Chiều ngày 4/6, Bộ trưởng Xây dựng Phạm Hồng Hà đăng đàn trả lời chất vấn trước Quốc hội.

le hong ha
Bộ trưởng Xây dựng Phạm Hồng Hà. (Ảnh chụp màn hình)

Nhóm nội dung vấn đề Quốc hội chất vấn Bộ trưởng Xây dựng Phạm Hồng Hà gồm: Công tác lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý thực hiện các dự án đầu tư xây dựng công trình. Quản lý thị trường bất động sản, xử lý bất cập trong quản lý nhà chung cư, căn hộ du lịch (condotel), văn phòng kết hợp lưu trú (officetel), biệt thự du lịch (resort villa). Công tác quy hoạch và quản lý trật tự xây dựng đô thị; việc di dời trụ sở bộ, ngành khỏi nội đô thành phố Hà Nội.

Trách nhiệm của Bộ xây dựng tại hai dự án 8B Lê Trực và khu HH Linh Đàm

Tại phiên chất vấn, ông Nguyễn Thanh Hồng (Bình Dương) – Uỷ viên thường trực Uỷ ban Quốc phòng an ninh đề nghị Bộ trưởng có cam kết trách nhiệm trong phối hợp với TP. Hà Nội để xử lý dứt điểm vi phạm tại tòa nhà 8B Lê Trực và khu HH Linh Đàm.

Trả lời, ông Phạm Hồng Hà khẳng định xử lý vi phạm tại hai dự án trên là trách nhiệm xử lý của TP. Hà Nội, không phải của Bộ Xây dựng.

Bộ trưởng cho hay Hà Nội đang phá dỡ phần vi phạm theo giấy phép. Khi cưỡng chế phá dỡ phần theo chiều dọc, có liên quan đến kết cấu và tính chịu lực của công trình.

Bộ Xây dựng sẵn sàng giúp TP. Hà Nội nếu được yêu cầu để có đánh giá chính xác và đưa ra phương án xử lý cho tốt hơn“, ông nói.

Không đồng tình, đại biểu Hồng tranh luận “Bộ trưởng nói Hà Nội yêu cầu thì Bộ sẽ giúp. Như vậy không đúng vai trò của một bộ quản lý nhà nước” – đại biểu Hồng nói và chất vấn thêm “bao giờ sẽ xử lý sai phạm tại khu HH Linh Đàm“. Ông Hồng cũng đề nghị Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng có cam kết xử lý sai phạm tại nhà 8B Lê Trực.

Trả lời, ông Phạm Hồng Hà cho biết từ tháng 8/2017, Bộ đã có văn bản yêu cầu Hà Nội thực hiện biện pháp và khắc phục hậu quả sai phạm của dự án. Bộ cũng đã giao Cục Giám định nhà nước cùng với Sở Xây dựng đánh giá kết cấu chịu lực.

Chúng tôi luôn chủ động phối hợp với Hà Nội để giải quyết. Nếu Hà Nội tiếp tục có yêu cầu gì thì chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ” – ông Hà nói.

Chất lượng quy hoạch thấp, chưa dự báo tốc độ phát triển kinh tế

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thuý (Đà Nẵng) chất vấn về vấn đề tổ chức đô thị hiện nay, chưa có sự kiểm soát dẫn đến thực trạng nhà siêu mỏng. Trách nhiệm của Bộ Xây dựng và thời gian giải quyết.

Bộ trưởng Xây dựng cho hay hiện Việt Nam có 828 đô thị, tốc độ đô thị hóa đạt 38,5%, các đô thị phát triển nhanh chóng, diện mạo đô thị ngày càng khang trang,…

Về việc chưa có sự kiểm soát dẫn đến thực trạng nhà siêu mỏng, theo ông Hà, nguyên nhân là ở khâu quy hoạch và kiểm soát phát triển đô thị. Chất lượng quy hoạch bộc lộ hạn chế, trong đó chất lượng quy hoạch còn thấp, một số dự báo chưa đúng tốc độ tình hình phát triển, khả năng tăng trưởng dân số, từ đó tính toán sai cấu trúc, không gian, chỉ tiêu về hạ tầng. Điều này dẫn tới dự án đầu tư thiếu căn cứ quy hoạch.

Chất lượng đồ án quy hoạch thiếu điều kiện thực hiện, vẽ ra nhiều nguồn lực đầu tư hạ tầng đồng bộ, nguồn lực giải phóng mặt bằng nhưng thực tế lại rất phức tạp. Chất lượng quy hoạch thấp do hệ thống quy chuẩn, đơn giá, kỹ thuật xây dựng lạc hậu, nên tính toán quy hoạch có sai sót. Khâu tổ chức thực hiện quy hoạch cũng hạn chế, chậm xây dựng, kế hoạch sơ sài. Việc cắm mốc thực địa, công khai quy hoạch, thực hiện quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc sau quy hoạch còn kém.

Ngoài ra, cơ quan quản lý địa phương vẫn còn hạn chế trong kiểm soát trật tự xây dựng đô thị nên xảy ra tình trạng xây nhà cao tầng trong nội đô, khu đô thị không đi kèm quy hoạch hạ tầng.

Giải pháp được Bộ trưởng Xây dựng đưa ra là đảm bảo tính khả thi, kiểm soát thực hiện dự án đầu tư theo đúng quy hoạch, tăng cường quản lý, công bố công khai quy hoạch, tăng cường thanh kiểm tra và xử lý hành vi vi phạm pháp luật.

Số lượng công trình vi phạm trật tự xây dựng vẫn cao

Đại biểu Nguyễn Thanh Hồng (Bình Dương) chất vấn trách nhiệm của Bộ trong việc quản lý trật tự đô thị.

Trả lời, Bộ trưởng Hà cho hay Việt Nam đã có khung pháp luật tương đối đầy đủ các quy định để xử lý hiệu quả các vấn đề về trật tự xây dựng.

Bộ trưởng Xây dựng thông tin năm 2016 có 15.593 công trình vi phạm trật tự xây dựng. Trong đó, công trình không phép là 7.038, sai phép là 5.164 công trình, vi phạm khác là 3.181 công trình. Đến năm 2018, số lượng công trình sai phạm đã giảm còn 10.608.

Bộ trưởng cho rằng các địa phương đã có nhiều cố gắng để kiểm soát, quản lý, hạn chế tình trạng vi phạm trật tự xây dựng. Số lượng vi phạm đã giảm dần so với những năm trước nhưng vẫn ở mức cao, đặc biệt là những hành vi xây dựng không phép, sai phép.

Theo UBND TP. Hà Nội, dự án 8B Lê Trực (phường Điện Biên, quận Ba Đình) “không nằm trong quy hoạch khu trung tâm chính trị Ba Đình” nhưng có một số sai phạm trong quá trình thi công.

Cụ thể, theo UBND thành phố, công trình được xây cao đến đỉnh tum thang là 53 m nhưng chủ đầu tư đã tự ý điều chỉnh tăng chiều cao các tầng, xây dựng thêm tầng 19. Tổng chiều cao thực tế khoảng 69 m (vượt khoảng 16 m, tương đương với 5 tầng).

Theo giấy phép xây dựng, công trình có diện tích sàn 29.874 m2, nhưng chủ đầu tư đã xây 36.000 m2 (tăng khoảng 6.126 m2).

Về khoảng lùi giật cấp, từ tầng 8 của công trình (phía đường Trần Phú kéo dài) phải có khoảng lùi khối cao tầng 3,36 m so với khối đế, song chủ đầu tư không thực hiện mà xây dựng thẳng đến mái. Phần giật cấp đầu hồi phía Đông, theo thiết kế, từ độ cao 44 m công trình giật cấp vào 15 m và tại độ cao 50 m giật cấp tiếp thêm 5,3 m về phía Tây nhưng chủ đầu tư không xây dựng giật cấp, làm tăng diện tích sàn xây dựng.

Tháng 11/2015, TP. Hà Nội bắt đầu phá dỡ sai phạm tại công trình 8B Lê Trực, gần một năm sau đó, việc phá dỡ hoàn thành giai đoạn 1, cắt xong tầng 19.

Trong buổi tiếp xúc với báo chí chiều ngày 29/8/2017, ông Lê Văn Hùng – Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần May Lê Trực – chủ đầu tư cho biết dự án 8B Lê Trực đã có hơn 11 năm kể từ ngày làm thủ tục đầu tư và 3 năm tổ chức phá dỡ khi công trình đang hoàn thiện, dự án vẫn bỏ không, không thể đưa vào khai thác do bị cơ quan chức năng thành phố phong tỏa.

Hoàng Minh – Kim Long – Phạm Toàn

Xem thêm: