Bộ Công an cho biết từ trước tới nay không có tiền để xây dựng các phòng ghi âm, mua máy ghi âm, ghi hình có âm thanh.

to lam
Bộ trưởng công an Tô Lâm. (Ảnh chụp màn hình)

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa ký quyết định phê duyệt Đề án về cơ sở vật chất, bộ máy, cán bộ và lộ trình cụ thể thực hiện việc ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh việc hỏi cung bị can theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.

Đề án nhằm tổ chức thực hiện quy định của Thông tư liên tịch số 03 năm 2018 của Bộ Công an – VKSND Tối cao – TAND Tối cao và Bộ Quốc phòng trong việc thực hiện ghi âm, hoặc ghi hình có âm thanh trong hoạt động hỏi cung bị can. Trong đó có cán bộ kỹ thuật của lực lượng hồ sơ, điều tra viên, cán bộ thực hiện công tác tạm giữ, tạm giam… 

Đề án cũng yêu cầu chuẩn bị các điều kiện vật chất, kỹ thuật, xây dựng bộ máy, cán bộ; đào tạo bồi dưỡng cán bộ, chiến sĩ phục vụ ghi âm hoặc ghi hình trong hỏi cung bị can phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ, thực tiễn công tác trong hoạt động tố tụng hình sự.

Theo lộ trình thực hiện, năm 2019, đề án tổng thể được hoàn thành và triển khai đầu tư đảm bảo các điều kiện về cơ sở vật chất, kỹ thuật, tổ chức bộ máy và bố trí cán bộ thực hiện. 

Bắt đầu từ 1/1/2020, việc hỏi cung sẽ được thống nhất ghi âm, ghi hình có âm thanh trên phạm vi toàn quốc.

Kinh phí thực hiện đề án do ngân sách Nhà nước đảm bảo và được sử dụng trong dự toán ngân sách Nhà nước hàng năm của các bộ, cơ quan trung ương, các địa phương theo quy định về phân cấp.

Theo Khoản 6, Điều 183 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, việc hỏi cung bị can tại cơ sở giam giữ hoặc tại trụ sở Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải được ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh. Việc hỏi cung bị can tại địa điểm khác được ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh theo yêu cầu của bị can hoặc của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng.

Quy định này hướng đến sự ngăn ngừa sự vi phạm pháp luật, vi phạm quyền, lợi ích của bị can, ngăn ngừa bức cung và dùng nhục hình đối với bị can.

Tuy nhiên từ khi ban hành cho đến nay, đại diện Bộ Công an có báo cáo là không có tiền để xây dựng các phòng ghi âm, mua máy ghi âm, ghi hình có âm thanh.

Khó khăn về kinh phí cũng được Bộ Công an nêu lên trong những hoạt động thực thi pháp luật khác, ví dụ như kinh phí giám định. Lãnh đạo Bộ Công an cho biết, hiện Bộ vẫn đang nợ tiền các cơ quan giám định khi giám định các vụ án lớn.

“Vậy vấn đề lớn nhất để phục vụ việc đảm bảo quyền công dân, quyền con nguời như quy định của Hiến pháp là tiền… không có”, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Quốc hội Lê Thị Nga đã đưa ra nhận xét trong phiên thảo luận Báo cáo sơ kết 5 năm thi hành Hiến pháp năm 2013 vào ngày 11/9 vừa qua.

Tuấn Minh

Xem thêm: