Những sự kiện, những vấn đề chính trị – xã hội nổi bật năm 2019 trong Phần 1: Ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng; Sức ảnh hưởng ngày càng rõ nét của mạng xã hội; Các dịch vụ gắn liền với tâm linh nở rộ; Thực trạng báo động của tình trạng bỏ trốn lao động bất hợp pháp ở nước ngoài; và Sự chờ đợi chưa có hồi kết của đường sắt đô thị.

Cùng tiếp tục điểm lại những vấn đề đáng chú ý trong Phần 2 dưới đây:

> Việt Nam: Những vấn đề chính trị – xã hội nổi bật năm 2019 (Phần 1)

Picture1

  1. Xúc tiến chính sách cho các “khu kinh tế ven biển”

Dự luật đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt, còn gọi là Luật đặc khu, cho Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của người dân vào tháng 6 năm ngoái. Trong đó, hai quy định bị dư luận phản ứng nhất là thay đổi thời hạn cho thuê đất tối đa lên đến 99 năm và miễn thị thực cho công dân nước láng giềng giáp ranh với Quảng Ninh và Kiên Giang. Sau đó, Quốc hội đã phải lùi thời gian xem xét dự luật này.

Trong năm 2019, mặc dù Luật đặc khu chưa khởi động lại, nhưng một số chính sách xung quanh “khu kinh tế đặc biệt ven biển” dường như cho thấy những động thái “nhẹ nhàng” xúc tiến dự luật.

Tháng 4/2019, Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với UB Pháp luật và UB Kinh tế của Quốc hội xây dựng phương án chỉnh lý, hoàn thiện dự án luật này theo hướng xây dựng một luật chung thay vì dành riêng cho 3 đặc khu.

Tháng 8/2019, UBND tỉnh Kiên Giang có văn bản đề nghị Thủ tướng cho dừng việc lập quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội đảo Phú Quốc thành “đặc khu kinh tế” cho tới khi Luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt được Quốc hội thông qua. Đề xuất này đã được Bộ Xây dựng đồng ý. Tuy nhiên, đến cuối tháng 9/2019, Thủ tướng vẫn yêu cầu UBND tỉnh Kiên Giang lập mới quy hoạch chung xây dựng đảo Phú Quốc thành đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt (đặc khu kinh tế).

Ngày 14/11, Chính phủ ban hành Nghị quyết về việc thí điểm thành lập Ban Quản lý Khu kinh tế Vân Đồn. Trước đó, UBND tỉnh Quảng Ninh đã ban hành kế hoạch đầu tư phát triển khu kinh tế Vân Đồn với tổng vốn đầu tư đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là 8.350 tỷ đồng, trong đó chú trọng đến việc phát triển cơ sở hạ tầng giao thông.

Đặc biệt, ngày 25/11, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, trong đó có quy định miễn thị thực với thời hạn tạm trú 30 ngày cho người nước ngoài vào khu kinh tế ven biển đáp ứng các điều kiện nhất định (gồm (1) có sân bay quốc tế, không gian riêng biệt; (2) có ranh giới địa lý xác định, cách biệt với đất liền; (3) phù hợp với chính sách phát triển kinh tế – xã hội của địa phương; và (4) không phương hại đến quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội).

Chiểu theo quy định mới, Việt Nam có 2 trong số 18 khu kinh tế ven biển thoả mãn các điều kiện nói trên là Vân Đồn và Phú Quốc. Quy định mới này được cho là không khác biệt nhiều với quy định miễn thị thực cho công dân nước láng giềng giáp ranh với Quảng Ninh Và Kiên Giang trong dự luật đặc khu.

  1. Tàu Trung Quốc liên tiếp vào bãi Tư Chính

Bãi Tư Chính là một cụm rạn san hô ở phía nam biển Đông. Việt Nam tuyên bố bãi Tư Chính nằm trên thềm lục địa phía nam, thuộc tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu và nằm trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của mình. Trên hòn đảo này, Việt Nam đã lắp đặt nhà giàn DK1 và giao cho Tiểu đoàn DK1 trực thuộc Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân kiểm soát.

tàu TQ 3
Bản đồ cho thấy tàu Trung Quốc liên tục hoạt động trong vùng biển Việt Nam từ ngày 3/7

Từ 3/7 tàu thăm dò địa chất Hải Dương 8 thuộc quyền quản lý và sử dụng của chính phủ Trung Quốc đã đi vào vùng biển gần với khu vực Bãi Tư Chính. Đi theo bảo vệ tàu này còn có ba tàu hải giám của Trung Quốc được vệ tinh phát hiện, đặc biệt là tàu hải giám trên 10.000 tấn ký hiệu 3901 và tàu dân quân biển. Trong lúc đó, cũng có sự xuất hiện của các tàu cảnh sát biển mang cờ Việt Nam ở khu vực này, nhưng không có xung đột nghiêm trọng xảy ra.

Hôm 19/7, Hà Nội chính thức có phản ứng bằng một tuyên bố nghiêm khắc tố cáo Trung Quốc vi phạm chủ quyền và yêu cầu Bắc Kinh rút toàn bộ các tàu ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Ngay sau đó, Mỹ có động thái dường như cho thấy rõ sự ủng hộ Việt Nam, mạnh mẽ lên án hành vi “bắt nạt” của Trung Quốc đối với các nước láng giềng khu vực.

Hôm 22/7, người phát ngôn bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng tố cáo Mỹ “vu khống”. Ông Cảnh nói các bình luận của giới chức Mỹ là vô căn cứ và Mỹ đang tham gia cùng “các thế lực nước ngoài” âm mưu khuấy động sự yên bình của biển Đông.

Đến ngày 7/8, nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 đã dừng hoạt động khảo sát và rút khỏi vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam. Tuy nhiên, ngay sau đó chưa đầy một tuần, ngày 13/8, tàu khảo sát Hải Dương 8 và một số tàu hộ tống của Trung Quốc lại trở lại hoạt động. Thậm chí có thời điểm, các tàu của Trung Quốc ở vị trí cách đảo Phú Quý chỉ khoảng 102km và cách bờ biển Phan Thiết khoảng 185km.

Sau khi Việt Nam lên tiếng phản đối, ngày 18/9, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc tố cáo Việt Nam vi phạm nghiêm trọng quyền và lợi ích hợp pháp của Trung Quốc bằng hành động đơn phương khai thác dầu khí trong khu vực Bãi Tư Chính. 

Đầu tháng 9, Trung Quốc tiếp tục đưa tàu cẩu lớn nhất thế giới (tàu Lam Kình) tiến sát vào trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam và chỉ cách bờ biển Việt Nam khoảng 90km với mục đích lắp đặt thêm một giàn khoan tới hoạt động trong vùng biển của Việt Nam.

Đến tận 24/10, Hải Dương 8 của Trung Quốc mới rời khỏi vùng biển của Việt Nam sau 3 tháng đối đầu căng thẳng.

  1. Hàng loạt quan chức cấp cao bị kỷ luật

Trong năm 2019, nhiều quan chức cấp cao đã phải chịu hình thức kỷ luật, bao gồm khiển trách, cảnh cáo, cách chức, khai trừ Đảng, xử lý hình sự, thậm chí có cả án chung thân.

Tháng 7/2019, Bộ Chính trị kỷ luật ông Vũ Văn Ninh – nguyên Phó Thủ tướng nhiệm kỳ 2011-2016. Ông Ninh bị cảnh cáo vì những vi phạm, khuyết điểm nghiêm trọng trong công tác, làm thiệt hại tiền của Nhà nước, gây dư luận xấu.

bộ trưởng
Ông Nguyễn Bắc Son (trái) và ông Trương Minh Tuấn. (Ảnh:bocongan)

Gần đây nhất là vụ xét xử sai phạm trong thương vụ MobiFone mua AVG rất được dư luận chú ý. Trong đó, cựu Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Bắc Son bị tổng hình phạt tù chung thân, cựu Bộ trưởng TT&TT Trương Minh Tuấn bị tổng hình phạt 14 năm tù về tội Nhận hối lộ và Vi phạm các quy định về quản lý đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng. Trước đó, 2 ông Son và Tuấn đã bị xóa tư cách nguyên Bộ trưởng Bộ TT&TT, đồng thời khai trừ khỏi đảng.

Đô đốc Nguyễn Văn Hiến – nguyên ủy viên TƯ Đảng, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, nguyên Tư lệnh Quân chủng Hải quân được xác định mắc vi phạm trong quản lý và sử dụng đất quốc phòng. Ông Hiến bị cách các chức vụ, và đến ngày 22/10 bị khởi tố, cấm đi khỏi nơi cư trú về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

Ba Thứ trưởng Bộ GTVT bị kỷ luật gồm ông Nguyễn Văn Công – bị cảnh cáo, ông Nguyễn Ngọc Đông và ông Nguyễn Nhật – cùng bị khiển trách vì những vi phạm, khuyết điểm của Ban Cán sự Đảng bộ GTVT trong thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại một số doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Hồng Trường, nguyên Thứ trưởng Bộ GTVT bị cách chức vì liên quan đến việc  ký các quyết định phê duyệt giá trị doanh nghiệp, phương án cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại nhiều doanh nghiệp.

Ông Huỳnh Quang Hải, Thứ trưởng Bộ Tài chính bị cảnh cáo vì vi phạm phẩm chất đạo đức, lối sống, về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt, ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng và Bộ Tài chính.

Ngoài ra, còn có các ông Hoàng Trung Hải – Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư thành uỷ Hà Nội, nguyên Phó Thủ tướng, nguyên Bộ trưởng Bộ Công nghiệp và ông Triệu Tài Vinh – Uỷ viên TƯ Đảng, Phó trưởng ban kinh tế TƯ đang bị xem xét kỷ luật.

Tuy nhiều quan chức ‘ngã ngựa’, nhưng công cuộc chống tham nhũng tại Việt Nam vẫn nhận được ít sự lạc quan từ người dân bởi không thể chấm dứt tham nhũng với thể chế hiện tại, trong khi nhiều ý kiến còn cho rằng đây chỉ là ‘thanh trừng phe phái’ trong nội bộ.

  1. Hạn hán, xâm nhập mặn, sụt lún tại ĐBSCL gia tăng

Tháng 7/2019, Ủy hội sông Mekong thông cáo mặc dù đang mùa lũ nhưng mực nước sông Mekong lại vô cùng thấp, xuống dưới cả mức tối thiểu trong lịch sử. Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) của Việt Nam ở cuối nguồn con sông lớn này và phải chịu những tác động rõ rệt như mực nước ở mức thấp nhất trong 10 năm qua, hạn hán kỷ lục, xâm nhập mặn, tổng lượng phù sa bị suy giảm tới 90%, khiến sạt lở diễn ra nhanh và khốc liệt hơn.

Nguyên nhân mực nước sông Mekong xuống thấp kỷ lục là do lượng mưa ít từ đầu năm đến nay, tình trạng El Nino, và việc các đập thủy điện đang trữ nước từ đầu nguồn. Theo nhóm nghiên cứu Mekong Butterfly, 8 đập thủy điện chắn ngang sông Mekong trên đất Trung Quốc đã giữ lại tổng cộng hơn 40 tỉ m3 nước nước cho các mục đích phát điện, tưới tiêu, khiến hạ nguồn thiếu nước nghiêm trọng.

song mekong can 0 1
Sông Mekong cạn nước

Tình trạng khô hạn khiến cho sản xuất nông nghiệp, thả nuôi thủy sản (như nuôi tôm càng xanh mùa lũ ở vùng An Giang, Đồng Tháp) gặp nhiều khó khăn.

Ngoài thiếu nước, ĐBSCL còn diễn ra tình trạng chìm từ 11-50mm/năm, tốc độ chìm cao hơn nhiều so với dự báo. Tháng 9/2019, nhóm chuyên gia từ Đại học Utrecht, Hà Lan cảnh báo Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) hiện chỉ cao hơn mực nước biển khoảng 0,8m và với tốc độ lún hiện nay, khoảng cách này sẽ bị xóa chỉ trong vòng hơn 50 năm nữa, ảnh hưởng tới cuộc sống của khoảng 12 triệu dân.

Qua nghiên cứu, các nhà khoa học nhận thấy, việc khai thác nước ngầm quá mức kết hợp với tốc độ gia tăng mực nước biển do biến đổi khí hậu diễn ra nhanh hơn dự báo đã kéo theo tình trạng sụt lún đất. Ngoài ra, việc khai thác bùn cát quá mức, gia tăng tải trọng (do đô thị hóa, xây dựng hạ tầng)… cũng tác động khiến vùng ĐBSCL bị sụt lún.

Để giảm tốc độ chìm của ĐBSCL, nhiều chuyên gia trong nước đã khuyến cáo hạn chế tối đa việc khai thác nước ngầm, chú trọng đầu tư phát triển công trình thủy lợi cấp nước, chuyển nguồn nước mặt đến các vùng khó khăn, ven biển để thay thế nguồn khai thác nước ngầm. Ngoài ra, cần thực hiện chiến lược gây bồi cho ĐBSCL; giảm trọng lượng cho nền đất ở ĐBSCL bằng cách phát triển các khu đô thị nhưng không xây nhiều nhà cao tầng, không làm nhiều đường bê tông; phân bố mật độ dân cư hợp lý.

Lê Xuân (t/h)