Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh bày tỏ quan ngại về những diễn biến phức tạp gần đây ở Biển Đông, bao gồm các vụ việc nghiêm trọng xâm phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam; kêu gọi các quốc gia có liên quan nên thực hiện tự kiềm chế và tránh các hành động đơn phương có thể làm phức tạp hoặc leo thang căng thẳng trên biển và giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình theo luật pháp quốc tế.

giankhoanHD982 2
Hình ảnh về giàn khoan dầu Hải Dương 982 Trung Quốc mới triển khai tại Biển Đông (Ảnh: chinapeace.gov.cn)

Ngày 28/9, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh đã có bài phát biểu tại cuộc tranh luận chung trong Kỳ họp thứ 74 của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc (LHQ) tại New York, Mỹ.

Bài phát biểu của Phó Thủ tướng với tiêu đề “Khôi phục chủ nghĩa đa phương vì hòa bình và phát triển bền vững” với những thông điệp riêng hướng tới chủ đề năm nay mà Đại hội đồng đã chọn là “Tăng cường nỗ lực đa phương nhằm xóa nghèo, thúc đẩy giáo dục chất lượng, hành động vì phát triển và ứng phó với biến đổi khí hậu”.

Trong bài phát biểu, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam nhấn mạnh trước những thách thức và khó khăn hiện nay, điều quan trọng là thế giới cần nỗ lực để hồi sinh lại chủ nghĩa đa phương và củng cố LHQ.

Ông Phạm Bình Minh cũng khẳng định lại tầm quan trọng của luật pháp quốc tế và Hiến chương LHQ trong quan hệ quốc tế và hợp tác đa phương. Ông cho rằng hành động của các nước phải phù hợp và dựa trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế. Đồng thời, ủng hộ nỗ lực giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình theo Hiến chương LHQ và luật pháp quốc tế, bao gồm đàm phán, hòa giải và giải quyết tư pháp.

Ngay sau đó, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam đề cập đến vấn đề leo thang trên biển Đông.

“Việt Nam đã nhiều lần bày tỏ quan ngại về những diễn biến phức tạp gần đây ở Biển Đông, bao gồm các vụ việc nghiêm trọng xâm phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam tại các khu vực hàng hải của chúng tôi theo định nghĩa của UNCLOS. Các quốc gia có liên quan nên thực hiện tự kiềm chế và tránh các hành động đơn phương có thể làm phức tạp hoặc leo thang căng thẳng trên biển và giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình theo luật pháp quốc tế, bao gồm cả UNCLOS.”

Nội dung trên được cho là nhắm vào Trung Quốc, tuy nhiên Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam đã tránh đề cập trực tiếp đến Trung Quốc.

Trong diễn biến mới nhất gần đây, Trung Quốc tiếp tục đưa giàn khoan dầu Hải Dương 982 bắt đầu hoạt động từ hôm 21/9 tại vị trí chưa rõ trên biển Đông, theo thông tin từ website của Ủy Ban Chính Pháp Trung ương Trung Quốc. Đây là giàn khoan lớn nhất và hiện đại nhất trong các giàn khoan cùng loại tại Trung Quốc, có thể khoan dầu ở độ sâu đến 5.000 m dưới mực nước biển.

Trước đó, đầu tháng 7, tàu khảo sát địa chấn Hải Dương 8 cùng nhóm tàu hộ tống của Trung Quốc đã hoạt động phi pháp trong khu vực Bãi Tư Chính, nơi nằm trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam, và là nơi Việt Nam đặt giàn khoan.

Việt Nam sau đó đã khẳng định khu vực Bãi Tư Chính thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam theo luật biển quốc tế và nhiều lần yêu cầu Trung Quốc rút các tàu xâm phạm.

Đến hôm 18/9, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng khẳng định Bắc Kinh có chủ quyền tại Trường Sa và quyền chủ quyền, quyền tài phán tại khu vực Bãi Tư Chính và những quyền này được đảm bảo bằng cơ sở lịch sử và pháp lý. Đồng thời, ông Cảnh Sảng tố cáo Việt Nam vi phạm nghiêm trọng quyền và lợi ích hợp pháp của Trung Quốc bằng hành động đơn phương khai thác dầu khí trong khu vực Bãi Tư Chính.

Phía Việt Nam chưa có đáp trả chính thức với lời tuyên bố này của ông Cảnh Sảng.

Bảo Minh 

Xem thêm: