Theo cuộc Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, mất cân bằng giới tính khi sinh tại Việt Nam đang ở mức báo động với tỷ số 115 bé trai/100 bé gái (mức bình thường là 105 bé trai/100 bé gái). Hơn 4 triệu đàn ông Việt Nam có nguy cơ “ế vợ” trong tương lai.

Trẻ sơ sinh. Ảnh: PHILIPPE HUGUEN/AFP/Getty Images
Trẻ sơ sinh. Ảnh: PHILIPPE HUGUEN/AFP/Getty Images

Theo Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 1999, tỷ số giới tính khi sinh của Việt Nam là 107 bé trai/100 bé gái. Nhưng 20 năm sau, tỷ số này là đã lên mức 115 bé trai/100 bé gái.

Trong 63 tỉnh thành trên cả nước, có tới 55 tỉnh thành có tỷ số giới tính khi sinh cao trên 108 bé trai/100 bé gái. 

Trong đó, một số tỉnh thành tại Việt Nam có sự mất cân bằng giới tính khi sinh rất cao như Sơn La (120 bé trai/100 bé gái), Hưng Yên (118,6 bé trai/100 bé gái), Bắc Ninh (117,6 bé trai/100 bé gái), Thanh Hoá (117,2 bé trai/100 bé gái), Hải Dương (116,3 bé trai/100 bé gái).

Tại Hà Nội, tỷ số giới tính khi sinh hiện ở mức 112,8 bé trai/100 bé gái trong 6 tháng đầu năm 2019, còn tại TP HCM, tỷ số giới tính khi sinh là 108,3 bé trai/100 bé gái.

Với tỷ lệ này, Việt Nam hiện đứng đầu Đông Nam Á, và nằm trong nhóm 15 nước có tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh cao nhất thế giới. 

Dự báo đến năm 2050, Việt Nam sẽ thiếu từ 2,3 – 4,3 triệu phụ nữ, đồng nghĩa từ 2,4 – 4,3 triệu đàn ông Việt có nguy cơ “ế vợ”.

GS TS Nguyễn Đình Cử, nguyên Viện trưởng Viện Dân số và các vấn đề xã hội – ĐH Kinh tế Quốc dân – cho biết tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh đang là một trong những thách thức lớn nhất của công tác dân số ở Việt Nam hiện nay.

Những hệ luỵ của tình trạng này bao gồm hàng triệu nam giới sẽ phải sống độc thân; cấu trúc gia đình vợ – chồng, cha mẹ – con cái bị phá vỡ. Ngoài ra, nạn mại dâm, lừa đảo, bắt cóc, buôn bán phụ nữ sẽ trở nên ngày càng phức tạp và có chiều hướng gia tăng.

Ông Nguyễn Doãn Tú, Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số – Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế), cho rằng trong thời gian ngắn, rất khó để giảm tỷ số giới tính khi sinh do tâm lý ưa thích con trai của người Việt vẫn còn nặng.

Bà Nguyễn Thị Quỳnh Anh, Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc cũng đồng tình với quan điểm trên, cho biết nhiều người Việt Nam còn quan niệm chỉ có con trai mới có thể gánh vác trọng trách thờ cúng tổ tiên, nối dõi tông đường. Đây chính là định kiến giới, nguyên nhân cơ bản dẫn đến mất cân bằng giới tính khi sinh.

Tại Việt Nam, tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh bắt đầu tăng mạnh từ khi phát triển công nghệ siêu âm xác định giới tính trước sinh. Ngoài ra, nhiều cặp vợ chồng cũng chủ động áp dụng những thành tựu của khoa học để lựa chọn giới tính thai nhi. 

Trong khi đó, quy định pháp luật xử lý vi phạm với người cung cấp các dịch vụ liên quan đến giới tính thai nhi chưa đủ sức răn đe.

Thanh Thuỷ (t/h)

Xem thêm: