Chúng ta tụt lại không chỉ ở khía cạnh kinh tế, chất lượng cuộc sống, môi trường…. mà là ở khía cạnh căn bản nhất: sứ mệnh phục vụ nhân dân của những người lãnh đạo. Mà căn bản của sứ mệnh này chính nằm ở chỗ đạo đức của người làm quan.

photo1536133797971 1536133797972992698070
Học sinh Mường Chà, Điện Biên chui túi nilon nhờ người lớn đưa qua suối lũ (Ảnh: Vov)

Trong khi dư luận mải mê tranh cãi về cách đánh vần mới và những nội dung trong cuốn Tiếng Việt 1 – Công nghệ giáo dục, thì ở đâu đó xa xôi miền biên ải, người lớn và đám trẻ chỉ mong ngóng một cây cầu tử tế để có thể ngày ngày đi học mà không ướt sách vở, quần áo.

Đã hơn 70 năm kể từ ngày “giải phóng,” một chặng đường đủ dài để có thể làm được rất nhiều thứ, còn chúng ta đang đứng ở đâu?

Đảo quốc Singapore giành độc lập năm 1965, khi đó không có tài nguyên và nhân lực, nhưng hiện nay GDP bình quân đầu người 2017 đạt 57.700 USD, gấp 24 lần Việt Nam. Để đạt được thành công đó là cả một nỗ lực phi thường của Singapore, trong đó có sự đóng góp lớn của những chính sách minh bạch và cởi mở, một bộ máy nhà nước trong sạch, khuôn khổ pháp luật được thực thi nghiêm minh.

Hàn Quốc kết thúc chiến tranh năm 1953, đất nước bị tàn phá nặng nề. Đến năm 1961, GDP bình quân đầu người vẫn ở dưới mức 80 USD/năm, người dân đói nghèo, quan chức tham nhũng, đẩy Hàn Quốc vào thế nguy vong. Thế nhưng, chính phủ Hàn Quốc do Tổng thống Park Chung Hee điều hành sau đó đã có những chính sách đúng đắn về ưu tiên phát triển kinh tế, và đặc biệt là việc kiên quyết chống tham nhũng triệt để, góp phần không nhỏ đưa Hàn Quốc dần phát triển vượt bậc, với GDP bình quân đầu người năm 2017 lên tới hơn 29.000 USD.

Thành công của những nước láng giềng tuy con đường khác nhau, nhưng tựu chung ở những điểm như lãnh đạo có tâm và có tầm, pháp luật nghiêm minh và chiến lược đúng đắn. Chính sách quốc gia xuất phát từ người dân và vì người dân được mọi công chức trong nền công vụ thấu hiểu, tôn trọng và thực hiện.

Trở lại với câu chuyện các em nhỏ phải chui vào túi nilon để người lớn bơi kéo qua suối đến trường ở Điện Biên vào ngày khai giảng mới hôm kia, chưa kể tới hàng chục, hàng trăm điểm dân cư chưa có điện, chưa có đường, người dân phải tự mình sáng tạo đủ cách để qua sông dù cho nguy hiểm đến tính mạng, mới thấy chúng ta đã tụt lại rất xa.

Tụt lại không chỉ ở khía cạnh kinh tế, chất lượng cuộc sống, môi trường…. mà là ở khía cạnh căn bản nhất: sứ mệnh phục vụ nhân dân của những người lãnh đạo. Mà căn bản của sứ mệnh này chính nằm ở chỗ đạo đức của người làm quan.

photo 1 15361294099641400958380
Vào mùa nước nhỏ hơn, người dân sẽ tự chế ra những chiếc bè mảng để qua sông, suối (Ảnh: VOV)

Câu trả lời chung của các lãnh đạo địa phương trước những thiếu thốn của người dân đa số là thiếu kinh phí thực hiện. Đó thực ra là một câu trả lời vô trách nhiệm, bởi nguồn kinh phí hàng năm cho mỗi tỉnh có thể đủ để dần đáp ứng được những nhu cầu thiết yếu ấy. Nhưng nó lại được thường xuyên và ưu tiên chi vào những mục đích khác được cho là quan trọng hơn, như xây tượng đài, cải tạo trụ sở, chi cho cán bộ đi nước ngoài v.v.

Sơn La xây tượng đài “Bác Hồ với đồng bào các dân tộc Tây Bắc” 1.400 tỷ; Quảng Nam xây tượng đài “Mẹ Việt Nam anh hùng” 410 tỷ; Lai Châu xây tượng đài “Chiến thắng Điện Biên Phủ” 40 tỷ. Hà Giang dù là tỉnh nghèo thuộc loại nhất cả nước, nhưng đã nhiều lần đề xuất nâng cấp trụ sở lên tới gần 1.000 tỷ. Điện Biên xin nâng cấp sân bay lên tới hơn 2.000 tỷ. Thanh Hoá xin kinh phí gần 2 tỷ cho 3 cán bộ đi nước ngoài trong 11 ngày…

Những sự lãng phí đó đã cách quá xa sứ mệnh “do dân, vì dân” mà phần nhiều là chỉ để phục vụ cho lợi ích cá nhân và lợi ích nhóm, tạo điều kiện cho tham nhũng hoành hành. Đó không hẳn là vì bậc làm quan không biết cách điều hành tính toán, mà là thiếu đi cái tâm phụng sự người dân. Lợi ích thu về cân đong được ngay trước mắt, dễ dàng che mất lương tâm. Còn sống đạo đức thì tạo ra được gì?

Người dân ở Đắk Lắk đu cáp treo qua sông (Ảnh: VOV)

Nhìn xa hơn, đó không chỉ là những sự việc của các địa phương miền núi đơn lẻ, mà nó như một căn bệnh ung thư đã lây lan rộng khắp. Khi ngay cả với trẻ em và nền giáo dục còn bị đem ra thí điểm hàng năm, còn nằm dưới những cơ chế chuyên quyền và độc quyền, còn bị bỏ “sống chết mặc bay” giữa dòng nước lũ, thì tương lai của đất nước có thể dễ dàng bị cuốn đi vào bất cứ lúc  nào.

Thực ra, từ xưa tới nay, đức của bậc cai trị sẽ quyết định vận mệnh cho cả dân tộc. Triều đại nào chăm lo cho đời sống nhân dân thì nhân dân ấy sẽ dám đem cả sinh mạng quyết bảo vệ triều đại đó đến cùng. Lòng dân mới là “cây cầu” vững chắc nhất mà người lãnh đạo cần phải xây để đưa dân tộc đến bờ thịnh vượng. Đề cao đạo đức mới là cách duy nhất để một dân tộc làm nên kỳ tích.

Lê Xuân

Xem thêm: