Gần đây, người dân Việt Nam thật sự hoang mang khi đọc được thông báo về việc bắt cóc mổ cướp nội tạng do Công an Si Ma Cai tỉnh Lào Cai ban hành. Vậy việc mổ cướp nội tạng những người đang sống có tồn tại không, đặc biệt là ở Việt Nam?

Theo thông báo ban hành của Công an Si Ma Cai ngày 2/8, “Tại địa phận giáp ranh Việt Nam – Trung Quốc, tỉnh Hà Giang trong 6 tháng đầu năm 2016 đã xảy ra 16 vụ/16 nạn nhân bị bắt cóc, mổ lấy nội tạng (gan, thận, tim, mắt) …”

mo cuop noi tang

Trả lời với phóng viên Soha, ông Hoàng Tiến Bình, Trưởng Công an huyện Si Ma Cai (Lào Cai) cho biết:

“Đây là văn bản thật, thực tế, trên địa bàn huyện chúng tôi từ trước đến nay chưa từng xảy ra vụ việc bắt cóc, mổ lấy nội tạng nào. Còn ở đây mục đích thông báo chỉ là nhằm khuyến cáo để tuyên truyền, giúp người dân nâng cao tinh thần cảnh giác, đấu tranh với tội phạm”.

Thực hư về số liệu 16 nạn nhân bị bắt cóc mổ lấy nội tạng tại Hà Giang hiện nay chưa rõ. Nhưng trên thực tế có tồn tại thị trường tạng đen tại Việt Nam và đường dây môi giới ghép tạng xuyên biên giới Việt – Trung.

Loạn thị trường ghép tạng Việt Nam

Vào khoảng tháng 5/2016, thị trường ghép tạng Việt Nam trở nên “nóng” hơn bao giờ hết, đặc biệt sau ca ghép tạng xuyên Việt (chuyển tạng từ bệnh viện Chợ Rẫy, TP. HCM ra để ghép cho bệnh nhân tại bệnh viện Việt Đức, Hà Nội) vào ngày 6/4. Sau đó, Bộ Y tế vận động người dân hiến tạng, Bộ trưởng Nguyễn Kim Tiến dự tính mua máy bay trực thăng để vận chuyển tạng và tổ chức giao lưu trực tuyến…

Cùng với các sự kiện mang tính chính quy và công khai do cơ quan chức năng quản lý, các hoạt động ngầm không nằm trong tầm kiểm soát hoặc gian lận, liên quan đến ghép tạng dường như cũng theo trào lưu đó mà phát triển rầm rộ hơn.

Giữa tháng 1/2016, báo Tuổi Trẻ và một số trang tin khác đưa tin, nhiều bạn đọc đã gửi thông tin phản ánh về việc xuất hiện một trang web đi kèm với một trang Facebook, tự nhận là “Tổ chức hiến tặng mô VN” và kêu gọi đăng ký hiến tạng. Nhiều người đã điền vào mẫu đơn đăng ký với các thông tin cá nhân nhưng không nhận được phản hồi. Trên trang Facebook này cũng xuất hiện nhiều câu hỏi tỏ vẻ quan tâm về trình tự hiến tạng như thế nào. Nhưng điều đáng nói là các cơ quan chức năng không thừa nhận tổ chức này.

Cũng theo Tuổi Trẻ, ngày 04/01/2016, Bộ Công an đã thành lập ban chuyên án BT914 để bóc gỡ đường dây buôn thận xuyên quốc gia. Quá trình điều tra, C45 đã xác định được nhiều đối tượng tham gia ở các địa bàn khác nhau, bao gồm cò môi giới, bác sĩ và lãnh đạo của bệnh viện.

Trước đó, nhiều trường hợp tự mua bán thông qua cò nội tạng cũng được truyền thông đưa tin.

Gần đây nhất là vụ thỏa thuận mua thận với giá 300 triệu đồng do một người tên Hiệp làm lái xe taxi trước cổng bệnh viện Việt Đức đứng ra môi giới giữa một nam thanh niên 26 tuổi (quê Đoan Hùng, Phú Thọ) bán cho một gia đình có nhu cầu ở Nam Định.

Đầu tháng 12/2015, báo Năng Lượng Mới đưa tin về việc Phó phòng Cảnh sát Hình sự (PC45 – Công an TP Hà Nội) cho biết trong buổi họp giao ban, rằng trên địa bàn thủ đô đã xuất hiện những vụ mua bán thận với giá 150-200 triệu đồng. Trước đó, vào tháng 7/2015, Cục Cảnh sát hình sự (C45) đã phá đường dây môi giới bán thận của Nguyễn Việt Dũng (32 tuổi), trú tại Hải Phòng.

Số trường hợp giao dịch trót lọt chắc chắn lớn hơn rất nhiều so với số bị bắt. Nhiều trường hợp chỉ phát hiện ra khi người bán bị biến chứng. Đầu mối cho các phi vụ như thế này đôi khi là những xe ôm trước cửa bệnh viện, lái xe taxi, thậm chí là những người nhà chăm sóc bệnh nhân ghép tạng tại bệnh viện. Như trường hợp của người phụ nữ tên Lụa, quê Thái Bình được báo Năng Lượng Mới đưa tin vào tháng 9/2012 trong phóng sự “Tôi đi bán thận”. Theo đó, sau hơn 2 năm ‘lăn lộn thực tế’ chăm chồng chạy thận tại bệnh viện Việt Đức, chị không còn đủ tiền chi trả thuốc men, và đã tham gia vào đường dây mua bán thận xuyên Việt…

Ghép tạng là một lĩnh vực không chỉ nhạy cảm vì góc độ y đức và nhân văn, mà còn vì đó là ngành công nghệ cao, đòi hỏi sự thăm khám, xét nghiệm để sàng lọc rất kỹ lưỡng nhằm hạn chế rủi ro cho cả người cho tạng lẫn người nhận. Nếu trường hợp người cho tạng mắc phải các bệnh ung thư, viêm gan B, tiểu đường, sức khỏe không đủ tiêu chuẩn hoặc bị các bệnh truyền nhiễm khác… thì các bác sĩ có thể sẽ từ chối.

Các trường hợp môi giới chui lủi thường không cung cấp đúng hết các thông tin cần thiết, thực hiện gấp gáp hoặc thậm chí xét nghiệm, phẫu thuật tại các cơ sở kỹ thuật không đầy đủ khiến rủi ro càng cao hơn nữa.

Trang Lào Cai Online hôm 11/8 vừa qua dẫn lời Phó giáo sư – Tiến sĩ Nguyễn Tiến Quyết, nguyên Giám đốc bệnh viện Việt Đức khẳng định:

Để chuẩn bị lấy tạng ra khỏi ổ bụng, các bác sĩ phải đặt các đường ống truyền để bơm dung dịch đặc biệt vào để rửa tạng, và khi tạng đã được lấy ra khỏi cơ thể thì vẫn phải được rửa bằng môi trường được làm lạnh”.

Tạng phải được bảo quản ở trong nhiệt độ 3-4 độ C, và được ngâm trong dung dịch bảo quản đặc biệt. Để bảo quản được tạng và lấy tạng ghép cho người khác thì yêu cầu đầu tiên là ca mổ lấy tạng phải được thực hiện trong điều kiện môi trường vô trùng tuyệt đối, với những máy mọc đặc biệt, dung dịch đặc biệt, tạng được bảo quản trong thời gian 5 – 10 – 15 giờ…”.

Như vậy có thể thấy rằng, để một ca ghép tạng diễn ra phải có một nguồn tạng đã được sàng lọc rất kỹ lưỡng từ người cho, người nhận và phải đến đúng thời điểm. Chỉ có các chuyên gia y tế thực thụ với sự trang bị đầy đủ thiết bị máy móc… mới tiến hành được.

Môi giới ghép tạng xuyên biên giới Việt – Trung

Mời chào ghép tạng xuyên biên giới đang là vấn nạn của nhiều quốc gia. Ngay từ đầu những năm 2000, khi ngành ghép tạng của Việt Nam còn rất mới mẻ thì những câu chuyện về việc qua Trung Quốc “du lịch ghép tạng” hay đi bán tạng hoặc bị bắt cóc lấy tạng đã trở thành khá quen thuộc đối với người dân Việt Nam. Nội tạng ở Trung Quốc sẵn có một cách bất ngờ, còn nguồn gốc thực sự từ đâu thì người ta không biết và hoàn toàn giao phó cho số phận.

Ông Nguyễn Tiến Quyết đã từng nói trên truyền thông vào năm 2011: “Rất mong cơ quan công an sẽ vào cuộc để làm rõ các đối tượng trong đường dây mua bán thận đã thâm nhập vào bệnh viện chúng tôi.” “Bất kỳ cơ sở nào có hoạt động chạy, ghép thận cũng có đường dây “cò” tổ chức các hoạt động mua đi, bán lại thận để kiếm lời.”

Môi giới bán thận cũng có, nhưng nhiều hơn cả là đưa người sang Trung Quốc để ghép tạng thông qua con đường du lịch, khám chữa bệnh, hoặc thậm chí đơn giản là vượt biên.

Một số báo cáo cho thấy trong đường dây đưa người đi Trung Quốc ghép tạng thường có mặt của người Hoa tại Việt Nam, hoặc người Việt tại Trung Quốc. Những năm 2006 – 2007, trong giới ghép thận biết đến những tên tuổi như ông Mã. Bệnh viện Châu Giang được biết đến như địa chỉ quen thuộc, mệnh danh là “làng ghép thận Đông Nam Á”, bởi vì không chỉ có bệnh nhân người Việt tại đó, mà còn có Malaysia, Hàn Quốc, Nhật, Singapore, Hồng Kông.

Một địa chỉ nổi tiếng nữa cũng hay được nhắc đến là Bệnh viện Thường Châu tỉnh Giang Tô, cách Quảng Châu khoảng 2 giờ bay. Ngoài ra còn có bệnh viện Thượng Hải. Các tên tuổi quen thuộc được những người ghép thận biết nhiều là giáo sư Cao Vỹ, bác sĩ Vương, bác sĩ Hà v.v… Giáo sư Cao Vỹ rất nổi tiếng, ông có thể báo giá thận qua email rất nhanh chóng (!). Các điều tra mổ cướp nội tạng hàng loạt sau này đã chứng minh được sự tham gia của các bệnh viện và những tên tuổi nói trên.

Không ai có thể thống kê hết số ca “du lịch” đến Trung Quốc ghép tạng, và người ta chỉ kinh ngạc ‘thán phục’ tài ‘xoay sở’ kiếm tạng của các bác sĩ Trung Quốc. Một phần vì là thân phận bệnh nhân suy thận, không biết sống được bao lâu nữa, có tạng ghép là tốt rồi. Bệnh nhân thường không mặc cả hay nhiều lời thắc mắc với bác sĩ. Phần nữa là vì có một điều khoản bất thành văn trong những đường dây này: IM LẶNG và IM LẶNG! Sau khi ghép theo dõi ban đầu, thường các bệnh nhân trở về và tự xoay sở chăm sóc tại địa phương của mình.

Do nhiều bệnh nhân không được theo dõi chặt chẽ ở giai đoạn hậu phẫu, không có kiểm tra phản ứng miễn dịch định kỳ, hoặc do không tìm thấy các bệnh tiềm ẩn từ người cho, thậm chí có trường hợp các bác sĩ mạnh tay dùng thuốc chống thải ghép quá liều… đã dẫn đến nhiều tai biến đáng tiếc sau khi ghép. Cá biệt có người bị chết ngay trên giường bệnh, hoặc tử vong khá nhanh chóng sau khi ghép như trường hợp 7 bệnh nhân người Nhật được Bộ y tế Nhật Bản báo cáo vào 2004. Đó được xem như rủi ro mà người bệnh nhân phải chấp nhận khi theo con đường này.

Như vậy đường dây qua Trung Quốc ghép tạng đã tồn tại từ rất lâu, và không ai dám chắc rằng bây giờ không còn tồn tại vì nhu cầu ghép tạng của người dân là rất nhiều. Theo nguồn tin của báo Người Lao Động, vào tháng 12/2013, Bệnh viện tỉnh Cà Mau đã kỷ luật và cảnh cáo bác sĩ Ngô Duy Tân (31 tuổi, công tác tại Khoa tiết niệu) vì đã tổ chức đưa người đi Trung Quốc mua thận mà không xin phép. Một số bệnh nhân hiện đang được điều trị thận (sau ghép) tại Việt Nam cũng tiết lộ rằng họ được môi giới để ghép tạng tại Trung Quốc.

Mổ cướp nội tạng tại Trung Quốc

Ngày 13/6 vừa qua, Hạ viện Mỹ đã thông qua Nghị quyết 343 yêu cầu chính quyền Trung Quốc chấm dứt hoạt động mổ cướp nội tạng đối với các tù nhân lương tâm, đồng thời kết thúc cuộc đàn áp người tu Pháp Luân Công vốn đã kéo dài 17 năm nay.

Khi nhìn lại các báo cáo trong ngành ghép tạng, các nhà điều tra quốc tế đã phát hiện rằng từ năm 2000 trở đi, nhất là giai đoạn 2000-2006, số trung tâm cấy ghép tạng của Trung Quốc mọc lên ‘như nấm’ và đạt đến con số 600 vào năm 2006, còn số lượng ca ghép thì ‘như mưa rào’, không thống kê hết được.

Không khó để nhận thấy thời điểm tăng trưởng ‘phi mã’ của ngành công nghiệp ghép tạng Trung Quốc rơi sát sau vào thời điểm ông Giang Trạch Dân phát lệnh đàn áp những người tu Pháp Luân Công vào tháng 7/1999. Khi đó số lượng người tu ước tính khoảng gần 100 triệu người, và các nhà nhân quyền mô tả là họ bị đối xử như súc vật, bắt bớ, kết tội và tra tấn bất chấp hình thức nào.

(Ảnh: Falunart.org)
(Ảnh: Falunart.org)

Ngày 19/5/2016, Tổ chức Thế giới Điều tra về bức hại Pháp Luân Công (WOIPFG) đã công bố một báo cáo dài hơn 210.000 chữ chứng minh có kho nội tạng sống khổng lồ ở Trung Quốc mà nguồn gốc chủ yếu là từ người tu Pháp Luân Công. Đây được cho là kết quả điều tra trong 10 năm thu thập chứng cứ, theo dõi 865 bệnh viện có hoạt động cấy ghép và hơn 9.500 bác sĩ làm nghề này, kiểm tra thông tin từ các báo cáo luận văn, kho số liệu trên các trang mạng của bệnh viện và gọi hơn 2.000 cuộc điện thoại ghi âm làm chứng.

Phát ngôn viên của WOIPFG, Giáo sư Uông Chí Viễn nói: “Đây là con số vô cùng ghê rợn, nhưng hoàn toàn đáng tin”.

Ngày 14/7 mới đây, báo Lao Động có bài viết “Xuất hiện mua bán nam giới, nội tạng người sang Trung Quốc”, trong đó đưa tin: “Đại tá Lê Văn Chương, Phó cục trưởng Cục tham mưu cảnh sát, Bộ Công an cho hay, tại Việt Nam hoạt động mua bán người xảy ra phạm vi trên cả 63 tỉnh, thành phố, không chỉ xảy ra mua bán phụ nữ, trẻ em, học sinh, sinh viên mà còn có mua bán đàn ông, bào thai, nội tạng…

Theo Đại tá Lê Văn Chương, nạn nhân nam giới chủ yếu bị lừa ép ra nước ngoài để cưỡng bức lao động (cưỡng ép làm việc tại hầm mỏ, khai thác khoáng sản, lò gạch) và buôn bán nội tạng… chủ yếu là sang Trung Quốc hoặc các nước giàu khoáng sản, kim loại quý hiếm…”

Như vậy, mổ cướp nội tạng phi pháp không chỉ là vấn đề riêng của Trung Quốc. Nó đã cuốn nhiều nước tham gia vào vòng xoáy tội ác này thông qua đường dây mua bán tạng xuyên biên giới.

Luật sư nhân quyền Canada, ông David Matas, đồng tác giả cuốn sách “Thu hoạch đẫm máu” được xuất bản vào năm 2007 giải thích lý do vì sao ông tự nguyện đến với cuộc điều tra đàn áp tín ngưỡng và mổ cướp nội tạng người tu Pháp Luân Công tại Trung Quốc:

“Nếu chúng ta bàng quan đối với những tội ác đang xảy ra ngày hôm nay, thì ngày mai có thể chính chúng ta sẽ là người bị hại. Tội ác chống lại loài người nhắm vào tất cả mọi người.”

Thu hoach dam mau

Bộ phim tài liệu Hard to Believe” (Điều khó tin), do đạo diễn Ken Stone thực hiện được chiếu hơn 40 lần trên kênh truyền hình PBS của Mỹ, hơn 60 lần trên thế giới và đạt 11 giải thưởng điện ảnh. Nội dung chính của bộ phim nhằm nghiên cứu thảo luận tại sao thế giới lại thờ ơ với hoạt động mổ cướp nội tạng sống của người tu Pháp Luân Công. Bộ phim cũng cho thấy nhiều chứng cứ chứng minh tội ác mổ cướp nội tạng sống của Đảng Cộng sản Trung Quốc là có thật.

Đạo diễn Ken Stone
Đạo diễn Ken Stone

Vị đạo diễn từng hai lần đoạt giải Emmy này chia sẻ: “Nó nhắc tôi nhớ đến Tiến sĩ Martin Luther King, Jr. người tạo nên thời kỳ dân quyền tại Hoa Kỳ: “Lịch sử sẽ phải ghi nhận rằng bi kịch lớn nhất của giai đoạn chuyển tiếp xã hội này không phải là tiếng ồn ào đinh tai nhức óc của những người xấu, mà là sự im lặng đáng sợ của những người tốt”.

Triều Vũ  tổng hợp

Xem thêm: