Việc không xác định được nguồn lây nhiễm có thể mang đến nguy cơ dịch bùng phát trên diện rộng. Một vài ca nhiễm lẻ xuất hiện đột ngột có thể là dấu hiệu của cơn bão lớn đang tới gần.

dai loan virus vu han corona
(Ảnh: Shutterstock)

Bệnh “viêm phổi Vũ Hán” (COVID-19) do virus corona chủng mới gây ra có một đặc điểm rất đáng lo ngại, đó là nó có thể lây cho người khác trong khi người bệnh không biểu hiện triệu chứng, do đó gây khó khăn cho việc truy được nguồn gốc để từ đó khoanh vùng, cách ly, làm giảm thiểu mức độ lây lan của dịch.

Nhiễm bệnh không triệu chứng – quả bom nổ chậm

SCMP dẫn một báo cáo mới đây của Trung Quốc cho thấy số các ca nhiễm viêm phổi Vũ Hán không xuất hiện triệu chứng có thể chiếm tới một phần ba tổng số ca nhiễm. Cụ thể, đến cuối tháng 2, hơn 43.000 người ở Trung Quốc đã xét nghiệm dương tính với virus corona nhưng họ không xuất hiện triệu chứng, do vậy họ không được gộp vào con số chính thức những ca nhiễm được xác nhận mặc dù cũng được đưa đi cách ly và theo dõi. 

Hàn Quốc cũng đã tiến hành xét nghiệm diện rộng và phát hiện ra khoảng 20% số ca nhiễm không xuất hiện triệu chứng, thậm chí cho tới tận lúc ra viện. Hồng Kông cũng áp dụng xét nghiệm cho tất cả các hành khách đi vào thành phố dù họ không có triệu chứng. Trong khi đó, nhiều nước ở châu Âu hay Mỹ chỉ có số người xuất hiện triệu chứng rõ rệt mới xét nghiệm. 

Diễn biến dịch bệnh hiện tại trên thế giới cho thấy tình hình ở Hàn Quốc hay Hồng Kông đang được kiểm soát khá tốt, trong khi tại châu Âu và Mỹ, số ca nhiễm đang ngày càng tăng mạnh. Như vậy, việc xác định ca nhiễm virus (cho dù có triệu chứng hay chưa), khoanh vùng, cách ly có thể giúp giảm thiểu đáng kể sự lây lan của virus.

FDA Mỹ phê duyệt xét nghiệm nhanh phát hiện virus Vũ Hán trong 45 phút

Nhiễm bệnh không triệu chứng khiến sự lây nhiễm lan rộng ra cộng đồng, và với nhiều quốc gia, nó đã trở thành tình trạng không thể kiểm soát.

Lấy ví dụ nước Mỹ. Mỹ phát hiện ca lây nhiễm cộng đồng (nhiễm bệnh nhưng không rõ nguồn lây) đầu tiên ở California vào ngày 27/2. Trung tâm Kiểm soát và Ngăn ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) khi đó không xác định được bệnh nhân khi đó đã nhiễm virus như thế nào vì người này không đi nước ngoài, cũng không tiếp xúc với người nào về từ vùng dịch. Tiếp sau đó, Mỹ phát hiện thêm 3 trường hợp khác cũng nhiễm bệnh không rõ nguồn lây. Điều này có thể có nghĩa là còn nhiều ca nhiễm khác ở bên ngoài và cũng có nghĩa là những người bệnh này có thể đã lây bệnh cho những người khác.

Vào ngày 27/2, Mỹ mới có 60 ca nhiễm, trong đó 42 ca trở về từ du thuyền Diamond Princess (đã được cách ly ngay sau khi hạ cánh) và 16 ca trong nước. 5 ngày sau, ngày 3/3, Mỹ đã có 102 ca nhiễm. 10 ngày sau nữa, ngày 13/3, Mỹ đã có 1.762 ca nhiễm. Đến nay, ngày 23/3, số ca nhiễm của Mỹ là hơn 33.500 ca.

Một ví dụ khác ở Canada. Ngày 5/3, Canada phát hiện ca lây nhiễm cộng đồng đầu tiên ở bang British Columbia. Bệnh nhân không đi tới vùng dịch hay có liên hệ với bất kỳ một bệnh nhân COVID-19 nào trước đó. Khi đó, Canada có 46 ca nhiễm bệnh. Một tuần sau, 13/3, Canada có 158 ca nhiễm. Tới hôm nay, ngày 23/3, số ca nhiễm tại nước này đã lên tới 1.470 trường hợp.

Iran cũng là một ví dụ về lây nhiễm cộng đồng. Quốc gia vùng Trung Đông xác nhận 2 ca nhiễm đầu tiên vào ngày 19/2 ở Qom. Đây cũng là 2 trường hợp tử vong do viêm phổi Vũ Hán đầu tiên của Iran, họ qua đời chỉ vài giờ sau khi được đưa vào viện. Cho đến nay, nguồn lây của 2 ca đầu tiên này vẫn là ẩn số, nhưng nó chứng tỏ một điều rằng, đã có sự lây nhiễm âm thầm trong cộng đồng từ trước đó mà chưa được phát hiện.

Việt Nam có nguy cơ xảy ra lây nhiễm cộng đồng?

Tính đến ngày 23/3, Việt Nam đã có 123 ca nhiễm virus Vũ Hán. Trong số các bệnh nhân (BN) mới được xác nhận, một số trường hợp đang cho thấy nguy cơ lây nhiễm cộng đồng có thể xảy ra, do không xác định được nguồn lây, hay do diện tiếp xúc của bệnh nhân quá rộng.

Một số trường hợp đáng lo ngại như sau:

1) BN86 và 87: 2 nữ điều dưỡng BV Bạch Mai, Hà Nội.

BN86: 

Ngày 6/3 bệnh nhân đi nghỉ cùng gia đình tại Côn Đảo, theo hành trình Hà Nội – TP.HCM (chuyến bay VN 7209) và TP.HCM – Côn Đảo (VN 8059). 

Ngày 8/3 bệnh nhân bay ra Hà Nội (không nhớ rõ chuyến bay). 

Ngày 9/3 bệnh nhân đi làm bình thường, không có biểu hiện lâm sàng. 

Ngày 11/3 bệnh nhân có triệu chứng tức ngực, không ho, không sốt và nhập viện Viện Tim mạch thuộc Bệnh viện Bạch Mai (C4) điều trị theo hướng tăng huyết áp, đau thắt ngực (bệnh nhân có tiền sử tăng huyết áp) trong 4 ngày. 

Ngày 19/3 bệnh nhân được xét nghiệm sàng lọc và cho kết quả dương tính, được đưa đi cách ly tại Bệnh viện Nhiệt đới trung ương cơ sở 2.

BN87, làm cùng BN86:

Ngày 18/3 bệnh nhân có triệu chứng như: mệt, ho, sốt và được làm xét nghiệm, có kết quả dương tính với virus. Qua rà soát cho thấy bệnh nhân có nhiều lần tiếp xúc gần với BN86.

Như vậy, BN86 có triệu chứng trước BN87, nhưng kết quả xét nghiệm dương tính lại có sau BN87. Cho tới hiện tại, chưa xác định được BN86 lây cho BN87 hay ngược lại, và nguồn lây đầu tiên của 1 trong 2 bệnh nhân là từ đâu. Hiện con gái của BN86 cũng đã được xác nhận nhiễm virus, là BN107.

2) Các BN là người nước ngoài, gồm BN91, 97, 98, 119, 120.

BN91, quốc tịch Anh, là phi công hãng Vietnam Airlines. Ngày 8/3, bệnh nhân bay từ London (Anh) về Việt Nam trên chuyến bay của hãng hàng không Vietnam Airlines số hiệu VN10. Tiếp sau đó, bệnh nhân có nhiều lịch bay nhưng chưa nhớ rõ lịch trình các chuyến bay quốc tế, quốc nội. Ngày 16/3, bệnh nhân là phi công trên chuyến bay VN272 từ TP.HCM đi Hà Nội và VN607 chiều từ Hà Nội – TP.HCM trong cùng ngày. 

Từ ngày 13 đến 18/3, BN91 lưu trú tại TP.HCM và tới một số địa điểm ăn uống, giải trí (gồm quán bar Buddha). Ngày 17/3, bệnh nhân khởi phát sốt, ho và đến chiều 18/3 tới Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM khám, xét nghiệm dương tính vào khuya ngày 18/3.

BN97, quốc tịch Anh, trú tại Quận 4, TP. Hồ Chí Minh. Bệnh nhân ở Malaysia trong 2 tuần trước khi về Việt Nam, ngày 14/3/2020 có đến quán Bar Buddha (nơi BN91 cũng tới cùng ngày). BN98 cùng quốc tịch Anh, cùng trú với BN97. Bệnh nhân từ Malaysia về sân bay Tân Sơn Nhất ngày 06/3/2020; cùng BN97 đến quán Bar Buddha ngày 14/3/2020. Hai bệnh nhân đi xét nghiệm vào ngày 20/3 và có kết quả dương tính ngày 21/3.

BN119, quốc tịch Mỹ, trú tại Quận Bình Thạnh, TP. Hồ Chí Minh. Từ ngày 1/3 đến ngày 15/3/2020, bệnh nhân thường xuyên di chuyển giữa Việt Nam, Indonesia, Thái Lan và về lại Việt Nam ngày 15/3/2020.

BN120, quốc tịch Canada, trú tại Quận 2, TP. Hồ Chí Minh. Bệnh nhân từ Canada vào Việt Nam từ ngày 11/2/2020 đến nay, bệnh nhân trực tiếp tiếp xúc với BN91 từ ngày 14/3/2020 tại một số quán ăn, nơi vui chơi, trong đó có quán Bar Buddha. 

Như vậy, các bệnh nhân trên đều có lịch trình phức tạp và dày đặc trước khi được xác nhận nhiễm bệnh, khả năng lây nhiễm ra cộng đồng rất cao.

3) BN100 

BN100 trú Quận 8, TP. Hồ Chí Minh. Ngày 3/3/2020, bệnh nhân từ Kuala Lumpur (Malaysia) về Việt Nam trên chuyến bay của hãng hàng không Air Asia số hiệu AK524.

Từ ngày 4 đến 17/3, bệnh nhân đi lễ 5 lần/ngày tại thánh đường Hồi giáo Jamiul Anwar – số 157B/9 Dương Bá Trạc, phường 1, quận 8, TP.HCM.

Sau khi xuất hiện BN61 (người Ninh Thuận, được xác nhận dương tính sau khi dự lễ hội tôn giáo ở Malaysia), ngày 18/3, Trung tâm Y tế Q.8 lấy mẫu giám sát tất cả các đối tượng dự lễ hội từ Malaysia, kết quả xác nhận người này (BN100) dương tính với virus.

Với lịch trình tiếp xúc nhiều đám đông liên tục, BN100 cũng là trường hợp tiềm ẩn nguy cơ lây virus ra cộng đồng. 

Tuy nhiên, trường hợp BN100 cũng cần nói rõ như sau:

  • BN100 về nước ngày 3/3 từ Malaysia, là thời điểm Việt Nam chưa có quy định về cách ly. Malaysia khi đó chỉ có 29 ca nhiễm và không phải là “vùng dịch”.
  • Ngày 4/3, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã nói “nếu 1 tuần nữa không có ca nhiễm mới, Việt Nam sẽ công bố hết dịch.”
  • Ca nhiễm thứ 17 công bố vào tối 6/3.
  • Ngày 12/3, Bộ Y tế công bố quy định về tự cách ly tại nhà đối với “người tiếp xúc với người tiếp xúc gần với trường hợp bệnh xác định.” Tuy nhiên, BN61 đến ngày 16/3 mới được xác định nhiễm bệnh.
  • Ngày 18/3, Bộ Y tế mới thêm quy định bắt buộc cách ly khách về từ ASEAN.

Như vậy, việc một số nơi đang quy kết BN100 vi phạm quy định cách ly là không chính xác, mặc dù bệnh nhân này cũng nên tự ý thức thời điểm dịch bệnh phức tạp thì dù từ vùng dịch về hay không cũng nên hạn chế đi lại, tiếp xúc.

Đáng lưu ý, từ khi BN100 về nước (ngày 3/3) đến khi lấy mẫu xét nghiệm dương tính (ngày 18/3), là tổng cộng 15 ngày, BN vẫn chưa có triệu chứng, nên cũng chưa thể kết luận BN100 bị nhiễm bệnh ở Malaysia hay do tiếp xúc với trường hợp nhiễm bệnh nào đó chưa được xác định tại Việt Nam.

***

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, để bảo vệ sức khỏe cho bản thân, gia đình và cộng đồng, công dân Việt Nam nên hạn chế ra đường, tụ tập đông người, tuân thủ các hướng dẫn của cơ quan y tế địa phương về phòng, chống dịch.

Lê Xuân

Xem thêm: