Người phát ngôn Bộ Ngoại giao cho biết “Việt Nam đề nghị các bên liên quan tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam”.

khinh khí cầu biển đông
Tấm ảnh vệ tinh do ISI đăng ngày 24/11. Công ty này xem đây là bằng chứng về hoạt động của khinh khí cầu của Trung Quốc ở Đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa, Việt Nam vào ngày 18/11. (Ảnh: ISI)

Tại họp báo thường kỳ ngày 5/12, báo giới đặt trả lời câu hỏi về phản ứng của Việt Nam trước thông tin Trung Quốc triển khai khinh khí cầu do thám ở bãi Đá Vành Khăn (quần đảo Trường Sa, Biển Đông), người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam – bà Lê Thị Thu Hằng không trực tiếp xác nhận thông tin có hay không việc Trung Quốc sử dụng khinh khí cầu trên vùng biển thuộc khu vực quần đảo Trường Sa. Thay vào đó, bà Hằng tái khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với khu vực này.

Bà Hằng nói: “Một lần nữa, xin khẳng định: Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử Việt Nam khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, phù hợp với luật pháp quốc tế.”

Song song với việc tái khẳng định chủ quyền, đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam “đề nghị các bên liên quan tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam, tuân thủ nghiêm túc luật pháp quốc tế “, đồng thời kiến nghị các bên liên quan “có những đóng góp trách nhiệm, xây dựng, duy trì an ninh, an toàn, hòa bình, ổn định ở khu vực biển Đông”.

Danh tính của các bên liên quan không được Bộ Ngoại giao nêu rõ.

Trước đó, tờ Hoa Nam Tảo báo (South China Morning Post) tại Hồng Kông ngày 29/11 đã dẫn hình ảnh vệ tinh do công ty ImageSat International (ISI) của Israel chụp ngày 18/11, cho thấy vật thể giống khinh khí cầu trên khu vực đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

“Việc sử dụng khinh khí cầu cho phép Trung Quốc nhận diện tình huống liên tục trong khu vực giàu tài nguyên này” – ISI đăng tải bình luận trên Twitter kèm theo bức ảnh có hình khinh khí cầu.

Cũng trong buổi họp báo, báo giới yêu cầu Bộ Ngoại giao xác nhận thông tin một số tàu Hải cảnh của Trung Quốc hiện diện ở vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam ở biển Đông hôm 29/11.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao đưa ra câu trả lời trung lập, cho biết cơ quan ngoại giao của Việt Nam đang xác minh thông tin, song khẳng định các lực lượng chức năng Việt Nam luôn giám sát chặt chẽ mọi hoạt động trên vùng biển Việt Nam, “vùng biển được xác lập phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982”.

“Mọi hoạt động trên vùng biển của Việt Nam cần tuân thủ các quy định của UNCLOS 1982 và các quy định liên quan của Việt Nam”, Bộ Ngoại giao Việt Nam khẳng định.

Đây là lần phát ngôn chính thức đầu tiên của Bộ Ngoại giao Việt Nam sau vài tuần khi có tin trên các trang mạng xã hội về việc tàu hải cảnh 35111 (Trung Quốc) rời cảng Tam Á, quay lại vùng biển Việt Nam. Tàu hải cảnh 35111 là tàu đã vào vùng biển gần Bãi Tư Chính của Việt Nam từ hồi giữa tháng 5 đến tháng 10/2019 để quấy nhiễu các hoạt động thăm dò dầu khí của Việt Nam tại đây.

Nguyễn Quân

Xem thêm: