Tuyến số 2A (Cát Linh – Hà Đông) sẽ kéo dài từ Hà Đông đến Xuân Mai với chiều dài khoảng 20 km, theo hướng Quốc lộ 6, bố trí đề pô tại Xuân Mai.

duong sat cat linh ha
Đường sắt Cát Linh – Hà Đông. (Ảnh: hanoimetro)

Chính phủ vừa gửi các ĐBQH báo cáo việc thực hiện chính sách phát triển giao thông đường sắt và sử dụng ngân sách đầu tư cho lĩnh vực này.

Theo báo cáo, tại Hà Nội, Chính phủ đang yêu cầu Bộ GTVT thực hiện đầu tư tuyến số 1 (Yên Viên – Ngọc Hồi) giai đoạn 1, tuyến 2A (Cát Linh – Hà Đông); yêu cầu UBND TP. Hà Nội thực hiện đầu tư tuyến số 3 (đoạn Nhổn – ga Hà Nội) và tuyến số 2 (đoạn Nam Thăng Long – Trần Hưng Đạo).

Tuyến đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông đã cơ bản hoàn thành, tuy nhiên, do một số nguyên nhân khách quan và chủ quan, đến nay dự án chưa được đưa vào khai thác“, báo cáo nêu.

Tại TP.HCM, Chính phủ cũng yêu cầu UBND TP thực hiện đầu tư tuyến số 1 (Bến Thành – Suối Tiên) và tuyến số 2 (Bến Thành – Tham Lương).

Về hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt, Hà Nội dự kiến sẽ xây dựng 8 tuyến đường sắt đô thị khu vực trung tâm với chiều dài 305 km, nghiên cứu xây dựng kéo dài các tuyến để kết nối với các đô thị vệ tinh; đồng thời quy hoạch một số tuyến tàu điện một ray nhằm hỗ trợ và khai thác tốt hơn cho toàn bộ hệ thống đường sắt đô thị.

Theo đó:

  • Tuyến số 2A (Cát Linh – Hà Đông) sẽ kéo dài từ Hà Đông đến Xuân Mai với chiều dài khoảng 20 km, theo hướng Quốc lộ 6, bố trí đề pô tại Xuân Mai.
  • Tuyến số 2 (Nam Thăng Long – Trần Hưng Đạo) được nghiên cứu kéo dài từ Nội Bài đến Trung Giã, huyện Sóc Sơn, chiều dài khoảng 9 km.
  • Tuyến số 3 từ Nhổn đi đô thị vệ tinh Sơn Tây kéo dài theo hướng Quốc lộ 32, chiều dài khoảng 30 km, bố trí đề pô tại Sơn Tây.

TP.HCM sẽ xây dựng 8 tuyến xuyên tâm và vành khuyên nối các trung tâm chính của thành phố, chủ yếu đi ngầm trong nội đô với chiều dài khoảng 173 km, 3 tuyến xe điện mặt đất hoặc đường sắt một ray (Tramway hoặc Monorail) với chiều dài khoảng 57 km.

Về kinh phí, Hà Nội có 12.750 tỷ đồng để chuẩn bị đầu tư và thực hiện đầu tư đối với dự án tuyến số 2 và tuyến số 3. TP.HCM là 17.244 tỷ đồng để chuẩn bị đầu tư và thực hiện đầu tư đối với dự án tuyến số 1 và tuyến số 2.

Tuyến Cát Linh – Hà Đông hiện có chiều dài 14km, được Bộ GTVT phê duyệt đầu tư vào tháng 10/2008 với tổng mức đầu tư hơn 8.700 tỷ đồng (tương đương 552 triệu USD) từ nguồn vốn vay ODA của Trung Quốc. Tổng thầu EPC do phía Trung Quốc chỉ định (Công ty hữu hạn Tập đoàn Cục 6 Đường sắt Trung Quốc).

Dự án sau đó được điều chỉnh lên 18.000 tỷ đồng (tương đương 868 triệu USD). Qua nhiều lần hứa hẹn, đến nay, dự án vẫn chưa đủ an toàn để khai thác thương mại, khiến nhiều người bức xúc.

KTNN cũng đã chỉ rõ nhiều sai phạm liên quan tới dự án như Tổng thầu thiếu kinh nghiệm, thiết kế cơ sở sơ sài,… Đặc biệt, dự án còn chi sai tới gần 3.000 tỷ đồng. Số tiền chi sai chủ yếu do chủ đầu tư tính sai khối lượng, sai đơn giá, nhiều hạng mục xây lắp, mua sắm vật tư, thiết bị chưa phù hợp với quy định pháp luật Việt Nam.

Kim Long

Xem thêm: