Theo nội dung do UBND TP.HCM vừa phê duyệt, phương án thiết kế công trình “Nhà hát Giao hưởng, Nhạc và Vũ kịch” ở Khu đô thị mới Thủ Thiêm phải mang tính biểu tượng đặc trưng của TP; tổ chức được các chương trình, sự kiện âm nhạc đạt đẳng cấp quốc tế…

thủ thiêm
Khu đô thị Thủ Thiêm trong quy hoạch. (Ảnh: Hien Phung Thu/Shutterstock)

Ngày 27/4, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan ký quyết định duyệt nhiệm vụ tổ chức thi tuyển phương án thiết kế kiến trúc công trình “Nhà hát Giao hưởng, Nhạc và Vũ kịch” tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm, quận 2.

Đây là cơ sở để triển khai công tác tổ chức thi tuyển phương án thiết kế kiến trúc công trình. Địa điểm dự kiến xây dựng công trình tại lô 1 – 21, khu chức năng số 1 thuộc khu đô thị mới Thủ Thiêm. Chủ đầu tư là Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp TP.HCM.

Theo yêu cầu do UBND TP đưa ra, phải tuyển chọn được phương án thiết kế mang tính biểu tượng đặc trưng riêng của TP.HCM, đồng thời cần hấp dẫn, thu hút khách du lịch tham quan khi đến TP.

Phương án thiết kế phải vừa chuyên sâu (tổ chức được các chương trình nhạc hàn lâm, nhạc kịch, vũ kịch và các loại hình nghệ thuật khác của Việt Nam) vừa đa dụng (có thêm khu vực để có thể tổ chức đào tạo, triển lãm chuyên ngành, các buổi hội nghị và hội thảo…). Nhà hát phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện và tổ chức được các chương trình, sự kiện âm nhạc đạt đẳng cấp quốc tế.

phoi canh khu do thi thu thiem
Công trình nhà hát được dự kiến xây dựng tại lô 1 – 21, khu chức năng số 1 thuộc khu đô thị mới Thủ Thiêm. (Đồ họa: thuthiem.hochiminhcity.gov.vn)

Khu quảng trường, công viên phía trước Nhà hát phải nằm trong Dự án Xây dựng Nhà hát Giao hưởng, Nhạc và Vũ kịch và là không gian văn hóa, phải khai thác tối đa mặt tiền bờ sông và nên là công viên nhiều tầng.

UBND TP yêu cầu cần khai thác tối đa tầng hầm, mở rộng không gian ngầm ra khu vực xung quanh khu đất xây dựng công trình nhà hát, đồng thời kết nối không gian ngầm với các công trình lân cận.

Công trình nhà hát gồm 3 hạng mục: khu biểu diễn gồm khán phòng 1.200 chỗ và khán phòng 500 chỗ; khu điều hành và công trình phụ trợ khác; khu đậu xe bố trí dưới tầng hầm; khu quảng trường gồm khu sinh hoạt cộng đồng và công viên cây xanh.

Chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc: cao 10 tầng tương ứng chiều cao 40m (cho phép linh hoạt trong khoảng tối đa 20%); 1 tầng hầm.

Tổng diện tích xây dựng công trình khoảng 20.354,8m2, trong đó khoảng 10.030,6m2 là đất phát triển dự án; khoảng 10.324,20m2 là diện tích đất công viên cây xanh.

Liên quan tới việc quy hoạch, đền bù cho người dân tại bán đảo Thủ Thiêm, ngày 16/4, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân đề nghị các cơ quan liên quan sớm giải quyết đền bù cho người dân chịu ảnh hưởng bởi ranh quy hoạch 4,3 ha thuộc Khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Thời hạn là trước ngày 30/4 hoặc chậm nhất đầu tháng 5, các cơ quan chức năng phải giao những lô đất, căn nhà cho người dân bị ảnh hưởng do quy hoạch.

Vào tháng 2 trước đó, tại cuộc họp về tình hình kinh tế – xã hội 2 tháng đầu năm và triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2020, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong yêu cầu các cơ quan chức năng có chính sách tháo gỡ khó khăn trong lĩnh vực bất động sản, đặc biệt là các dự án trọng điểm đang bị “treo”, trong đó có dự án Khu đô thị Thủ Thiêm. Dự kiến dự án sẽ tiếp tục được thực hiện trong tháng 6 tới.

Cuộc tiếp xúc đối thoại giữa Thanh tra Chính phủ với 28 hộ dân tại 5 khu phố thuộc 3 phường An Khánh, Bình An và Bình Khánh (quận 2) ở Khu đô thị Thủ Thiêm đã được thông báo tạm hoãn trước đó, do ảnh hưởng của dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán (COVID-19). Các hộ dân trên khiếu nại vì cho rằng nhà đất của họ nằm ngoài ranh quy hoạch Khu đô thị Thủ Thiêm nhưng vẫn bị thu hồi trái quy định.

Khu đô thị mới Thủ Thiêm là dự án phát triển đô thị mới tại bán đảo Thủ Thiêm thuộc Quận 2 (TPHCM). Quyết định quy hoạch xây dựng Khu đô thị mới Thủ Thiêm do Thủ tướng Võ Văn Kiệt ký vào năm 1996.

Theo thông tin quy hoạch, ước tính khoảng 14.600 hộ dân với hơn 60.000 nhân khẩu được yêu cầu di dời để nhường chỗ cho dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Dự kiến khi hoàn thành, Thủ Thiêm sẽ là nơi cư trú cho 150.000 nhân khẩu và 220.000 lao động đến làm việc.

Từ năm 2006, người dân Thủ Thiêm bắt đầu khiếu nại về ranh giới quy hoạch và chính sách bồi thường. Đến hiện tại, xung đột lợi ích giữa chính quyền và nhà nước trong dự án vẫn chưa được hoàn tất giải quyết.

Thông tin về dự án Nhà hát Thủ Thiêm được đưa ra vào tháng 10/2018 gây nên sự tranh luận lớn trong dư luận, đoàn đại biểu Quốc hội của TP với nhiều ý kiến trái chiều.

Nguyễn Quân