Cục Hàng không cho biết việc thực hiện dừng bay đối với tất cả các trường hợp phi công đã thực hiện bay đủ giờ hoặc quá giờ quy định dẫn đến tình trạng thiếu phi công theo lịch khai thác gây ra tình trạng chậm, hủy chuyến của Vietjet vừa qua.

U23, Vietjet
Vietjet Air (Ảnh minh họa: shutterstock)

Ngày 14-15/6 vừa qua, hàng loạt chuyến bay của Vietjet trên cả nước bị chậm, huỷ, gây ảnh hưởng lớn đến lịch công tác, sinh hoạt của hàng nghìn hành khách.

Một số đại lý vé đã phát đi thông tin cảnh báo khách hàng về việc các chuyến bay của Vietjet bị hoãn và hủy chuyến dây chuyền và cho rằng nguyên nhân là do phi công của hãng này đình công.

Nhà chức trách hàng không tại Nội Bài cũng thông tin nhiều chuyến bay của Vietjet xuất phát từ Hà Nội bị hoãn, huỷ, lý do là thiếu tổ bay.

Sau đó, Vietjet khẳng định sự chậm, huỷ chuyến là do ảnh hưởng của việc trễ kế hoạch nhận máy bay mới và nguyên nhân khai thác, đồng thời phủ nhận nguyên nhân liên quan đến phi công.

>> Vietjet dẫn đầu về chậm chuyến trong tháng 5

Tuy nhiên, mới đây Cục Hàng không Việt Nam đã kiểm tra thời gian làm nhiệm vụ, thời gian nghỉ ngơi đối với thành viên tổ bay của Vietjet trong Chương trình đánh giá tối thiểu an toàn hàng năm về việc giám sát giấy chứng nhận người khai thác tàu bay (AOC).

Kết luận của Cục Hàng không cho biết việc thực hiện dừng bay đối với tất cả các trường hợp phi công đã thực hiện bay đủ giờ hoặc quá giờ quy định dẫn đến tình trạng thiếu phi công theo lịch khai thác gây ra tình trạng chậm, hủy chuyến của Vietjet vừa qua.

Cụ thể, nhiều trường hợp phi công của Vietjet không tuân thủ đúng chế độ làm việc, nghỉ ngơi theo quy định, vượt quá quy định về thời gian tối đa phi công được phép làm nhiệm vụ bay trong 28 ngày là 100 giờ bay.

Vietjet lại giải thích do trong quá trình chuyển đổi và sử dụng hệ thống phần mềm phân lịch bay mới, hãng đã gặp một số khó khăn trong công tác theo dõi dữ liệu dẫn đến không kiểm soát tốt giới hạn thời gian làm nhiệm vụ bay của phi công.

Tuy nhiên, trong một chia sẻ trên Cafebiz của một phi công giấu tên của hãng, để tiết kiệm chi phí thuê phi công ngoài, Vietjet đã thường xuyên mua lại thời gian nghỉ phép của phi công để thực hiện các chuyến bay.

“Lý giải việc delay và hủy chuyến hàng loạt vừa diễn ra, phi công này cho biết, nguyên nhân là do thiếu phi công. Thực tế, phi công của Vietjet Air lâu nay vẫn không hoàn toàn đủ 100% để đáp ứng tất cả các chuyến bay của hãng và Vietjet Air bù đắp việc thiếu hụt này bằng 2 cách, một là “mua vacation của phi công”, một hình thức thuê phi công làm thêm giờ trong những ngày được nghỉ, và hai là thuê phi công bên ngoài.

Trong đó, việc thuê phi công bên ngoài tốn nhiều tiền hơn so với “mua vacation” của phi công sẵn có. Vì vậy, Vietjet Air ưu tiên chọn phương án thuê nội bộ hơn,” bài báo cho biết.

Vấn đề thời gian nghỉ ngơi giữa các chuyến của phi công là một trong những ưu tiên hàng đầu trong an toàn bay của Bộ Giao thông Mỹ sau vụ tai nạn máy bay xảy ra năm 2009 ở gần Bufalo, New York đối với chuyến bay Colgan Air số hiệu 3407 khiến 50 người thiệt mạng, mà nguyên nhân chính được xác định là do phi công mệt mỏi và không đủ kỹ năng phản ứng kịp thời trước tín hiệu cảnh báo thất tốc.

Các nhà nghiên cứu đã chỉ ra mối liên hệ giữa thời gian làm việc dài và sự ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ tâm thần trong nhiều lĩnh vực khác nhau, trong đó có ngành hàng không. Theo đó, những phi công có thời gian làm việc dài mỗi tuần thường cho thấy sự chán nản và lo lắng gấp đôi.

Sức khỏe tinh thần của các phi công thương mại được cho rằng có ảnh hưởng đến hiệu suất bay (theo báo cáo của Butcher, 2002). Trong ngành hàng không, tỷ lệ tiềm ẩn các vấn đề về sức khỏe tâm thần của các phi công là mối lo ngại nghiêm trọng khi họ chịu trách nhiệm điều khiển những cỗ máy trị giá hàng trăm triệu đô la và hàng trăm sinh mạng hành khách.

Mối liên quan này được Butcher nhấn mạnh trong ví dụ về thảm kịch máy bay của Germanwings ngày 24/3/2015 trên chuyến bay 4U9525 từ Barcelona tới Dusseldorf. Theo đó, cơ phó Andreas Lubitz đã khoá cơ trưởng ở ngoài buồng lái, rồi đâm chiếc máy bay xuống dãy núi Alps, giết chết 150 người trên khoang. Kết luận điều tra cho biết Lubitz có tiền sử trầm cảm nặng và mắc chứng rối loạn lo âu lan toả.

Mặc dù nguyên nhân gây ra trầm cảm đến từ nhiều nguồn khác nhau, nhưng một trong những yếu tố được đưa ra có tác động mạnh đến sức khỏe tâm thần, đặc biệt là trầm cảm, là thời gian làm việc dài (tức hơn 8 tiếng, theo Proctor et al., 1996).

>> Vietjet Air báo cáo Bộ GTVT về các sự cố máy bay

Đáng lưu ý, hai sự cố hàng không nghiêm trọng mới đây của Vietjet Air liên quan đến việc rơi 2 bánh trước (chuyến bay VJ356 từ TP HCM đến Buôn Ma Thuột ngày 29/11/2018) và hạ cánh nhầm đường băng chưa khai thác (chuyến bay VJ689 từ Cam Ranh đi TP HCM ngày 25/12/2018) đều có nguyên nhân đến từ phi công.

Những thông tin trên đáng để đặt câu hỏi, liệu Vietjet Air có quá chủ quan và đủ coi trọng an toàn bay khi để nhiều phi công thường xuyên bay quá giờ như vậy.

Lê Xuân

Xem thêm: