Bộ Tài chính cho rằng tiền công đức là tiền mặt nếu chưa sử dụng thì cần gửi vào Kho bạc Nhà nước hoặc Ngân hàng Thương mại để “an toàn, minh bạch”.

le hoi den hung
Người dân thả tiền vào Giếng Ngọc tại Lễ hội đền Hùng hồi năm 2017 để cầu may, mặc dù đã có biển ghi rõ “Đề nghị không thả tiền xuống giếng”. (Ảnh: CTV/Trí Thức VN)

Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 04/2023/TT-BTC hướng dẫn quản lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội.

Đây là văn bản pháp lý đầu tiên quy định cụ thể về quản lý, thu chi tiền công đức, có hiệu lực từ ngày 19/3.

Với lễ hội do cơ quan nhà nước tổ chức, nếu tiền công đức được chuyển khoản hoặc qua hình thức thanh toán điện tử, người tiếp nhận phải mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước hoặc Ngân hàng Thương mại để phản ánh việc tiếp nhận, quản lý và sử dụng.

Nếu công đức là tiền mặt, người tiếp nhận mở sổ ghi chép đầy đủ.

Tiền trong hòm công đức phải kiểm đếm hàng ngày hoặc hàng tuần, ghi tổng số tiền. Các khoản tiền đặt không đúng nơi quy định tại di tích cũng được thu gom, kiểm đếm.

Đối với số tiền mặt tạm thời chưa sử dụng, Bộ Tài chính cho rằng cần gửi vào tài khoản mở tại Kho bạc Nhà nước hoặc Ngân hàng Thương mại để bảo đảm việc quản lý an toàn, minh bạch.

Người tiếp nhận công đức bằng giấy tờ có giá hoặc kim khí quý, đá quý cũng phải mở sổ ghi chép.

Với di tích đồng thời là cơ sở tôn giáo (chùa, nhà thờ, nhà nguyện, thánh thất, thánh đường, trụ sở tổ chức tôn giáo) và di tích đồng thời là cơ sở tín ngưỡng (đình, đền, miếu, nhà thờ dòng họ), người đại diện tự quyết định và chịu trách nhiệm về tiếp nhận, quản lý, sử dụng tiền công đức, tài trợ.

Dự thảo thông tư này được Bộ Tài chính xây dựng từ đầu năm 2021, qua nhiều lần chỉnh sửa. Ban đầu, Bộ Tài chính đề xuất khi số tiền công đức từ 100 triệu đồng, cơ sở quản lý di tích phải nộp vào tài khoản ngân hàng hoặc Kho bạc Nhà nước. Tuy nhiên, sau đó đề xuất này bị bỏ.

Minh Long