Một kết quả nghiên cứu từ trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho thấy, thiệt hại của ô nhiễm không khí ở Việt Nam năm 2018 ước tính từ 10,82-13,63 tỷ USD (240.000 tỷ đồng), tương đương 4,45%-5,64% GDP.

ô nhiễm không khí, Đại học Kinh tế Quốc dân
Ô nhiễm không khí tại Hà Nội. (Ảnh: Trọng Đạt)

Ngày 14/1, tại Hà Nội diễn ra Hội thảo “Ô nhiễm không khí tại Việt Nam từ góc nhìn kinh tế” do Trường Đại học Kinh tế quốc dân tổ chức.

Theo PGS.TS Đinh Đức Trường, công trình nghiên cứu về tổn thất, thiệt hại kinh tế từ ô nhiễm không khí được trường thực hiện trong gần 10 năm, theo phương pháp mô hình đánh giá ngẫu nhiên nhị phân, phương pháp đang được Mỹ sử dụng để làm căn cứ đền bù thiệt hại môi trường.

Kết quả nghiên cứu này dựa trên cơ sở kết nối giữa mức ô nhiễm với mức độ phơi nhiễm, rủi ro bệnh tật hoặc tử vong. Thiệt hại do ô nhiễm không khí được tính trên cơ sở đo lường tổng thu nhập bị mất do chết trước tuổi kỳ vọng vì ô nhiễm không khí và đo lường mức độ chi trả của xã hội cho giảm rủi ro tử vong từ ô nhiễm không khí.

Nhóm nghiên cứu của Đại học Kinh tế quốc dân tính số tiền một người trong vòng đời dành để chữa bệnh liên quan đến ô nhiễm không khí từ 216.000 đến 272.000 USD. Tỷ lệ tử vong ở Việt Nam năm 2018 do ô nhiễm môi trường là 71.000 người, trong đó 50.000 chết do ô nhiễm không khí, theo một nghiên cứu do quỹ Mirinda and Bill Gate tài trợ.

Từ đó, theo phương pháp tính, các nhà khoa học của Đại học Kinh tế Quốc dân đã ước tính thiệt hại của ô nhiễm không khí ở Việt Nam năm 2018 là từ 10,82-13,63 tỷ USD (240.000 tỷ đồng), tương đương 4,45%-5,64% GDP.

Cũng theo PSG. TS Đinh Đức Trường, Trung tâm Luật và Chính sách môi trường (Đại học Yale, Mỹ) hàng năm đều đưa ra chỉ số tổng hợp để đánh giá về chất lượng môi trường của các nước trên thế giới (EPI).

Theo công bố năm 2018, Việt Nam có chỉ số EPI xếp thứ 132/180. Trước đó năm 2012, chỉ số EPI của VN xếp 79/132; năm 2016 là 131/178 quốc gia.

PGS. TS Trường cho hay trong chỉ số EPI gồm 10 chỉ số thành phần được xếp thành 2 nhóm, nhóm thứ nhất là sức khoẻ môi trường và nhóm thứ hai là chỉ số bền vững của hệ sinh thái.

Đây là những chỉ số liên quan đến ô nhiễm không khí là chất lượng của môi trường không khí và mức độ ô nhiễm không khí. Nếu xếp hạng ở các chỉ số liên quan đến ô nhiễm không khí thuộc hai nhóm chỉ số này thì năm 2018, Việt Nam đang xếp ở 159 – 161 trên thế giới.

Các chỉ số này cho thấy, nếu so sánh với chính chúng ta thì chất lượng môi trường không khí Việt Nam đang tụt hậu và nếu so sánh với thế giới thì Việt Nam nằm trong nhóm các quốc gia có thứ bậc thấp về chất lượng môi trường không khí” – PGS.TS Trường nói.

Thời gian qua, ô nhiễm không khí diễn ra liên tục ở Hà Nội với nhiều đợt ô nhiễm dài ngày, có thời điểm lên ngưỡng nguy hại. Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam dự báo tình trạng ô nhiễm không khí sẽ còn tiếp tục tăng mạnh trong những năm tới khi dân số tăng lên, phương tiện giao thông gia tăng, các hoạt động sản xuất kinh doanh phát triển.

Văn Duy