Sở TN&MT TP.HCM chỉ ra nhiều điểm hạn chế của công nghệ Nano-Bioreactor do công ty JVE (Nhật Bản) đang áp dụng tại sông Tô Lịch (Hà Nội), nên Sở này chưa áp dụng tại TP.HCM.

dự án làm sạch sông Tô Lịch, sông Tô Lịch
Khu vực dự án làm sạch sông Tô Lịch. (Ảnh: Lê Minh)

Công ty cổ phần Cải thiện môi trường Nhật Việt (JVE) vừa có công văn gửi UBND TP.HCM về đề xuất thay thế các trạm xử lý nước thải dọc tuyến kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè và rạch Xuyên Tâm bằng thiết bị xử lý nước theo công nghệ Nano-Bioreactor đang áp dụng tại sông Tô Lịch (Hà Nội).

Sau khi tham khảo thông tin và tài liệu do Công ty Nhật Việt cung cấp, Sở TN&MT TP.HCM đánh giá đề xuất này chưa đủ cơ sở.

Theo Sở TN&MT, thiết bị của Công ty Nhật Việt chỉ là máy sục khí đơn thuần, để có khả năng phân hủy nước cần thiết kế thêm máy sục ozone tốn rất nhiều năng lượng.

Về khả năng phân hủy bùn, Sở cho rằng lớp bùn được làm sạch trong quá trình sục khí sẽ phụ thuộc vào kết cấu thiết bị, bán kính ảnh hưởng. Lớp bùn sau khi làm sạch có khả năng trôi đi và tái trở thành bùn kỵ khí tại khu vực khác. Bởi vậy để cải tạo lớp bùn này của mỗi con kênh, rạch cần đặt nhiều thiết bị từ đầu đến cuối nguồn nước.

Sở này cũng cho rằng đối với nước kênh rạch là dòng nước luân chuyển nên rất khó đánh giá hiệu quả xử lý của thiết bị Nano-Bioreactor. Chưa kể nếu không kiểm soát tốt nguồn thải vào kênh, khả năng tái ô nhiễm sau khu vực đặt thiết bị là rất cao.

Ngoài ra, công nghệ của Công ty Nhật Việt chưa đáp ứng là thời gian xử lý, phục hồi cần 2 – 3 tháng trong khi nước thải ra hàng ngày. Chưa kể hàm lượng các chất dinh dưỡng (Ni-tơ và Phốt-pho) vốn có nhiều trong nước thải, nhất là nước thải sinh hoạt thì công nghệ này chưa có hướng xử lý.

Vì vậy, Sở này cho rằng cần chờ đợi kết quả thử nghiệm với các số liệu cụ thể rồi mới tính chuyện áp dụng cho xử lý nước kênh rạch ở TP.HCM.

Minh Long

Xem thêm: