Đại diện Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên Môi trường) cho hay gang xỉ của Formosa đang được coi là phế liệu, không phải để thải ra môi trường nên không áp dụng theo tiêu chuẩn của chất thải. Dù vậy, cơ quan này vẫn yêu cầu hai bên tạm dừng giao-nhập phế liệu để kiểm tra toàn diện.

formosa
Chất thải rắn của Formosa tại Hà Tĩnh. (Ảnh: NH.)

Chiều ngày 10/5, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) tổ chức họp báo trao đổi thông tin về việc một số công ty ở Thái Nguyên nhập phế liệu được cho là nguy hại của Công ty TNHH gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (FHS) để tái chế.

Tại cuộc họp báo, ông Hoàng Văn Thức – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường cho biết Tổng cục Môi trường đã có văn bản yêu cầu Công ty TNHH đầu tư phát triển MHD VN dừng chuyển giao xỉ gang của Formosa về cung cấp cho các đơn vị trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên; đồng thời, tổng cục này cũng thông báo cho Formosa dừng giao xỉ gang cho Công ty MHD.

Theo ông Thức, Tổng cục Môi trường sẽ phối hợp với tỉnh Thái Nguyên kiểm tra lại, đơn vị nào làm không đúng sẽ phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật. Cơ quan này cũng sẽ lập đoàn kiểm tra toàn diện việc chuyển giao xỉ gang Formosa của Công ty MHD.

Về việc các cơ sở nhập phế liệu gang xỉ của Formosa Hà Tĩnh thiếu hóa đơn chứng từ theo báo cáo của cơ quan tại Thái Nguyên, Phó Tổng cục trưởng Hoàng Văn Thức cho biết đã yêu cầu các cơ sở nêu trên tạm dừng hoạt động và sẽ cử đoàn kiểm tra lên Thái Nguyên để đánh giá cụ thể mức độ vi phạm, nếu vi phạm sẽ có hình thức xử lý phù hợp. “Ngoài ra, trong quá trình tái chế, vận chuyển, bảo quản cũng có thể phát sinh ra chất thải nguy hại nên tới đây đoàn kiểm tra sẽ làm rõ”, ông Thức nói.

Trả lời câu hỏi về việc Công ty MHD đã chuyển giao xỉ gang cho 3/6 cơ sở không có chức năng tuyển xỉ gang tại Thái Nguyên là đúng hay sai, ông Nguyễn Thượng Hiền – Vụ trưởng Vụ quản lý chất thải (Bộ TN-MT) cho hay khi cho phép Công ty MHD chuyển giao xỉ gang của Formosa, Tổng cục Môi trường đã yêu cầu phải thực hiện đúng theo quy định của luật Bảo vệ môi trường; cam kết quá trình chuyển giao các phương tiện, thiết bị thu gom, vận chuyển phải đảm bảo đủ điều kiện an toàn theo quy định. Khối lượng thu gom, chuyển giao của công ty MHD là 70.000 tấn/năm, chỉ được chuyển giao cho đơn vị trực tiếp sản xuất gang thép.

Những cơ sở tiếp nhận xỉ gang của Formosa làm nguyên liệu sản xuất gang thép cũng phải đảm bảo các điều kiện như có báo cáo đánh giá tác động môi trường, đề án bảo vệ hoặc kế hoạch bảo vệ môi trường hoặc hồ sơ, giấy tờ tương đương của cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, trong đó có nội dung sử dụng phế liệu gang thép làm nguyên liệu sản xuất; nếu chưa đủ các điều kiện trên phải xin phép cơ quan có thẩm quyền cho phép. Việc các cơ sở được công ty MHD chuyển giao xỉ gang không có hồ sơ về môi trường, ông Hiền khẳng định là không đúng theo văn bản cho phép của Bộ TN-MT.

Ông Hiền nói gang xỉ khử lưu huỳnh của Formosa có chứa 71,6% là sắt nên được pháp luật khuyến khích tái sử dụng làm nguyên liệu sản xuất thép. Gang xỉ khử lưu huỳnh này nếu thải ra ngoài môi trường thì mới được xem là chất thải. Việc Sở TN-MT Thái Nguyên dùng độ pH để xác định phế liệu trên thuộc diện chất thải nguy hại là “không phù hợp”.

QCVN 07:2009/BTNMT được sử dụng để kiểm soát chất thải ra môi trường, không được sử dụng để đánh giá đối với phế liệu làm nguyên liệu sản xuất. Các cơ sở tái chế, tái sử dụng gang xỉ (sau khi đã thu hồi sắt) nếu có phát sinh chất thải thì sẽ quản lý theo quy định của pháp luật về chất thải.

Ông Hiền lý giải độ kiềm (giá trị pH) trong gang xỉ cao thực chất là lượng vôi dư và hợp chất của Canxi (Ca); lượng vôi dư này còn có tác dụng xử lý khi thải (SOx) nếu gang xỉ này sử dụng trong lò điện hồ quang để sản xuất thép.

Trước đó, Sở TN-MT tỉnh Thái Nguyên đã báo cáo Bộ TN-MT về kết quả mẫu xỉ gang, bùn thải của Formosa chuyển lên cơ sở ở Thái Nguyên để tái chế, tái sử dụng phế liệu có giá trị pH vượt ngưỡng nguy hại theo QCVN 07:2009/BTNMT.

Sở TN-MT tỉnh Thái Nguyên cho biết Formosa Hà Tĩnh đã chuyển giao gang xỉ cho Công ty TNHH đầu tư phát triển MHD Việt Nam (Công ty MHD) để tiếp tục chuyển giao cho 6 cơ sở tại Thái Nguyên sử dụng làm nguyên liệu sản xuất.

Theo Sở TN-MT Thái Nguyên, có 3/6 cơ sở không có chức năng nghiền tuyển gang xỉ là Công ty CP Công nghiệp Bắc Thái, Công ty TNHH Minh Bạch và Công ty CP Cơ khí Gang thép.

Trong đó, Công ty TNHH Minh Bạch và Công ty CP Cơ khí Gang thép có hợp đồng mua gang xỉ từ Công ty MHD nhưng chưa nhận chuyển giao gang xỉ. Công ty Bắc Thái đã lắp đặt 1 giàn tuyển xỉ gang, hoạt động không phù hợp với hoạt động sản xuất đã nêu trong đề án bảo vệ môi trường được phê duyệt. Tại thời điểm kiểm tra, Công ty Bắc Thái đã nhập về 8.995 tấn, trong đó có 5.995 tấn đã có hoá đơn xuất trình, còn khoảng 3.000 tấn chưa xuất trình được hoá đơn.

Hai cơ sở là hộ kinh doanh Nguyễn Văn Sơn và Nguyễn Văn Kiên mua gang xỉ từ Công ty MHD nhưng thông qua đơn vị trung gian khác.

Kết quả phân tích mẫu gang xỉ tại Công ty TNHH sản xuất và thương mại Trường Huy, mẫu bùn thải sau tuyển tại Công ty CP Công nghiệp Bắc Thái cho thấy giá trị pH đều vượt ngưỡng nguy hại theo QCVN 07:2009/BTNMT. 

Trong công văn số 495/CAT-CSMTr ngày 6/4/2019 do Đại tá, Giám đốc Công an tỉnh Hà Tĩnh Võ Trọng Hải ký gửi UBND tỉnh Hà Tĩnh, Công an tỉnh Hà Tĩnh (Bộ Công an) cho biết: “Quá trình hoạt động của dự án Formosa phát sinh rất nhiều loại chất thải, được phân thành 14 nhóm và 64 danh mục với hàng nghìn tên chất thải; tổng khối lượng chất thải rắn phát sinh hằng năm là 3.360.500 tấn.

Trong đó, các loại bùn thải, xỉ thép phát sinh và tồn kho với khối lượng rất lớn, cụ thể: Bùn cán nóng phát sinh 35 tấn/ngày, lượng tồn kho 10.700 tấn; bùn phối trộn tồn kho 28.737 tấn; bùn lò cao phát sinh 200 tấn/ngày, lượng tồn kho 70.000 tấn; bùn lò chuyển phát sinh 303 tấn/ngày, từ khi đi vào hoạt động đến nay lượng bùn này phát sinh khoảng 128.000 tấn, được tái sử dụng sản xuất, xỉ thép phát sinh 2.500 tấn/ngày, lượng xỉ thép đang lưu trữ tại dự án (tồn kho) khoảng 780.000 tấn”.

Tuy nhiên, Công an Hà Tĩnh cho biết các kết quả phân tích vượt ngưỡng, Formosa không cung cấp cho cơ quan chức năng theo dõi, quản lý; tên các loại chất thải (“bùn quặng”, “bùn khoáng”…) không thể hiện đúng bản chất…

Công văn của Công an Hà Tĩnh đề nghị Bộ TN-MT, các bộ ngành chức năng tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, hướng dẫn và yêu cầu Formosa phân loại xử lý các loại chất thải theo đúng nội dung cam kết trong báo cáo ĐTM và quy định pháp luật về bảo vệ môi trường.

Nguyễn Quân

Xem thêm: