Dự kiến sau khi tất cả các nhà máy hoàn thành, Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân (huyện Tuy Phong, Bình Thuận) sẽ trở thành trung tâm điện lực lớn nhất cả nước, tổng công suất 6.264 MW, gấp khoảng 2,6 lần công suất của Nhà máy Thủy điện Sơn La (nhà máy điện lớn nhất nước).

Đáng chú ý, đây cũng là trung tâm nhiệt điện lớn nhất cả nước với mức độ ô nhiễm và bất ổn xã hội đã hiện hữu từ năm 2015.

o nhiem nhiet dien
Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2 chạy thử trước khi chính thức vận hành, tháng 10/2014. (Ảnh: FB Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân)

Trung tâm Nhiệt điện Vĩnh Tân

Trung tâm Nhiệt điện Vĩnh Tân gồm 5 dự án, gồm: Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 1, 2, 3, 4 và Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 4 mở rộng.

Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 1 có công suất 1.240 MW (2×620 MW) tổng mức đầu tư  1.755 tỷ USD được khởi công xây dựng từ tháng 7/2015, lên kế hoạch vận hành thương mại vào tháng 7/2018. Dự án được đầu tư theo hình thức BOT (Xây dựng – Kinh doanh – Chuyển giao). Liên danh hai nhà đầu tư Trung Quốc là Công ty TNHH Lưới điện Phương Nam và Công ty TNHH Điện lực quốc tế Trung Quốc góp 95% vốn. 5% còn lại do Tổng công ty Điện lực Vinacomin thuộc Tập đoàn Than khoán sản Việt Nam đối ứng. Ngoài ra, tổng thầu Thiết kế – mua sắm – xây dựng (EPC) của dự án cũng do các doanh nghiệp Trung Quốc đảm nhận.

Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 – nhà máy duy nhất đã đi vào hoạt động – có công suất 1.244 MW (2×622 MW), do Tập đoàn Điện khí Thượng Hải (Trung Quốc) thi công từ tháng 8/2010, vận hành từ đầu năm 2015. Tổng mức đầu tư ban đầu là 19.162 tỷ đồng, sau điều chỉnh tăng lên tới 23.477 tỷ đồng, trong đó 85% là vốn tín dụng xuất khẩu ưu đãi dành cho người mua của Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc và vốn ODA của Chính phủ Trung Quốc, còn lại 15% là vốn đối ứng của Tổng Cty Điện lực Việt Nam (EVN).

Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 3 – dự án nhà máy nhiệt điện lớn nhất – công suất lắp đặt 1.980 MW (3×660 MW), tổng vốn đầu tư khoảng 2,7 tỷ USD, do Cty Cổ phần Năng lượng Vĩnh Tân 3 làm chủ đầu tư theo hình thức BOT. Công ty này gồm 3 cổ đông, trong đó cổ đông lớn nhất, chiếm 49% cổ phần, là Cty OneEnergy Ventures Ltd (Trung Quốc). Dự án do Cty Công trình điện quốc tế Harbin (Trung Quốc) thi công, khởi công xây dựng năm 2014, dự kiến tổ máy đầu tiên hòa lưới điện quốc gia vào năm 2018.

Hai nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 4 và nhiệt điện Vĩnh Tân 4 mở rộng do EVN trực tiếp đầu tư.

Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 4 có công suất 1.200 MW (2×600 MW), tổng vốn đầu tư trên 36.000 tỷ đồng, do Tổ hợp Nhà thầu Tập đoàn Công nghiệp nặng Doosan (Hàn Quốc), Tập đoàn Mitsubishi (Nhật Bản), Cty Cổ phần Tập đoàn Thái Bình Dương và Cty Cổ phần Tư vấn Xây dựng Điện 2 (PECC 2) làm tổng thầu EPC. Dự án khởi công xây dựng vào tháng 3/2014, dự kiến vận hành thương mại vào tháng 7/2018;

Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 4 mở rộng có công suất 600 MW (1x600MW), vốn đầu tư hơn 1,1 tỷ USD (gần 24.000 tỷ đồng), khởi công vào tháng 4/2016, dự kiến phát phát điện vào tháng 12/2019; cũng do liên danh nhà thầu trên đảm nhận.

Như vậy, 3 trong số 5 nhà máy do nhà thầu Trung Quốc làm tổng thầu EPC. Còn cả 2 dự án đầu tư theo hình thức BOT đều do các công ty Trung Quốc liên danh đầu tư.

Trong đó, đáng chú ý nhất, Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 1 do hai công ty của Trung Quốc làm chủ đầu tư theo hình thức BOT với tỷ lệ góp vốn lên tới 95%. Ngoài 20% vốn đầu tư của dự án là vốn góp của các nhà đầu tư, 80% số tiền còn lại (tương đương 1,4 tỷ USD) được thu xếp bởi 5 ngân hàng Trung Quốc. Dự kiến các nhà đầu tư sẽ vận hành, kinh doanh dự án trong 25 năm, sau đó chuyển giao cho phía Việt Nam.

Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 3 có cổ đông lớn nhất là công ty của Trung Quốc (chiếm 49% cổ phần), việc thi công cũng do công ty của Trung Quốc đảm nhận.

Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 sử dụng vốn ODA của Chính phủ Trung Quốc. Theo quy định, vay vốn ODA của nước nào sẽ phải dùng nhà thầu, công nghệ, và cả đội ngũ chuyên gia, thậm chí là lao động của nước đó.

Điều này có nghĩa dù dưới hình thức đầu tư BOT hay góp vốn ODA, các dự án nhiệt điện tại Trung tâm Nhiệt điện Vĩnh Tân đang bị phụ thuộc lớn vào Trung Quốc, đưa khu vực này trở thành nơi tiêu thụ công nghệ, thiết bị, nhân lực của Trung Quốc, và khai thác dự án (đối với dự án BOT) trong vài chục năm.

‘Nhập khẩu’ ô nhiễm?

Một nghiên cứu do Hội đồng bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên của Trung Quốc thực hiện chỉ ra vào năm 2012, ô nhiễm bắt nguồn từ công nghiệp than đá đã làm thiệt mạng 670.000 người tại Trung Quốc. Mức độ ô nhiễm không khí tại Trung Quốc đã tăng gấp 2 lần so với tiêu chuẩn quốc gia vào năm 2014; trên 161 thành phố có chỉ số ô nhiễm môi trường vượt quá giới hạn 90%.

Trong một phân tích để ủng hộ quan điểm “đóng cửa các nhà máy điện sẽ có tác động rõ rệt trong việc giảm khí thải ô nhiễm”, chuyên gia phân tích Thiên Miêu tại Công ty TNHH Blue Oak chi nhánh phía Bắc Trung Quốc nhận định “phần lớn các chất ô nhiễm bắt nguồn từ việc đốt than đá”.

Tuy nhiên, mặc dù giới chức Bắc Kinh khẳng định sẽ không cấp phép cho bất cứ dự án nhiệt điện than mới nào trong tương lai, tháng 11/2016, Wall Street Journal dẫn thông tin cho hay: “Chính phủ Trung Quốc cho biết sẽ tăng năng suất điện than lên 20% vào năm 2020″, đồng thời cho biết trong kế hoạch 5 năm tiếp theo cho ngành điện được công bố vào hôm 29/5, Tổng cục Năng lượng Quốc gia của Trung Quốc đã nói rằng “sẽ tăng năng suất điện than từ khoảng 900 GW vào năm 2016 lên mức 1.100 GW vào năm 2020”.

Trong cuộc phỏng vấn với Epoch Times, một số trí thức người Trung Quốc cũng tỏ ý nghi ngờ về thiện ý của chính quyền Trung Quốc cũng như khả năng giải quyết vấn đề môi trường tại quốc gia này.

Về phía Việt Nam, trước thông tin Trung Quốc sẽ hạn chế phát triển nhà máy nhiệt điện than bằng cách đến năm 2025 sẽ đóng cửa 103 nhà máy nhiệt điện than, PGS TS Trương Duy Nghĩa, Chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật Nhiệt Việt Nam cho biết cần xét tới tổng số lượng nhà máy nhiệt điện mà Trung Quốc đang có (ước tính con số cả nghìn nhà máy), và các nhà máy đóng cửa có phải đã hết niên hạn sử dụng hay có công suất nhỏ hay không.

Trong khi tuyên bố hạn chế phát triển nhà máy nhiệt điện than của Trung Quốc bị nghi ngờ, thì Bình Thuận trên đà trở thành trung tâm nhiệt điện lớn nhất của Việt Nam. Còn trên toàn quốc, dự kiến tới năm 2020, Việt Nam sẽ có thêm 15 dự án nhiệt điện than được đưa vào hoạt động (hiện đang trong quá trình xây dựng), đưa tổng công suất lắp đặt lên 24.370 MW và tiêu thụ khoảng 60 triệu tấn than/năm.

Thực tế, tại Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân, hiện mới có duy nhất Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 đi vào hoạt động song đã gây nên tình trạng ô nhiễm và bất ổn xã hội đáng lo ngại. Hai tổ máy được khai thác thương mại lần lượt vào tháng 1 và tháng 3/2015, thì ngay sau đó đã xảy ra “bão xỉ” (do bãi xỉ khổng lồ đặt trên cao, lộ thiên, vùng đất có gió mạnh quanh năm), dẫn tới xung đột do bức xúc từ người dân. Đỉnh điểm của sự việc là ngày 14 và 15/4/2015, hàng ngàn người đã đổ ra Quốc lộ 1 chặn xe để phản đối ô nhiễm.

Trung bình Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 (1.244 MW) thải ra 4.400 tấn tro và xỉ than/ngày. Trong khi đó, đến năm 2018, 2019, Vĩnh Tân sẽ có thêm 4 nhà máy đi vào hoạt động, với tổng công suất 5.020 MW.

Theo một công bố của Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), tính đến năm 2017, cả nước có 26 nhà máy nhiệt điện than đang vận hành với tổng công suất khoảng 13.810 MW. Khoảng 47,8 triệu tấn than được tiêu thụ hàng năm, thải ra hơn 16,4 triệu tấn tro xỉ, thạch cao/năm.

Bà Ngụy Thị Khanh, Giám đốc Trung tâm Sáng tạo xanh (GreenID) cho biết nhiệt điện than là nguồn phát thải lớn bụi cũng như các loại khí độc hại như SO2, NOx, CO2…; ngay cả các nhà máy sử dụng công nghệ hiện đại cũng cũng chỉ giảm thiểu được từ 10-20% lượng phát thải.

Trong khi đó, hiện hầu hết các nhà máy nhiệt điện tại Việt Nam chưa có biện pháp tái sử dụng tro xỉ một cách triệt để, chủ yếu đổ ra bãi thải. Khí thải, tro bụi và chất thải rắn là ba vấn đề chính do các nhà máy nhiệt điện gây ra. Khói bụi gây ô nhiễm không khí, đất, nước, còn các bãi xỉ thải gây nguy cơ ô nhiễm nguồn nước ngầm và nước mặt.

Đầu tháng 6/2018, GreenID công bố “Bản Thiết kế cho Tương lai Năng lượng Sạch của Việt Nam” khuyến nghị giảm tỷ trọng của nhiệt điện than từ khoảng 42,6% xuống còn khoảng 24,4%, tăng tỷ trọng năng lượng tái tạo từ khoảng 21% lên khoảng 30%, tăng tỷ trọng nhiệt điện khí từ khoảng 14,7% lên khoảng 22,8% so với Quy hoạch điện VII điều chỉnh. Ước tính kịch bản này sẽ giúp tránh được khoảng 7.600 ca tử vong sớm hàng năm vào năm 2030 so với Quy hoạch điện VII điều chỉnh.

Trước đó, một báo cáo của nhóm nghiên cứu thuộc Đại học Harvard cho biết đến năm 2030, ước tính số trường hợp tử vong sớm do ô nhiễm không khí do các nhà máy nhiệt điện than ở Trung Quốc là khoảng 9.000 người. Tại Việt Nam, số người chết sớm liên quan đến nhiệt điện than là 4.300 người/năm. Nếu các dự án nhiệt điện than đang trong quy hoạch đều được đưa vào vận hành, con số này sẽ có thể tăng lên đến 25.000 người/năm.

Vĩnh Long (T/h)

Xem thêm: