Khuyến khích tăng tỷ lệ sinh, cân đối dân số giữa các khu vực tỉnh, thành vừa chính thức được phê duyệt thành mục tiêu tới năm 2030 theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Nhiều biện pháp thúc đẩy cân đối dân số được Chính phủ đưa ra, phần nhiều tập trung vào việc giảm áp lực kinh tế cũng như tăng điều kiện sống của các gia đình đáp ứng việc sinh đủ 2 con. 

gia hoa dan so 0
Những đứa trẻ làng chài ở hồ Trị An, Đồng Nai, tháng 12/2014. (Ảnh minh họa: Dang Thach Hoang/Shutterstock)

Khuyến khích kết hôn trước 30 tuổi, sinh đủ hai con

“Chương trình điều chỉnh mức sinh phù hợp các vùng, đối tượng đến năm 2030” vừa được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký ban hành tập trung vào các giải pháp tăng dân số.

Chương trình đặt mục tiêu đến năm 2030 là tăng 10% tổng tỷ suất sinh ở các tỉnh, thành phố có mức sinh thấp; giảm 10% tổng tỷ suất sinh ở các tỉnh, thành phố có mức sinh cao; duy trì kết quả ở những tỉnh, thành phố đã đạt mức sinh thay thế.

Để đạt mục tiêu trên, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu địa phương có mức sinh cao khuyến khích không sinh con thứ 3 trở lên; hỗ trợ người dân thực hiện kế hoạch hóa gia đình… Địa phương đã đạt mức sinh thay thế và có mức sinh thấp trước mắt bỏ các chính sách khuyến khích sinh ít con, khuyến khích sinh đủ 2 con; không khuyến khích kết hôn muộn, sinh con muộn và sinh ít con.

Thủ tướng đề nghị thí điểm biện pháp hỗ trợ các cặp vợ chồng sinh đủ 2 con như: khuyến khích nam, nữ kết hôn trước 30 tuổi, không kết hôn muộn và sớm sinh con. Khuyến khích phụ nữ sinh con thứ 2 trước 35 tuổi.

Với gia đình sinh đủ 2 con được hỗ trợ giảm thuế thu nhập cá nhân, miễn giảm các khoản đóng góp công ích, được hỗ trợ mua nhà ở xã hội, thuê nhà ở, ưu tiên cho con vào trường công lập, hỗ trợ chi phí giáo dục trẻ em…

Ngoài ra, chương trình sẽ từng bước thí điểm các biện pháp tăng trách nhiệm đóng góp xã hội, cộng đồng đối với những trường hợp cá nhân không muốn kết hôn hoặc kết hôn quá muộn. Thí điểm, nhân rộng các dịch vụ thân thiện với người lao động như đưa, đón trẻ, trông trẻ, ngân hàng sữa mẹ, bác sĩ gia đình…

Vùng có mức sinh thấp (21 tỉnh, thành phố): An Giang, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bạc Liêu, Bến Tre, Bình Dương, Bình Thuận, Cà Mau, Cần Thơ, Đà Nẵng, Đồng Nai, Đồng Tháp, Hậu Giang, Kiên Giang, Khánh Hòa, Long An, Quảng Ngãi, Sóc Trăng, Tây Ninh, TP.HCM, Tiền Giang, Vĩnh Long.

Vùng mức sinh cao (33 tỉnh, thành phố): Bắc Ninh, Bắc Giang, Bắc Kạn, Cao Bằng, Đăk Lăk, Đắk Nông, Điện Biên, Gia Lai, Hà Giang, Hà Tĩnh, Hà Nam, Hải Dương, Hòa Bình, Hưng Yên, Kon Tum, Lào Cai, Lai Châu, Lạng Sơn, Nam Định, Nghệ An, Ninh Bình, Phú Thọ, Quảng Bình, Quảng Nam, Quảng Trị, Sơn La, Thanh Hóa, Thái Nguyên, Thái Bình, Thừa Thiên Huế, Tuyên Quang, Vĩnh Phúc, Yên Bái.

Vùng mức sinh thay thế (9 tỉnh, thành phố): Bình Định, Bình Phước, Hà Nội, Hải Phòng, Lâm Đồng, Ninh Thuận, Phú Yên, Quảng Ninh, Trà Vinh.

Dân số Việt Nam đang già hóa nhanh chóng

Theo kết quả tổng điều tra dân số và nhà ở được công bố vào tháng 12/2019 do Phó thủ tướng Vương Đình Huệ chủ trì hội nghị, Việt Nam có tổng số dân 96,2 triệu người, trong đó 47,88 triệu nam giới (chiếm 49,8%) và 48,3 triệu nữ giới (50,2%).

Sau 10 năm, quy mô dân số Việt Nam tăng thêm 10,4 triệu người, trở thành quốc gia đông dân thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á và thứ 15 trên thế giới. Việt Nam cũng là quốc gia có mật độ dân số đứng thứ 3 trong khu vực (sau Philippines và Singapore) với mật độ 290 người/km2, tăng 31 người/km2 so với năm 2009.

Tỷ trọng dân số từ 15-64 vẫn chiếm đa số, khoảng 68% tổng dân số, nhưng tỷ trọng dân số từ 65 tuổi trở lên đang tăng với tốc độ nhanh nhất, chiếm 7,7%. Tỷ lệ tăng dân số bình quân giai đoạn 2009-2019 là 1,14%/năm, giảm nhẹ so với giai đoạn 1999-2009 (1,18%/năm).

Với số người ở độ tuổi từ 15-64 tuổi chiếm 68%, tức bình quân có 1 người phụ thuộc thì có 2 người đi làm. Tuy nhiên, tốc độ già hóa dân số của Việt Nam rất nhanh, từ 35,9% năm 2009 lên 48,8% năm 2019 – tăng 13,3 điểm phần trăm trong 10 năm và tăng 2 lần trong 20 năm qua -, khiến Việt Nam trở thành một trong những nước có tốc độ già hóa nhanh nhất trên thế giới.

Theo Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) (2011), các nước phát triển cần nhiều thập niên mới chuyển đổi từ giai đoạn già hóa dân số sang giai đoạn dân số già như Pháp (115 năm), Thụy Điển (85 năm), Australia (73 năm), thì tại Việt Nam, quá trình này chỉ diễn ra trong 20 năm (Nhật Bản và Trung Quốc 26 năm).

gia hoa dan so 2
Thời gian để dân số quá độ từ giai đoạn “già hóa” sang “già” của một số nước. (Nguồn: Kinsella và Gist, 1995; U.S. Census Bureau, 2005; Việt Nam: GSO (2010))

Bà Naomi Kitahara, Trưởng đại diện Quỹ dân số Liên Hiệp quốc tại Việt Nam cho rằng dân số Việt Nam đang già hóa với tốc độ nhanh nên Việt Nam cần giải quyết thách thức già hóa dân số.

Ngoài xu hướng già hóa dân số, tỷ lệ mất cân bằng giới tính có xu hướng tăng khi tỷ số giới tính năm 2018 là 114,8 bé trai/100 bé gái, năm 2019 tăng lên 111,5 bé trai/100 bé gái.

Ông Nguyễn Doãn Tú, Tổng cục trưởng Dân số – Kế hoạch hóa gia đình, Bộ Y tế, cho biết khi bước vào giai đoạn già hóa từ năm 2011, Việt Nam có số người trên 60 tuổi chiếm 9,9%; đến năm 2018, con số này tăng lên thành 11,95%. “Dự báo, Việt Nam sẽ trở thành nước có dân số già vào năm 2038 với tỷ lệ người từ 60 tuổi trở lên đạt trên 20%. Đến năm 2049, tỷ lệ người cao tuổi sẽ chiếm khoảng 25% dân số, tức là cứ 4 người dân có một người cao tuổi”, ông Tú cho hay.

Người Việt Nam tuy có tuổi thọ trung bình cao, 73,6 tuổi, nhưng số năm sống khỏe mạnh chỉ khoảng 64 tuổi. 96% người mang gánh nặng bệnh tật kép, chủ yếu là bệnh mãn tính không lây truyền, với con số trung bình một người cao tuổi Việt Nam mắc 3 bệnh.

gia hoa dan so
Thời gian người cao tuổi phải nằm tại giường do ốm đau, theo tuổi. (Nguồn: Evans và cộng sự (2007a); sử dụng số liệu Điều tra mức sống hộ gia đình (VHLSS) năm 2004)

Theo đó, ngoài áp lực về nhân lực lao động, tình trạng dan số còn đặt ra gánh nặng đối với hệ thống an sinh xã hội, hệ thống chăm sóc sức khỏe vốn chưa kịp hoàn thiện so với tốc độ già hóa. Do mức sống, dân trí chưa phát triển kịp, xã hội chưa hình thành nhận thức và hành vi thích ứng với tình trạng “già hóa”, khiến một bộ phận xã hội có những quan niệm cho rằng người già là gánh nặng, dẫn tới hành vi vi phạm chuẩn mực đạo đức…

Nguyễn Sơn