Hạn chót VEC phải bãi bỏ quy định từ chối phục vụ xe đi vào cao tốc là ngày 28/2.

cao toc tp hcm long thanh dau giay
Tuyến cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây. (Ảnh: VECE)

Chiều 14/2, Tổng cục Đường bộ Việt Nam (Bộ GTVT) cho biết Tổng cục đã có văn bản gửi Tổng công ty đầu tư và phát triển cao tốc (VEC) yêu cầu rà soát quy định về quản lý, vận hành khai thác và bảo trì đường cao tốc do đơn vị này quản lý; đặc biệt là quyết định số 13 ngày 10/1 và bãi bỏ, sửa đổi, bổ sung quy định để phù hợp với pháp luật hiện hành.

VEC có trách nhiệm báo cáo kết quả thực hiện công việc trên về Tổng cục Đường bộ trước ngày 28/2.

Theo Tổng cục đường bộ Việt Nam, trong quyết định số 13 ngày 10/1, VEC đã đưa ra một số quy định từ chối phục vụ từ 1 đến 7 ngày với các xe dừng đỗ sai quy định trên cao tốc, vứt rác trên cao tốc, gian lận thẻ,…; từ chối phục vụ từ 30 ngày đến 60 ngày đối với xe có hành vi vượt trạm, cản trở nhân viên trạm thu phí.

Đến ngày 11/2, công ty cổ phần dịch vụ kỹ thuật đường cao tốc Việt Nam (VEC E) căn cứ trên quy định số 13 đã thông báo từ chối phục vụ vĩnh viễn đối với hai phương tiện có biển số 51A – 558.50 và 51G – 772.56. Lãnh đạo VEC E cho rằng những người đi trên 2 phương tiện này đã có hành vi gây rối tại trạm thu phí Long Phước trên tuyến cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây.

Tuy nhiên, qua rà soát lại chúng tôi thấy rằng không có quy định pháp luật nào về từ chối vĩnh viễn phương tiện. Nếu VEC ban hành quyết định như vậy là sai thẩm quyền, trái quy định pháp luật và phải thu hồi lại” – Tổng cục đường bộ Việt Nam cho hay.

Ngoài ra, Tổng cục Đường bộ cũng yêu cầu VEC thông báo kịp thời, phối hợp với các lực lượng chức năng để xử lý, bảo đảm trật tự an toàn giao thông, an ninh và xử lý tai nạn, sự cố trên đường cao tốc. Kiểm tra, giám sát công tác bảo đảm an toàn giao thông trên các đường cao tốc do VEC quản lý, khai thác theo quy định tại Điều 14 Nghị định số 32/2014 của Chính phủ về quản lý, khai thác và bảo trì công trình đường cao tốc; Nghị định số 46/2016 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt.

Trước đó, sau khi có phản ảnh từ Tổng cục Đường bộ, ngày 12/2, VEC cho biết việc từ chối phục vụ vĩnh viễn hai phương tiện trên mới là đề xuất từ đơn vị quản lý tuyến cao tốc là Công ty Cổ phần Dịch vụ kỹ thuật đường cao tốc Việt Nam (VEC E). Còn VEC chưa ra quyết định cấm hai phương tiện này.

Được biết, hiện VEC đang quản lý các tuyến cao tốc dài nhất cả nước, gồm tuyến Nội Bài – Lào Cai, Cầu Giẽ – Ninh Bình, Long Thành – Dầu Giây, Đà Nẵng – Quảng Ngãi.

Kim Long

Xem thêm: