Sở GTVT TP.HCM vừa phê duyệt phương án đốn hạ, di dời 258 cây xanh trên đường Tôn Đức Thắng (quận 1) để bàn giao mặt bằng xây dựng cầu Thủ Thiêm 2. Tổng kinh phí lên đến hơn 7,3 tỷ đồng.

chat cay
Đường Tôn Đức Thắng được xem là một trong những tuyến đường có cây xanh đẹp nhất Việt Nam hiện nay. (Ảnh: Thục Hiền)

Theo đó, toàn bộ kinh phí phụ vụ việc di dời 115 cây và đốn hạ 143 cây. Các cây sẽ được đốn hạ và di dời từng đợt, theo giai đoạn thi công dự án.

Số cây xanh di dời được bứng dưỡng về lâm viên trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, sau đó sẽ trồng trở lại. Lượng gỗ từ các cây bị chặt dùng để làm các sản phẩm phục vụ mục đích công cộng như bàn, ghế, sản phẩm điêu khắc.

258 cây xanh bị giải tỏa nằm trên đoạn từ đường Lê Duẩn đến bờ sông Sài Gòn và trên vỉa hè phía bên trái đường Tôn Đức Thắng, đoạn từ cảng Ba Son đến công trường Mê Linh.

Trong tháng 8/2017, Sở GTVT sẽ xử lý 63 cây xanh trên đường Tôn Đức Thắng (đoạn từ đường Nguyễn Hữu Cảnh đến bờ sông), trong đó di dời 20 cây, đốn hạ 43 cây để thi công cầu Thủ Thiêm 2. Số cây còn lại sẽ chặt hạ, di dời từ cuối năm 2017 đến tháng 5/2018.

Tổng diện tích khu vực có cây xanh bị di dời, đốn hạ lần này vào khoảng 22.104 m2, sau đó sẽ trồng mới 373 cây xanh trên diện tích 26.081 m2.

Dự án cầu Thủ Thiêm 2 khởi công từ tháng 2/2015, kết nối giao thông giữa trung tâm TP và khu đô thị mới Thủ Thiêm với tổng vốn đầu tư khoảng 3.100 tỷ đồng.

Hơn một năm trước, trao đổi với Báo Người Đô Thị (14/4/2016), KTS Ngô Viết Nam Sơn cho hay vẫn có phương án khác để tránh phải đốn hạ, di dời gần 300 cây xanh trên đường Tôn Đức Thắng trong dự án cầu Thủ Thiêm 2.

Vị chuyên gia về kiến trúc và quy hoạch nhận định có thể chọn xây cầu qua trục Tôn Đức Thắng 4 làn xe, nhỏ hơn hiện nay và tĩnh không không quá cao và xây thêm cầu tại trục Hàm Nghi. Như vậy, vẫn đáp ứng được nhu cầu đi trực tiếp từ lõi trung tâm Thủ Thiêm sang trung tâm hiện hữu, với chiều dài tương tự cầu qua trục Tôn Đức Thắng. Nếu thực hiện được như vậy thì ít phải chặt cây trong khi bài toán giao thông xử lý còn được tốt hơn.

Đến tháng 8/2017, TS. Đinh Quang Diệp, nguyên Trưởng Bộ môn Cảnh quan và Kỹ thuật hoa viên, Đại học Nông Lâm TP.HCM khẳng định đối với những cây ở đây có đường kính quá lớn (trên 50 cm), việc bứng dời là không thể vì bộ rễ đã không còn nguyên vẹn, cây sẽ chết hoặc sống lay lắt. Với những cây sống được thì nguy cơ ngã đổ cũng rất cao.

Nguyễn Quân

Xem thêm: