Cựu Phó giám đốc Sở Giáo dục Hà Giang Triệu Thị Chính khóc tại phiên tòa và khẳng định bản thân không làm điều khuất tất, không phạm tội.

gian lận thi Hà Giang
Bị cáo Triệu Thị Chính. (Ảnh chụp màn hình)

Sáng ngày 18/10, phiên sơ thẩm xét xử vụ án gian lận điểm thi THPT 2018 bước vào ngày làm việc thứ năm với phần tranh luận.

Được yêu cầu tự bào chữa, bị cáo Triệu Thị Chính – cựu Phó giám đốc Sở GD&ĐT Hà Giang bật khóc khi khẳng định bản thân không có tội.

Hôm nay tôi đứng đây, dù toà tuyên tội tôi như thế nào, tôi cũng ngẩng cao đầu. Tôi không phạm tội. Những người muốn tôi vào tù tội, trong sâu thẳm thâm tâm họ chắc chắn sẽ có lúc họ ăn năn hối lỗi.

Tôi sai, tội chịu. Tôi tin tưởng vào sự phán quyết của toà, ở các cơ quan pháp luật của tỉnh. Tôi là người sống và làm việc thế nào? Chưa một lần nào cơ quan điều tra, lãnh đạo Sở GD&ĐT, từ khi tôi dính vào vụ việc này, nghe xem tôi làm làm như thế nào? Tôi đã làm gì? Hôm nay đồng nghiệp của tôi ở đây, có người không thân thiết, có người mong muốn tôi có thể bị nặng, tôi vẫn ngẩng cao đầu nói như vậy” – bị cáo Chính nói.

Nói về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi, theo Điều 358 Bộ luật Hình sự, bị cáo đề nghị đại diện VKS chỉ rõ trong các tin nhắn mà bà nhận được hoặc tin nhắn bà gửi đi, nội dung nào thể hiện bà nhận hay đòi lợi ích phi vật chất từ người nhờ xem điểm thi?

Tôi đã hết tuổi bổ nhiệm” – bà Chính viện dẫn lý do để khẳng định việc bản thân không nhận hứa hẹn tư lợi trong vụ án và cho rằng bà không làm gì khuất tất.

Lập luận lại, đại diện VKSND tỉnh Hà Giang đã đưa ra nhiều căn cứ để chứng minh bà Chính phạm tội.

Cụ thể, VKS căn cứ công văn do Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam cung cấp cùng kết luận giám định của Viện Khoa học hình sự, tin nhắn đi đến giữa bà Chính và một số phụ huynh có con nằm trong danh sách 13 thí sinh đều diễn ra trước kỳ thi, hoặc trong thời gian chấm thi.

Ngày 29/6/2018, một người tên Nga (vợ của một lãnh đạo cấp cao tại tỉnh Hà Giang) làm ở Sở Tài chính nhắn cho bị cáo Chính nhờ giúp thí sinh Nguyễn Bằng Nguyên tại 3 môn thi Toán, Văn, Ngoại Ngữ: “Bạn à, mình là Nga Sở Tài chính, mình có đứa cháu thi lớp 12 vừa rồi, bạn giúp mình nhé”.

Chiều cùng ngày, bà Nga lại nhắn: “Bạn thông cảm nhé, mình biết bạn đang chấm thi căng thẳng nên không dám gọi điện, chỉ dám nhắn tin. Cảm ơn bạn nhiều“.

Lúc 8h30 ngày 1/7/2018, bà Chính trả lời tin bà Nga: “Hôm nay em mới đọc tin nhắn. Vâng chị ơi em đang làm thi, tối cũng phải ăn cơm cùng đoàn thanh tra bộ… Em sẽ cố gắng xem xét môn thi tự luận. Khó khăn lắm chị ạ. Nhưng quy chế chặt chẽ, thanh tra giám sát liên tục, lại chấm bằng máy nữa… có gì chị thông cảm cho em nhé“.

15 phút sau, bà Nga tiếp tục gửi tin: “Chị cám ơn nhé. Em cứ xem xét, giúp được đến đâu hay đến đó. Chị biết mà“. 8h57 bị cáo Chính trả lời: “Dạ em cảm ơn chị. Em sẽ cố gắng trong khả năng“.

VKS tiếp tục đưa ra bằng chứng là tin nhắn của ông Lương Tiến Dũng.

Cụ thể, 7h22 ngày 24/6/2018, ông Dũng gửi tin: “Chị ơi, con gái em thi Học viện Tư pháp, em nhờ chị giúp cháu nó với nhé. Cả năm lớp 12, cháu đều đạt học sinh giỏi, vừa rồi thi học sinh giỏi văn cấp tỉnh cháu đạt giả ba. Nhưng em vẫn chưa an tâm lắm nên em nhờ chị giúp được không chị?“.

14h19 ngày 26/6/2018, ông Dũng nhắn thông tin về tên, số báo danh, phòng thi… cho bà Chính với nội dung: “Nếu có thể chị giúp em với nhé“.

Hơn 15h ngày 26/6/2018, bị cáo Chính trả lời: “Chị nhận được thông tin rồi. Chị sẽ cố gắng trong khả năng“.

15h59 ông Dũng nhắn lại: “Vâng ạ. Đề thi năm nay oái oăm quá. Chị giúp con gái em với nhé“.

Tương tự, bà Chúng Thị Chiên – Phó chủ tịch HĐND tỉnh Hà Giang cũng nhắn tin cho bà Chính nhờ giúp đỡ.

Từ những chứng cứ trên, VKS hỏi: “Những nội dung tin nhắn đọc thế này, tất cả các luật sư hiểu là chỉ nhờ xem điểm hay thế nào? Còn chúng tôi khẳng định đây không phải nhờ xem điểm đâu mà là nhờ nâng điểm”.

Bào chữa cho bị cáo Chính, luật sư cho rằng lời nhắn của bà Chính chỉ là giúp đỡ, không khẳng định việc nhờ nâng điểm. Quan điểm của cơ quan công tố là suy diễn quá nhiều. Phải áp dụng nguyên tắc suy đoán vô tội, chứ không thể áp dụng nguyên tắc suy đoán có tội.

Trước đó, theo cáo buộc, bà Triệu Thị Chính là Trưởng ban chấm thi nhưng đã đưa danh sách 13 thí sinh cho bị cáo Nguyễn Thanh Hoài – cựu trưởng Phòng khảo thí và quản lý chất lượng giáo dục (Sở GD&ĐT tỉnh Hà Giang) để nhờ nâng điểm.

Bị cáo Triệu Thị Chính bị VKS đề nghị phạt từ 2 đến 2 năm 6 tháng tù về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi, theo điều 358 Bộ luật Hình sự 2015.

Phạm Toàn

Xem thêm: