Sáng 23/5, cơ quan công tố đã đọc bản luận tội với ba bị cáo liên quan sự cố y khoa khiến 9 bệnh nhân tử vong.

8 bệnh nhân chạy thận tử vong
Ba bị cáo tại phiên tòa lần lượt từ trái qua: Bị cáo Lương, Sơn, Quốc. (Ảnh: soha.vn)

Theo đó, VKS thành phố Hoà Bình đã đề nghị toà tuyên phạt bị cáo Bùi Mạnh Quốc mức án 5 -6 năm tù về tội Vô ý làm chết người; Trần Văn Sơn (cán bộ vật tư tại Bệnh viện Đa khoa Hoà Bình) án 4-5 năm tù về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng; Hoàng Công Lương (bác sĩ tại Bệnh viện Đa khoa Hoà Bình) 30-36 tháng tù nhưng cho hưởng án treo về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, thời gian thử thách là 5 năm.

Về dân sự, hành vi của 3 bị cáo là nguyên nhân gây ra sự cố khiến 9 người tử vong nên các đơn vị có liên quan đến họ phải liên đới bồi thường trách nhiệm dân sự cho gia đình các nạn nhân theo quy định.

Bị cáo Hoàng Công Lương: “Tôi không chấp nhận mức án đề nghị của VKS”

Theo cáo trạng, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình điều trị chạy lọc máu thận nhân tạo từ năm 2009. Sáng 29/5/2017, khi 18 bệnh nhân đang chạy thận nhân tạo tại đây thì đột ngột có dấu hiệu bất thường. 8 người tử vong thời điểm đó và 1 người chết sau nhiều tháng điều trị.

Kết luận của cơ quan giám định Bộ Công an thể hiện, các nạn nhân tử vong trong sự cố chạy thận, là do tồn dư lượng axit trong hệ thống máy lọc thận.

Nhà chức trách cáo buộc, với trình độ, trách nhiệm được giao, bác sĩ Lương buộc phải biết rõ nước sử dụng trong lọc máu phải đảm bảo chất lượng theo quy định, song sáng 29/5/2017 không kiểm tra lại hệ thống nước RO mà đã ra lệnh điều trị cho các bệnh nhân và để cho hoạt động lọc máu diễn ra bình thường.

Do đó, bác sĩ Hoàng Công Lương đã bị truy tố về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Trong sáu ngày xét hỏi, bị cáo Hoàng Công Lương đã luôn bác lại nội dung truy tố của viện kiểm sát. Bác sĩ Lương cho biết, anh chỉ làm công việc khám chữa cho bệnh nhân và “chưa từng nhận lương hay phụ cấp trách nhiệm về việc quản lý đơn vị”.

Anh khẳng định sự cố xảy ra do tồn dư hóa chất trong hệ thống lọc nước RO và việc này không thuộc trách nhiệm của y bác sĩ đơn nguyên thận nhân tạo. Sáng 29/5/2017, tại bệnh viện, Lương không nhận được bất kỳ cảnh báo nào của bên sửa chữa hệ thống lọc nước nên mới cho tiến hành chạy thận.

Bác sĩ Lương cũng phản bác quy kết anh phải báo cáo lãnh đạo và nhận bàn giao thiết bị trước khi đưa vào sử dụng. Trong 8 năm công tác tại đơn nguyên thận nhân tạo, anh chưa nhận được phân công nào của lãnh đạo khoa về việc quản lý đơn nguyên thận nhân tạo “bằng văn bản”. Lương cho biết, đầu tiên biết mình được “giao nhiệm vụ quản lý” là tại cơ quan điều tra khi khai theo tờ khai được điều tra viên đưa ra.

Bác sĩ Lương còn cho biết, bản thân anh đã bị mớm cung, dụ cung tại cơ quan điều tra. Anh khẳng định, chỉ chịu trách nhiệm những vấn đề chuyên môn khám chữa bệnh và ra y lệnh cho bệnh nhân, nếu sai thì chịu trách nhiệm.

Luật sư Lê Văn Thiệp: ‘Họ đã dùng bác sĩ Lương để thế mạng’

xet xu bs hoang cong luong lap bien ban khong sau khi benh nhan chet
Bác sĩ Hoàng Công Lương (trái) và nguyên GĐ BVĐK tỉnh Hoà Bình Trương Quý Dương

Trước đó, vào chiều ngày 21/5, Phiên tòa xét xử bác sĩ Hoàng Công Lương xuất hiện tình tiết bất ngờ khi ông Đinh Tiến Công – điều dưỡng trưởng khoa Hồi sức tích cực (Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình) thay đổi lời khai trước tòa.

Theo đó, ông Công xác nhận có việc ghi thêm vào sổ giao ban nội dung phân công bác sĩ Hoàng Công Lương phụ trách đơn nguyên thận nhân tạo. Việc ghi bổ sung này chỉ được thực hiện sau ngày 29/5/2017, ngày xảy ra sự cố y khoa. Mục đích của việc bổ sung, theo lời ông Đinh Tiến Công, là để hoàn thiện các thủ tục hành chính, quy trình chuyên môn. 

Sau khi ông Đinh Tiến Công thừa nhận trước tòa việc thay đổi nội dung trong sổ giao ban về việc phân công Hoàng Công Lương phụ trách đơn nguyên Thận nhân tạo, luật sư Lê Văn Thiệp (bào chữa cho bị cáo Hoàng Công Lương) đã cho rằng việc chỉ đạo bổ sung thông tin vào biên bản cuộc họp làm sai lệch sự thật, chứng tỏ những người có liên quan đã tìm cách dùng bác sĩ Lương để thế mạng, nhằm chối tội cho ông Trương Quý Dương – nguyên Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình và ông Đỗ Anh Tuấn – Giám đốc Công ty Thiên Sơn.

“Việc phân công, bổ sung vào biên bản cuộc họp và sổ giao ban là hành vi làm giả giấy tờ, tài liệu của cơ quan tổ chức theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 1999, sửa đổi năm 2009”, luật sư Thiệp nói.

Theo ông, bác sĩ Hoàng Công Lương không có trách nhiệm trong việc giám sát sửa chữa thiết bị. Trách nhiệm của bác sĩ là đề xuất sửa chữa, còn sửa chữa như thế nào là trách nhiệm của Phòng Vật tư – Thiết bị. Đơn vị này phải sửa chữa để đảm bảo các trang thiết bị cũng như thuốc chữa bệnh đảm bảo chất lượng để thực hiện việc khám chữa bệnh.

Bảo Minh

Xem thêm: