Dấu hỏi về nguồn gốc ‘Made in China’ của khăn lụa ‘Khaisilk’ là sự kiện đáng chú ý nhất trong tuần vừa qua.

Ngoài ra là các thông tin: trạm BOT Biên Hòa ngày hoạt động trở lại với an ninh được thắt chặt chưa từng có; Quốc hội phê chuẩn tân Tổng Thanh tra Chính phủ và Bộ trưởng GTVT; Nguyên TGĐ VN Pharma bật khóc tại tòa, xin được tại ngoại; vụ “biệt phủ Yên Bái” – Giám đốc Sở TN-MT Phạm Sỹ Quý kê khai thiếu hàng nghìn m2 đất, một ngôi nhà; GĐ Sở TT&TT tỉnh Thừa Thiên – Huế xin lỗi BS Hoàng Công Truyện việc xử phạt vì đã “nói xấu” Bộ trưởng Bộ Y tế …

khaisilk2
Mặt hàng lụa bày bán trong hệ thống cửa hàng của Tập đoàn Khaisilk. (Ảnh: FB khaisilk.boutique)

Khaisilk – 30 năm gian dối

Ngày 26/10, Bộ Công Thương có văn bản hỏa tốc yêu cầu kiểm tra vụ việc liên quan đến xuất xứ hàng hóa của Tập đoàn Khaisilk (113 Hàng Gai, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) sau khi người tiêu dùng lên tiếng về việc một cửa hàng tại Hà Nội của Khaisilk bán khăn vừa có mác “Khaisilk– Made in Việt Nam” vừa có mác “Made in China”.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đề nghị Cục Quản lý thị trường phối hợp với Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng kiểm tra, xem xét và làm rõ thông tin trên.

Nguyên Phó chánh văn phòng Ban chỉ đạo (BCĐ) Quốc gia về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (BCĐ 389) Trần Hùng cho biết việc thay đổi tem nhãn khăn lụa từ “Made in China” sang “Khaisilk – Made in Việt Nam” là làm giả xuất xứ. Trong khi lụa tơ tằm Khaisilk là thương hiệu quốc gia lớn, việc có dấu hiệu vi phạm là rất đáng báo động, cần làm rõ.

Trước đó, ông Hoàng Khải – Chủ tịch Tập đoàn Khaisilk đã thừa nhận đã “đặt hàng may tơ lụa Trung Quốc về bán với thương hiệu Khaisilk” từ những năm 90.  

Chiều ngày 26/10 cửa hàng Khaisilk 113 Hàng Gai đã tạm đóng cửa hàng, bị thu giữ hàng hóa trị giá 30 triệu đồng. Nhiều câu hỏi đặt ra rằng bê bối “lừa người tiêu dùng” – vốn quá phổ biến trên thị trường Việt – sẽ được xử lý đến đâu?

CSGT, CS cơ động, lính cứu hỏa… được huy động ngày BOT Biên Hòa thu phí trở lại

Gần 100 cảnh sát giao thông, trật tự, cảnh sát cơ động, hình sự được Công an tỉnh Đồng Nai huy động chốt tại vị trí trạm; lực lượng cứu hỏa, y tế, đội thông tin tuyên truyền huyện Trảng Bom cũng có mặt; nhiều xe chuyên dụng của cảnh sát như xe cẩu cứu hộ giao thông, ôtô thùng… đỗ bên đường trong ngày đầu tiên BOT Biên Hòa hoạt động trở lại.

Sự việc diễn ra sau hơn 20 ngày trạm BOT tạm ngưng hoạt động do bị các lái xe và người dân phản đối về việc đặt trạm thu phí BOT trên quốc lộ, còn cách tuyến tránh hơn 10 km. Nhiều diễn biến diễn ra như giảm phí, miễn phí, mời lái xe lên làm việc, phát giấy tuyên truyền một chiều, đỉnh điểm là tăng cường an ninh thị uy… Những kiến nghị của người dân để giải quyết bất hợp lý tại trạm BOT này vẫn tiếp tục bị bỏ ngỏ.

Quốc hội phê chuẩn tân Tổng Thanh tra Chính phủ và Bộ trưởng GTVT

Với đại đa số phiếu thuận tại Quốc hội chiều 26/10, ông Nguyễn Văn Thể – Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng – chính thức trở thành Bộ trưởng Bộ GTVT và ông Lê Minh Khái – Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu – chính thức làm Tổng Thanh tra Chính phủ.

Nguyên Tổng thanh tra Phan Văn Sáu được điều động về làm Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng, còn Bộ trưởng GTVT Trương Quang Nghĩa trước đó được bổ nhiệm Bí thư Thành ủy Đà Nẵng sau đợt biến động nhân sự tại thành phố này.

Một vài chi tiết đáng lưu ý, ông Phan Văn Sáu mới làm lãnh đạo Thanh tra Chính phủ trong gần hai năm của nhiệm kỳ 5 năm, còn ông Thể đã từng giữ chức Thứ trưởng Bộ GTVT (6/2013-10/2015), sau đó thôi chức, được điều động giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng nhiệm kỳ 2015-2020.

Nguyên TGĐ VN Pharma bật khóc tại tòa, xin được tại ngoại

Nói lời cuối cùng trước khi HĐXX nghị án, bị cáo Nguyễn Minh Hùng – nguyên Tổng Giám đốc VN Pharma đã bật khóc, xin được tại ngoại để lo cho cha, mẹ già và người vợ đang có thai.

Chủ tọa phiên tòa cho biết sẽ ghi nhận sự hối hận này, đồng thời đặt lại vấn đề “các bị cáo mua thuốc chữa ung thư kém chất lượng, sau đó nâng giá thuốc lên gấp nhiều lần đã đẩy bệnh nhân bị bệnh ung thư và gia đình của họ vào sự đau đớn, khánh kiệt…”.

Trong khi đó, bị cáo Cường tiếp tục khẳng định bản thân chưa bao giờ có ý thức nhập thuốc giả, không làm giả giấy tờ, mong HĐXX làm rõ về ông Raymundo để được minh oan.

Ngoài bị cáo Hùng, Cường, các bị cáo còn lại đều mong HĐXX xem xét giảm án.

8h ngày 30/10 (tức hôm nay), HĐXX sẽ tuyên án phúc thẩm.

Trong một diễn biến liên quan, chiều 26/10, Bộ Y tế tổ chức gặp gỡ báo chí, phủ nhận thông tin cho rằng Thứ trưởng Trương Quốc Cường không đến dự phiên tòa xét xử theo giấy triệu tập của tòa. Đại diện Cục Quản lý dược, Bộ Y tế khẳng định Thứ trưởng Trương Quốc Cường không đến tham dự phiên tòa vì không có giấy mời đích danh; đồng thời cho hay Thứ trưởng Cường không né tránh mà vẫn trả lời các thông tin liên quan đến vụ việc thông qua một tổ chức của Bộ.

Vụ “biệt phủ Yên Bái” – Giám đốc Sở TN-MT Phạm Sỹ Quý kê khai thiếu hàng nghìn m2 đất, một ngôi nhà

Đây là một phần nội dung kết luận sau gần 4 tháng thanh tra, nhiều lần trì hoãn việc công bố của Thanh tra Chính phủ đối với vụ “biệt phủ Yên Bái” của Giám đốc Sở TN-MT Phạm Sỹ Quý. Ông Quý là em ruột bà Phạm Thị Thanh Trà, Bí thư Tỉnh uỷ tỉnh Yên Bái đương nhiệm.

Theo kết luận do Phó tổng Thanh tra Chính phủ Bùi Ngọc Lam công bố, có nhiều sai phạm xung quanh khu biệt phủ của gia đình ông Phạm Sỹ Quý cũng như việc kê khai tài sản liên quan đến khu đất này.

Điểm qua, khi được bổ nhiệm làm Giám đốc Sở TN – MT, ông Quý đã kê khai thiếu hơn 7.905 m2 đất ở, hơn 27.500 m2 đất nông nghiệp do bà Huệ đứng tên; không kê khai một nhà diện tích 500 m2 tại tổ 51 phường Minh Tân (đang xây dựng); không kê khai tiền vay ngân hàng hơn 9,1 tỷ đồng và nợ bạn bè 60 cây vàng.

Việc từ ngày 18/8/2016 đến ngày 10/2/2017, bà Huệ (vợ ông Quý) thực hiện tiếp việc chuyển quyền sử dụng đất ở cho 14 hộ gia đình (đã ký thỏa thuận và góp tiền), trong khi ông Quý là Phó giám đốc Sở TN-MT kiêm Giám đốc Phòng Đăng ký đất đai, đến tháng 9/2016 được bổ nhiệm làm Giám đốc Sở này – việc này liên quan đến phạm vi, lĩnh vực ông Quý quản lý trực tiếp…

Ngày 27/10, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Yên Bái, UBND tỉnh ra quyết định kỷ luật “cảnh cáo”, cho thôi chức giám đốc Sở TN&MT Yên Bái đối với ông Phạm Sỹ Quý.

Lãnh đạo Sở TT&TT tỉnh Thừa Thiên – Huế xin lỗi BS “nói xấu” Bộ trưởng Bộ Y tế 

Ngày 24/10, ông Lê Sỹ Minh – Giám đốc Sở Thông tin Truyền thông Thừa Thiên Huế cùng Chánh thanh tra Sở Cao Thị Vân đến Trung tâm Y tế huyện Phong Điền xin lỗi bác sỹ Hoàng Công Truyện – Phó trưởng khoa Cấp cứu vì đã ra quyết định xử phạt ông này vụ “nói xấu” Bộ trưởng Bộ Y tế.

Các diễn biến trước đó: Ngày 14/7, BS Truyện đăng trên facebook, nói bà Nguyễn Thị Kim Tiến – Bộ trưởng Bộ Y tế nên nghỉ, cho rằng Bộ trưởng không về cơ sở nên không biết nỗi khổ của y, bác sĩ tuyến dưới, yếu kém trong việc tham mưu vấn đề an ninh ở bệnh viện…

Ngày 15/7, Bộ Y tế ra công văn gửi Sở Y tế tỉnh Thừa Thiên – Huế cho rằng nội dung trên là bôi nhọ, gây mất uy tín, xúc phạm nhân phẩm, danh dự của người đứng đầu ngành y.

Ngày 15/8, Trung tâm Y tế huyện Phong Điền ra quyết định kỷ luật bác sỹ Truyện. Ngày 19/10, Sở TT&TT cho biết đã xử phạt bác sỹ Truyện 5 triệu đồng.

Ngày 23/10, Sở TT&TT họp báo thông tin về việc rút quyết định xử phạt vi phạm hành chính 5 triệu đồng nói trên…

Cấm vĩnh viễn tàu cá tái phạm khi khai thác trái phép ở vùng biển nước ngoài

UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu yêu cầu các sở, ban, ngành tập trung ngăn chặn, giảm thiểu và chấm dứt tàu cá và ngư dân Việt Nam khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài.

Theo đó, Sở NN&PTNT tỉnh sẽ không cấp giấy phép khai thác thủy sản, không cho đóng mới đối với chủ tàu có tàu cá tái phạm; tàu cá bị bắt giữ chuộc, thả hoặc trốn về nước. Tạm dừng chuyển quyền sở hữu và tước quyền giấy phép khai thác thủy sản trong vòng 6 tháng đến 1 năm đối với tàu cá vi phạm lần đầu và đình chỉ hoạt động vĩnh viễn đối với tàu cá tái phạm. Đối với chủ tàu có tàu vi phạm không được hưởng các chính sách hỗ trợ của Nhà nước…

Bà Rịa – Vũng Tàu là một trong những địa phương có lượng tàu cá và ngư dân bị bắt giữ nhiều nhất do khai thác hải sản trái phép. Riêng trong năm 2017, lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu tiếp nhận 423 ngư dân do phía Indonesia trao trả.

Nguyễn Quân

Xem thêm: