Tại một số tỉnh phía Nam giáp biên giới với Campuchia đang liên tiếp xảy ra hàng chục vụ nhập lậu lợn với số lượng hàng ngàn con. 

nhập lậu lợn
Tiêu hủy 56 con lợn nhập lậu từ Campuchia sang huyện Tân Hưng, tỉnh Long An. (Ảnh: baolongan.vn)

Gần đây nhất, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Hưng (tỉnh Long An) và Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện vừa tiêu hủy 56 con lợn nhập lậu từ Campuchia.

Số lợn bị tiêu hủy có tổng trọng lượng gần 4,5 tấn, bị Công an huyện Tân Hưng phát hiện, bắt giữ vào ngày 12/12 khi đang được vận chuyển từ hướng Campuchia vào xã biên giới Hưng Điền, huyện Tân Hưng.

Do toàn bộ số lợn không có nguồn gốc, xuất xứ, để đảm bảo an toàn, tránh nguy cơ dịch bệnh dịch tả lợn Châu Phi tái bùng phát trên địa bàn huyện, lực lượng chức năng đã tiêu hủy toàn bộ số lợn trên.

Tại Đồng Tháp, ngày 16/12, Đồn biên phòng Thông Bình phát hiện 3 người dùng xe tự chế vận chuyển 32 con lợn (tổng trọng lượng trên 2,2 tấn) không rõ nguồn gốc.

Tối ngày 6/12, Công an huyện Hồng Ngự tổ chức tiêu hủy 4 con lợn (tổng trọng lượng 320 kg) nhập lậu từ biên giới vào, trong đó 1 con đã chết. Số lợn này do ông Lê Văn Đạt (ngụ xã Thường Phước 1) mua từ một người đàn ông ở tỉnh Prây veng, Campuchia để bán chênh lệch.

Ngày 5/12, Đồn biên phòng cửa khẩu quốc tế Thường Phước bắt giữ 2 người dùng xe tự chế vận chuyển trái phép 7 con lợn (tổng trọng lượng khoảng trên 700 kg), từ phía Campuchia vào Việt Nam.

Trước đó, trong tháng 11, hơn 4.100 con lợn nhập lậu từ Campuchia bị bắt giữ trên các tuyến biên giới.

Trong đó, tại tỉnh An Giang, lực lượng chức năng bắt 15 vụ nhập lậu heo từ Campuchia về với số lượng 4.000 con. Tỉnh Long An đã tiêu hủy hơn 100 con heo nhập lậu từ Campuchia về, với tổng trọng lượng gần 10 tấn…

Với cơ cấu tiêu thụ thịt chênh lệch (tại Việt Nam, 70% lượng thịt tiêu thụ là thịt lợn, trong khi tỷ lệ này tại các nước phát triển là 20-30%), nguồn cung khan hiếm đẩy giá lên cao khiến tình trạng nhập lậu gia tăng.

Theo dự báo mới nhất của Bộ Công thương, trong tháng 12/2019 và tháng 1/2020 (thời điểm Tết Nguyên đán), cả nước sẽ thiếu khoảng 600.000 tấn thịt lợn. Lượng thịt lợn nhập khẩu trong 10 tháng năm 2019 là 96.000 tấn thịt lợn (tổng trị giá hơn 108 triệu USD), tăng gấp 6,7 lần so với cả năm 2018, song theo Bộ Công thương, lượng thịt nhập khẩu chưa đủ bù lượng thiếu hụt theo nhu cầu trong dịp Tết.

Hiện giá lợn hơi tại các trang trại ở khu vực phía Nam lên mức 93.000-95.000 đồng/kg, cao nhất từ trước đến nay.

Bắt đầu xuất hiện từ tháng 2/2019, bệnh dịch tả lợn châu Phi sau đó lan rộng ra 63 tỉnh, thành trong cả nước (8.296 xã, thị trấn thuộc 660 huyện).

Tổng số lợn phải tiêu hủy là trên 5,7 triệu con, tổng trọng lượng hơn 327.000 tấn. Ngoài ra, ngành chăn nuôi khuyến cáo người dân tạm dừng việc tái đàn… Đàn lợn ở Việt Nam hiện giảm hơn 19% so với cùng kỳ năm trước.

Sơn Nguyên

Xem thêm: