Từ ngày 1/7, Sở Xây dựng TP.HCM sẽ áp dụng thí điểm cơ chế một cửa liên thông điện tử trong cấp phép xây dựng để rút ngắn thời gian cấp phép từ 133 ngày xuống còn 42 ngày.

cap phep xay dung
Chương trình thí điểm xin giấy phép xây dựng “một cửa” sẽ được áp dụng tại TP.HCM từ ngày 1/7 tới 31/12/2017. (Ảnh minh họa/dẫn qua vinsteel.vn)

Hiện doanh nghiệp, người dân đến xin cấp phép xây dựng tại Sở Xây dựng phải thông qua 3 bước thủ tục thiết kế cơ sở, thiết kế xây dựng và cấp phép xây dựng.

Theo quy trình thí điểm từ ngày 1/7 tới, ba quy trình nói trên sẽ được gom thành một, thực hiện chế độ một cửa liên thông. Cụ thể, Sở Xây dựng sẽ nhận tất cả hồ sơ tại một đầu mối tại Sở, sau đó tùy theo loại hồ sơ mà Sở sẽ tham khảo các sở ngành liên quan khác như tài nguyên môi trường, phòng cháy chữa cháy, giao thông vận tải, quy hoạch kiến trúc… để thẩm định các điều kiện cấp phép bằng một hệ thống phần mềm điện tử liên thông sử dụng chữ ký số.

Dự kiến, việc này sẽ làm giảm thời gian cấp phép xây dựng từ 133 ngày xuống còn 42 ngày.

Quy chế mới được áp dụng đối với những dự án, công trình thuộc thẩm quyền cấp phép của Sở Xây dựng. Thời gian thí điểm dự kiến kéo dài đến hết ngày 31/12/2017.

Cũng từ ngày 1/7 tới, toàn bộ các sở ngành, quận huyện tại TP.HCM sẽ không còn sử dụng văn bản giấy để trao đổi công việc (trừ một số văn bản dạng đặc thù, văn bản mật). Việc trao đổi thông tin được tiến hành trên mạng, sử dụng chữ ký số.

Năm 2013, Ngân hàng Thế giới (WB) xếp Việt Nam đứng thứ 28/185 quốc gia về chỉ số giải quyết thủ tục cấp giấy phép xây dựng, tăng 39 bậc so với năm 2012. Năm 2014, đứng thứ 29/190 quốc gia; năm 2015 đứng thứ 22/189 quốc gia; năm 2016, tăng thêm 10 bậc, đứng thứ 12/189 quốc gia.

Tuy nhiên, trên Thời báo Kinh tế Sài Gòn (ngày 16/3/2015), Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) – ông Nguyễn Đình Cung cho rằng tính toán trên có thể là dựa theo quy định của văn bản, thay vì trên thực tế vì thực tế thì phức tạp hơn nhiều.

Ông Cung cho biết xin giấy phép xây dựng mới chỉ là 1 trong 5 khâu để thực thiện một dự án, như thủ tục đất đai, đầu tư, đánh giá tác động môi trường, xây dựng.

Chỉ tính riêng khâu thủ tục đất đai cũng phải mất đến gần 2 năm để giải quyết các thủ tục như giải phóng mặt bằng, thanh toán tiền thuê đất…, theo nghiên cứu của CIEM.

Theo Nghị định số 64/2012/NĐ-CP về cấp phép xây dựng, để được cấp giấy phép xây dựng, người dân phải nộp bản vẽ thể hiện tổng mặt bằng, bản vẽ mặt cắt, mặt đứng các tầng điển hình và mặt bằng, bản vẽ mặt cắt móng, các bản vẽ kết cấu chịu lực chính như: móng, khung, tường, mái chịu lực…, bản vẽ hệ thống PCCC…

Những thiết kế này phải do tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện năng lực thực hiện và phải qua cơ quan chuyên môn thẩm định, phê duyệt. Kèm theo bộ hồ sơ phải có giấy tờ về quyền sử dụng đất, chứng nhận phù hợp với quy hoạch chi tiết xây dựng, quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị, thiết kế đô thị được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.v.v…

Nguyễn Quân (T/h)

Xem thêm: