Từ giữa năm 2017, sau khi bị Tổng cục môi trường xử phạt hơn 1,5 tỷ đồng, Công ty TNHH xử lý chất thải rắn Việt Nam (VWS) – chủ đầu tư bãi rác Đa Phước vẫn chưa vận hành nhà máy xử lý nước thải.

bai rac da phuoc bi phat
Cuối năm 2016, thành phố đóng của bãi rác Phước Hiệp, Đa Phước trở thành nơi xử lý đến 70% rác dù bị “đội giá” thêm 3 triệu USD mỗi năm. (Ảnh vệ tinh/Google Maps)

Sở TN&MT TP. HCM vừa có văn bản yêu cầu Công ty TNHH xử lý chất thải rắn Việt Nam (VWS) – chủ đầu tư khu xử lý rác Đa Phước (huyện Bình Chánh) sớm đưa nhà máy xử lý nước thải vào vận hành để khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường.

Theo văn bản, nhà máy xử lý nước thải chậm vận hành sẽ làm kéo dài thời gian, không đáp ứng được tiến độ xử lý nước thải, nước rỉ rác đang lưu chứa tại ô chôn lấp. Trong khi đó, nước thải, nước rỉ rác vẫn phát sinh liên tục hàng ngày, đặc biệt khó kiểm soát lượng nước trong mùa mưa sắp tới, khí hậu diễn biến phức tạp.

Bên cạnh đó, Sở đề nghị VWS báo cáo Bộ TN&MT về vấn đề này; đồng thời, không để xảy ra sự cố phát sinh trong quá trình hoạt động.

Ngoài ra, Sở còn đề nghị VWS chấm dứt việc chôn lấp bùn thải nguy hại cùng rác thải sinh hoạt và giải trình về nội dung này, nhanh chóng lập dự án điều chỉnh công nghệ để giảm xử lý rác bằng chôn lấp.

Công ty TNHH Xử lý chất thải Việt Nam (Vietnam Waste Solutions – VWS) là công ty 100% vốn nước ngoài. Dự án khu liên hợp xử lý chất thải rắn Đa Phước có diện tích 128 ha, tổng vốn đầu tư hơn 107 triệu USD. Giai đoạn 1 của dự án có tổng vốn hơn 32 triệu USD, được đưa vào hoạt động từ tháng 11/2007.

Năm 2016, bãi rác Đa Phước được xác định là nguyên nhân gây ra mùi hôi thối ở khu vực Nam Sài Gòn (rõ nhất vào tháng 8, tháng 9), ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, cuộc sống, sinh hoạt của dân cư.

Giữa năm 2017, Tổng cục Môi trường đã ký quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền hơn 1,58 tỷ đồng đối với VWS vì hàng loạt sai phạm. Cụ thể:

Công ty không xây lắp công trình bảo vệ môi trường theo quy định, không xây lắp bổ sung công trình xử lý nước thải cho dự án để nâng công suất xử lý chất thải rắn sinh hoạt từ 3.000 tấn/ngày lên 10.000 tấn/ngày, dẫn đến công ty đang lưu giữ trái quy định 700.000 m3 nước rỉ rác, gây ô nhiễm môi trường xung quanh.

Công ty không thu gom, lưu giữ nước rỉ rác tại hồ chứa nước rỉ rác tập trung theo cam kết mà lưu giữ nước rỉ rác tại ô chôn lấp số 2; không có Giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường phục vụ giai đoạn vận hành; xả nước thải vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải từ 1,5 lần đến dưới 3 lần.

Đến tháng 10/2017, người dân sống quanh cùng tới cổng công ty VWS phản đối chủ đầu tư vì cho rằng ngoài việc công ty gây ảnh hưởng tới sức khỏe còn làm chết thủy hải sản của người dân.

Ngày 30/1/2018, theo kế hoạch của UBND huyện Bình Chánh, huyện sẽ tổ chức hội nghị công bố kết quả giám định nguyên nhân gây ô nhiễm nguồn nước xung quanh bãi rác. Tuy nhiên, buổi làm việc đã hoãn để chờ ý kiến của UBND thành phố.

Trần Tâm

Xem thêm: