiêm trọng, mà còn tạo cơ hội cho việc cấu kết, móc nối để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật nhằm trục lợi, gây ảnh hưởng xấu tới uy tín của Nhà nước.

Dù cố ý hay không, những người xét hồ sơ, tạo kiều kiện cho 9 người lên cùng chuyến bay chuyên cơ rồi trốn lại cũng cần được xem xét về “Tội tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép” theo Điều 349 của Bộ Luật hình sự 2015.

Ngoài ra, theo thông tin ông Nguyễn Hạnh Phúc đưa, khi lên máy bay chuẩn bị về nước đã phát hiện có 9 người bỏ trốn, tuy nhiên do sát giờ bay nên không thể đợi.

Như vậy, VP Quốc hội lẫn Bộ KH&ĐT đều biết việc 9 công dân Việt nam ở lại bất hợp pháp tại Hàn Quốc, nhưng từ đầu tháng 12/2018 tới nay, vụ việc hoàn toàn không được đề cập. Chỉ cho đến khi phía truyền thông Hàn Quốc lên tiếng, phía Việt Nam mới công bố thông tin và hứa hẹn “phối hợp chặt chẽ, tích cực với các cơ quan chức năng để thông tin và phối hợp xử lý theo quy định của pháp luật” (theo Bộ KH&ĐT).

Đã gần 10 tháng kể từ khi sự việc xảy ra, dư luận có quyền nghĩ rằng đó là sự cố tình che giấu thông tin.

Công luận đang chờ đợi tên tuổi những người bỏ trốn cùng đơn vị đăng ký được công khai, đồng thời trách nhiệm của cá nhân, tập thể liên quan được làm rõ và xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật. 

Xuân Lan (t/h)

Xem thêm: