Kiểm toán Nhà nước vừa có báo cáo kiểm toán về hoạt động đầu tư xây dựng, mua nhà, đất phục vụ tái định cư và việc quản lý quỹ nhà, đất tái định cư giai đoạn 2016 – 2020 của TP.HCM.

tai dinh cu tphcm 2
(Ảnh minh họa: J. Nguyễn)

Theo Kiểm toán Nhà nước, báo cáo từ Sở Xây dựng TP.HCM cho hay lũy kế từ năm 2004 – 2016, thành phố đã đầu tư xây dựng, hoàn thành và mua lại tổng cộng 36.566 căn hộ và nền đất để phục vụ cho việc tái định cư; trong đó, giai đoạn 2004 – 2010 có 21.810 căn hộ và nền đất; giai đoạn 2011 – 2016 có 14.565 căn hộ và nền đất.

Tuy nhiên, hoạt động đầu tư xây dựng và mua nhà đất phục vụ tái định cư của thành phố vẫn còn nhiều tồn tại.

Theo kết quả kiểm tra của Kiểm toán Nhà nước, đối với chương trình 30.000 căn hộ, các sở, ngành, quận huyện chưa có kế hoạch cụ thể hóa chương trình đầu tư xây dựng của thành phố. Việc thực hiện dự án đầu tư xây dựng căn hộ chủ yếu do các quận huyện lập và trình thành phố khi có phát sinh. Từ khi triển khai đến nay, thành phố cũng chưa sơ kết đánh giá việc tổ chức thực hiện chương trình mà chủ yếu đánh giá khi có yêu cầu.

Cũng theo Kiểm toán Nhà nước, việc xác định nhu cầu quỹ nhà, đất tái định cư cho dự án còn hạn chế, bất cập dẫn đến việc đầu tư xây dựng và mua quỹ nhà, đất tái định cư những năm qua cao hơn so với thực tế và tồn đọng quỹ nhà tương đối nhiều. Theo thống kê của Sở Xây dựng TP.HCM, số căn – nền còn tồn đọng bằng 56,06% số lượng đã bố trí tái định cư từ năm 2004 đến nay.

Tại dự án tái định cư cho Khu đô thị mới Thủ Thiêm, mặc dù số căn hộ được chủ trương xây dựng là 12.500 căn nhưng thực tế thành phố mới chỉ mua lại 6.714 căn. Trong đó, tính đến ngày 31/8/2017, số lượng căn hộ được bố trí tái định cư chỉ có 1.759 căn (bằng 14,1% so với kế hoạch xây dựng và bằng 26,2% số lượng căn hộ đã mua lại). Hiện thành phố đã xin ý kiến xử lý 3.790 căn hộ hoàn thành nhưng không còn nhu cầu sử dụng chuyển đổi từ phục vụ tái định cư sang nhà ở thương mại và đã được Chính phủ chấp thuận.

Theo Kiểm toán Nhà nước, do hầu hết các quận huyện đều dự báo số lượng nhà, đất cần sắp xếp tái định cư cho các dự án cần giải phóng mặt bằng theo số hộ bị ảnh hưởng toàn bộ (giải tỏa trắng) mà không dựa trên cơ sở hộ gia đình, cá nhân đủ điều kiện được tái định cư hoặc đủ điều kiện nhưng không chọn tái định cư, cũng như trên cơ sở đánh giá tình hình thực hiện tái định cư thực tế qua các năm của các dự án khác. Do đó, quỹ nhà, đất tái định cư được xác định luôn cao hơn so với thực tế thực hiện.

Một số dự án đầu tư xây dựng, mua căn hộ hoàn chỉnh có thời gian đầu tư xây dựng kéo dài, sắp xếp tái định cư chậm (thậm chí một số dự án không sắp xếp được) khiến chi phí vận hành cao, hiệu quả thấp gây lãng phí nguồn vốn đầu tư.

Tại Khu tái định cư Vĩnh Lộc B (huyện Bình Chánh), việc chậm tiến độ đầu tư đã làm phát sinh tăng tối thiểu 519 tỷ đồng (bằng 195,7% so với tổng mức đầu tư ban đầu). Tính đến ngày 28/11/2017 (hơn 7 năm sau khi hoàn thành), dự án mới chỉ sắp xếp tái định cư được 479/1.939 căn hộ (24,7%).

Theo lý giải của Kiểm toán Nhà nước, nguyên nhân dẫn đến số lượng căn hộ được sắp xếp tái định cư của dự án thấp là do quỹ nhà được xây dựng nhiều; hầu hết người dân bị giải tỏa nhà, đất tại các quận nội thành không chấp thuận phương án bố trí tái định cư tại khu vực này do quá xa, hạ tầng đường kết nối từ tỉnh lộ 10 và khu dân cư chưa hoàn chỉnh, khó tìm công ăn việc làm, không thuận tiện mưu sinh.

Do có ít người ở nên phần lớn các căn hộ trống chất lượng xuống cấp, cửa sắt rỉ sét, một số căn mái bị dột thấm, vỉa hè sụt lún, đường nội bộ xuống cấp… làm phát sinh chi phí bảo hành, bảo trì sửa chữa cao khi người dân vào ở. Cùng với đó, việc số lượng người dân vào tái định cư ít, rải rác kéo theo hệ lụy là các công trình công cộng như trường học, phòng khám đa khoa, siêu thị đã hoàn thành nhưng không hoạt động gây lãng phí ngân sách. Hiện thành phố đang chủ trương cho bán đấu giá 1.000 căn hộ, số còn lại sẽ dành dự phòng cho trường hợp thiên tai.

Báo cáo của Kiểm toán Nhà nước cũng chỉ ra nhiều đơn vị quản lý thu tiền bán nhà đất tái định cư không hạch toán theo dõi các khoản nợ phải thu tiền bán nền đất tái định cư vào hệ thống kế toán mà chỉ hạch toán đối với số tiền thực thu, trong khi việc bán nền đất đã phát sinh kéo dài nhiều năm trước, khiến báo cáo tài chính không phản ánh đầy đủ các khoản công nợ phải thu theo quy định.

Kiến Huy

Xem thêm: