Mặc dù công bố khảo sát “nước mắm nhiễm asen” tháng 10/2016 đã gây tâm lý hoang mang cho người dân và ảnh hưởng lớn đến việc sản xuất, kinh doanh nước mắm, đặc biệt là ngành sản xuất nước mắm truyền thống, Hiệp hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas) chỉ bị phạt hành chính 15 triệu đồng và buộc thu hồi các ấn phẩm liên quan do Hiệp hội này phát hành.

vinastas
(Ảnh minh họa: qua phuquoc.gov.vn)

Ngày 26/5, Bộ Công Thương cho biết Cục quản lý thị trường phối hợp với Cục Quản lý cạnh tranh đã thực hiện thủ tục xử phạt hành chính đối với hành vi vi phạm Luật An toàn thực phẩm của Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas) trong vụ công bố nước mắm có nhiễm asen gây hại cho nước mắm truyền thống, gây hiểu lầm cho người tiêu dùng vào tháng 10/2016.

Theo đó, Vinastas (có địa chỉ tại 214/22 Tôn Thất Tùng, Hà Nội), được thành lập với mục đích bảo vệ quyền và lợi ích của người tiêu dùng. Tuy nhiên, Hiệp hội này đã có hành vi vi phạm hành chính khi phát hành tài liệu, ấn phẩm thông tin, giáo dục, truyền thông về an toàn thực phẩm không chính xác, gây hoang mang cho người tiêu dùng.

Tháng 10/2016, Vinastas tổ chức cuộc họp báo tại Hà Nội cho biết các loại nước mắm có độ đạm cao (nước mắm truyền thống) có chứa asen.

Cụ thể, theo kết quả khảo sát do Vinastas công bố, trong 150 mẫu nước mắm đóng chai của 88 nhãn hiệu từ 19 tỉnh, thành trong cả nước được Hiệp hội này tiến hành khảo sát, có 101/150 mẫu (67,33%) chứa asen vượt quá ngưỡng quy định của Bộ Y tế.

Công bố của Vinastas đã nhanh chóng gây hoang mang, lo lắng cho người tiêu dùng và ảnh hưởng lớn đến ngành sản xuất nước mắm truyền thống.

Đoàn kiểm tra liên ngành đã tiến hành xác minh khảo sát do Vinastas thực hiện.

Theo kết quả kiểm tra từ liên bộ, việc khảo sát nước mắm của Vinastas không đảm bảo tính độc lập, tin cậy và minh bạch. Dù hoạt động nhân danh Vinastas nhưng khi thực hiện khảo sát chất lượng nước mắm, hiệp hội này đã không xây dựng đề án, kế hoạch khảo sát rõ ràng; việc thực hiện khảo sát chủ yếu do Chủ tịch và một số cá nhân thực hiện, nhiều khâu không được các cấp có thẩm quyền của Vinastas phê duyệt và giám sát.

Bộ Công Thương cũng chỉ ra quá trình lấy (mua) mẫu khảo sát của Vinastas thiếu sự tin cậy. Toàn bộ 150 mẫu đã mua không có hóa đơn theo quy định của Bộ Tài chính, chỉ có hóa đơn bán lẻ, hóa đơn bán hàng, bản kê bán hàng của nơi bán (89 mẫu); 61 mẫu chỉ có bảng kê do cán bộ đi mua tự lập.

Kết quả kiểm tra cũng cho thấy không có sự thống nhất trong quá trình mã hóa mẫu, một số mẫu không được mã hóa trước khi yêu cầu thử nghiệm.

Theo kết quả công bố, Vinastas đã vi phạm Điều 28, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng khi hoạt động khảo sát được thực hiện dưới sự tài trợ từ tổ chức bên ngoài, vì vậy không đảm bảo tính độc lập theo quy định.

Cục An toàn thực phẩm kết luận: các thông tin nước mắm nhiễm asen do Vinastas công bố là không chính xác, gây tâm lý hoang mang cho người dân và ảnh hưởng đến việc sản xuất, kinh doanh nước mắm, kể cả nước mắm sản xuất theo phương  pháp truyền thống và công nghiệp, có dấu hiệu vi phạm khoản 2, điều 5, Luật an toàn thực phẩm: “Đăng tải, công bố thông tin sai lệch về an toàn thực phẩm gây bức xúc cho xã hội hoặc thiệt hại cho sản xuất, kinh doanh”.

Tuy nhiên, với các vi phạm trên, Vinastas chỉ bị xử phạt hành chính số tiền 15.000.000 đồng theo khoản 2 Điều 27 và khoản 3, khoản 4 Điều 4 Nghị định số 178 năm 2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm.

Vinastas cũng buộc thu hồi tiêu hủy tài liệu, ấn phẩm vi phạm liên quan theo quy định.

Thời gian thực hiện quyết định xử phạt vi phạm hành chính là 10 ngày kể từ ngày 23/5/2017.

Theo thống kế của đoàn kiểm tra liên bộ, việc công bố kết quả khảo sát nước mắm được Vinastas công bố theo các hình thức:

  • Đăng bài “Báo cáo kết quả khảo sát nước mắm trên toàn quốc” vào ngày 14/10/2016 trên trang web của Vinastas;
  • Tổ chức buổi báo cáo kết quả khảo sát và đưa ra Thông cáo báo chí số 174/2016/HTCNTD vào ngày 17/10/2016 tại Hội trường tầng 4 Cơ quan Vusta, địa chỉ 53 Nguyễn Du, Hai Bà Trưng, Hà Nội;
  • Đăng bài “Gần 85% mẫu nước mắm của 88 doanh nghiệp không đạt tiêu chuẩn” vào ngày 18/10/2016 trên trang web của Vinastas;
  • Đăng bài “Một số thông tin liên quan đến Chương trình khảo sát nước mắm” cùng toàn bộ tài liệu báo cáo khảo sát (trừ thông tin về các doanh nghiệp và sản phẩm được khảo sát) vào ngày 21/10/2016 trên trang web của Vinastas.

Lưu Giang

Xem thêm: