Bộ Công an cho biết đã đề xuất và được Thủ tướng đồng ý báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép lùi thời gian trình dự thảo Luật Biểu tình.

bieu tinh phan doi luat dac khu
Người dân tại TP.HCM biểu tình phản đối dự luật Đặc khu, tháng 6/2018. (Ảnh: AEKKAVICH/Shutterstock)

Trong bản tổng hợp trả lời kiến nghị của cử tri sau kỳ họp thứ 8, để chuẩn bị cho kỳ họp thứ 9 Quốc hội khoá 14 (khai mạc ngày 20/5), Bộ Công an cho biết đã giải đáp đề nghị của cử tri tỉnh Bình Thuận về việc xem xét sớm trình Quốc hội ban hành Luật Biểu tình.

Bộ này cho hay thực hiện chỉ đạo của Chính phủ hồi tháng 3/2020, Bộ Công an đã phối hợp với các cơ quan chức năng, tổng kết 10 năm thực hiện Nghị định số 38/2005 quy định một số biện pháp bảo đảm trật tự công cộng; khảo sát thực tế, nghiên cứu tham khảo kinh nghiệm một số nước như Nga, Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan… để xây dựng Luật Biểu tình.

Dự thảo Luật này đã được các bộ, ngành tham gia ý kiến, Bộ Tư pháp thẩm định, các thành viên Chính phủ cho ý kiến. “Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vấn đề vướng mắc, chưa thống nhất cao về những trường hợp áp dụng, trường hợp nào không được tổ chức, tham gia biểu tình, thẩm quyền cho đăng ký biểu tình…”, Bộ Công an nêu trong văn bản trả lời.

Tuy nhiên, dự luật “vẫn còn nhiều vấn đề vướng mắc, chưa thống nhất cao về đối tượng áp dụng, những trường hợp không được tổ chức, tham gia biểu tình, thẩm quyền cho đăng ký biểu tình…”, theo Bộ Công an, và cần xây dựng luật sao cho “không để các thế lực thù địch, phản động lợi dụng sự thiếu chặt chẽ của luật mà xuyên tạc, hoạt động chống phá”. 

Cũng theo bộ này, để thực hiện có hiệu quả Luật Biểu tình, nhiều các đạo luật có liên quan cần phải hoàn thiện, như Luật Tình trạng khẩn cấp, Luật Quản lý sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ…

Do đó, Bộ Công an cho biết đã đề xuất và được Thủ tướng đồng ý báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép lùi thời gian trình dự thảo luật để có thêm thời gian nghiên cứu, thống nhất nội dung và hoàn thiện sau đó sẽ trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến theo quy định.

Tuy nhiên, văn bản trả lời của Bộ Công an không nêu lùi dự án luật này đến khi nào.

Gần 9 năm trước, vào tháng 11/2011, Quốc hội thông qua nghị quyết đưa dự án Luật Biểu tình vào chương trình xây dựng luật và pháp lệnh của Quốc hội nhiệm kỳ khóa 13.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã giao cho Bộ Công an chịu trách nhiệm soạn thảo Luật Biểu tình.

Tháng 6/2015, Ủy ban thường vụ Quốc hội lùi thời gian trình dự án Luật Biểu tình từ kỳ họp thứ 9 sang kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa 13 (dự kiến tháng 3/2016).

Đến tháng 2/2016, Bộ trưởng Tư pháp đề nghị Quốc hội cho phép lùi dự án Luật Biểu tình từ kỳ họp cuối của Quốc hội khóa 13 (tháng 3/2016) sang chương trình kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa 14 (cuối năm 2016).

Tháng 7/2016, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng nhiều vấn đề quan trọng trong dự luật này vẫn còn có ý kiến khác nhau, nên chưa đủ cơ sở để báo cáo Quốc hội đưa dự án này vào chương trình.

Tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tháng 4/2017, Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long cho biết dự án Luật này do Bộ Công an chủ trì soạn thảo nằm trong chương trình xây dựng luật và pháp lệnh năm 2015 và năm 2016, hiện đã đến giai đoạn chuyển sang Bộ Tư pháp thẩm định. Tuy nhiên, nội dung luật chưa đạt yêu cầu nên rút lại.

Gần đây nhất, sáng ngày 21/4/2020, tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết Bộ Công an vẫn đang tiếp tục phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan xây dựng dự án Luật Biểu tình.

Xuân Tường