Ngày 2/8, Mạng lưới sông ngòi Việt Nam (VRN) công bố văn bản đã gửi lên Thủ tướng Chính phủ, các bộ và tỉnh Đồng Nai, kiến nghị dừng “Dự án cải tạo cảnh quan và phát triển đô thị ven sông Đồng Nai” (ý kiến công luận gọi là dự án lấn sông Đồng Nai) do có nhiều hệ lụy về môi trường và chính sách nếu tiếp tục thực hiện dự án.

vrn neu 4 ly do kien nghi chinh phu dung du an lan song dong nai
Hiện trạng sông Đồng Nai khi bị lấn vào năm 2015. (Ảnh: dẫn qua dwrm.gov.vn)

Theo VRN – một diễn đàn mở của các nhà nghiên cứu thủy văn, môi trường, xã hội học, luật sư, các cán bộ công tác trong một số cơ quan nhà nước, Dự án sông Đồng Nai là dự án từng bị dư luận và các nhà khoa học đánh giá sẽ gây nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường, phát triển kinh tế, xã hội tại lưu vực sông Đồng Nai, dẫn tới việc Chính phủ ra quyết định dừng dự án này vào năm 2015.

Trước thông tin Chính phủ tiếp tục đồng ý cho Chủ tịch tỉnh Đồng Nai tự quyết định việc xây dựng Dự án sông Đồng Nai, VRN nêu 4 lý do kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, các bộ và tỉnh Đồng Nai dừng “Dự án cải tạo cảnh quan và phát triển đô thị ven sông Đồng Nai“.

Thứ nhất, VRN nêu vai trò cũng như hiện trạng của dòng sông. Sông Đồng Nai là con sông lớn thứ 3 tại Việt Nam và đây là con sông liên tỉnh chảy qua 10 tỉnh và thành phố HCM, là nguồn sống quan trọng của toàn bộ khu vực này.

Mặc dù vậy, tài nguyên nước bình quân đầu người của sông Đồng Nai lại thấp nhất Việt Nam và là 1 trong 4 lưu vực sông của Việt Nam có mức độ căng thẳng về nước lớn nhất trong mùa khô, do việc xây dựng hàng loạt các thủy điện trên dòng chính, dòng nhánh, ô nhiễm nguồn nước do công nghiệp và đô thị ven sông.v.v…

Thứ hai, VRN chỉ ra việc lấn sông đã vi phạm Luật Tài nguyên nước (2012), Luật Bảo vệ môi trường (2014), Luật Phòng chống thiên tai (2013) và Luật Giao thông đường thủy nội địa (2014).

Hồ sơ đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của chủ đầu tư về dự án sông Đồng Nai chưa đáp ứng được những thiếu sót về pháp lý của dự án nêu trên.

VRN dẫn chứng mặc dù mang tên “Dự án cải tạo cảnh quan và phát triển đô thị ven sông Đồng Nai”, dự án không phải là một dự án chỉnh trị sông ngòi, cải tạo cảnh quan của con sông mà là dự án lấn sông. Trong tổng diện tích 8,4ha của dự án thì 7,2 ha do lấn lòng sông Đồng Nai.

Trên diện tích này, chủ đầu tư là Công ty Toàn Thịnh Phát sẽ xây dựng 2 chung cư 25 tầng, 34 biệt thự liền kề và một khu thương mại.

vrn neu 4 ly do kien nghi chinh phu dung du an lan song dong nai 1
Không ảnh phần diện tích sông đã bị lấn. Chiều rộng lòng sông khu vực lấn là 805m. Theo dự án, đoạn lấn xa nhất ra lòng sông là gần 100 m. (Hình ảnh: Google Maps)

Theo VRN, những tác động của dự án đối với đời sống của những người dân, đặc biệt là những người mưu sinh nhờ dòng sông, chưa được được đánh giá đầy đủ. Việc “khai thác theo cách để có lợi cho một nhóm nhỏ và một nhóm lớn phải hy sinh không thể là một lựa chọn tốt“, VRN nhận định. Đây là lý do thứ ba VRN kiến nghị dừng dự án.

Thứ tư, các báo cáo ĐTM của dự án chưa làm rõ một số vấn đề quan trọng nhất về đặc trưng dòng chảy sông Đồng Nai. Đặc biệt ở khu vực phía Nam, sông Đồng Nai sẽ phải đối mặt với những diễn biến khí hậu bất thường xảy ra trong tương lai. Đánh giá tác động môi trường của dự án chưa giải đáp được yêu cầu dòng chảy cần được duy trì một cách tự nhiên, cũng như là hệ sinh thái đặc thù riêng.

Lo ngại trước những tác động đã diễn ra và những tác động tiềm tàng, đồng thời việc cho phép tiếp tục dự án có thể tạo thành tiền lệ xấu cho các hoạt động lấn chiếm sông hồ khác, VRN đề nghị Chính phủ và các các tỉnh dọc theo lưu vực sông Đồng Nai dừng hẳn việc thực hiện dự án. Đồng thời, chỉ xem xét thực hiện dự án theo hướng chỉnh trang  bờ sông – cảnh quan đô thị trong giới hạn bờ sông Đồng Nai hiện hữu trở vào trong. Ngoài ra, VRN đề nghị cần sớm giải tỏa những hạng mục đã xây dựng của dự án này để ngăn ngừa những tác động tiêu cực về môi trường trong tương lai.

 

Dự án cải tạo cảnh quan và phát triển đô thị ven sông Đồng Nai” được UBND tỉnh Đồng Nai phê duyệt và cấp phép thực hiện cho Công ty Toàn Thịnh Phát vào năm 2011, khởi công tháng 9/2014 với tổng vốn đầu tư hơn 3.200 tỷ đồng.

Dự án có tổng diện tích 8,4 ha, trong đó có hơn 7,7 ha lấn sông Đồng Nai; chiều dài 1,3 km dọc theo sông Đồng Nai; đoạn xa nhất lấn ra lòng sông gần 100 m.

Theo hồ sơ, dự án có hạng mục chính như: bờ kè, công viên, dãy nhà phố, cao ốc văn phòng, khách sạn 5 sao, trung tâm thương mại…

Tuy nhiên, dự án vấp phải sự phản đối của các nhà khoa học bởi cho rằng lấp sông Đồng Nai là vi phạm nghiêm trọng đến tài nguyên nước, chưa kể việc lấp sông sẽ tạo ra hiệu ứng dây chuyền khi đây là con sông lớn thứ ba, trải dài 11 tỉnh chứ không phải sở hữu riêng của Đồng Nai.

Tháng 3/2015, chủ đầu tư xin tạm dừng thi công dự án, UBND tỉnh Đồng Nai đồng ý.

Tháng 7/2017, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai được Chính phủ giao quyết định và chịu trách nhiệm xử lý các vấn đề liên quan đến dự án lấn sông Đồng Nai; các Bộ hướng dẫn, giám sát UBND tỉnh Đồng Nai triển khai thực hiện dự án…

Vĩnh Long

Xem thêm: