Tượng đài công chúa Huyền Trân được xây dựng tại Cồn Hến (phường Vỹ Dạ, TP. Huế).

cồn hến
Cồn Hến nằm giữa dòng sông Hương. (Ảnh: hue.vnn.vn)

Ngày 30/1, ông Hoàng Ngọc Khanh – Chánh văn phòng tỉnh Thừa Thiên – Huế cho biết tỉnh đã có phê duyệt quy hoạch tượng đài, biểu tượng kiến trúc và vườn tượng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

Theo quy hoạch, tại TP. Huế sẽ có 1 tượng đài, 1 tranh hoành tráng, 2 tượng, 8 biểu tượng kiến trúc nghệ thuật, 4 vườn tượng.

1 tượng đài là Huyền Trân công chúa được xây tại cồn Hến (giữa sông Hương); 1 tranh hoành tráng lịch sử và văn hóa Chămpa với quy mô đầu tư 130 tỷ đồng. Tượng đài nhóm A1 có kích thước nhân vật cao từ 9 m trở lên; tranh hoành tráng nhóm A1 có kích thước chiều dài từ 9 m trở lên.

2 tượng được xây dựng tại công viên phía bắc sông Hương trên đường Kim Long, tại vườn Trịnh tại bãi bồi Lương Quán (phường Thủy Biều) lần lượt là tượng chúa Nguyễn Phúc Nguyên và cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.

8 biểu tượng kiến trúc nghệ thuật tại TP. Huế là biểu tượng kiến trúc nghệ thuật tháp ngắm cảnh tại cồn Dã Viên; biểu tượng phụ nữ Huế và bia ghi danh chiến công 11 cô gái sông Hương tại công viên đường Phạm Văn Đồng và Lưu Hữu Phước; biểu tượng kiến trúc, lịch sử, văn hóa tại Công viên An Hòa,…

4 vườn tượng tại TP. Huế là vườn tượng quốc tế tại khu quy hoạch Trung tâm văn hóa Bắc Ngự Bình; vườn tượng văn hóa nghệ thuật tại công viên phía Bắc sông Hương đường Kim Long; vườn tượng văn hóa nghệ thuật tại công viên đường Bùi Thị Xuân; vườn tượng văn hóa nghệ thuật tại Công viên Đồi Vọng Cảnh.

Ngoài khu vực thành phố, tại 2 thị xã Hương Thủy, Hương Trà và các huyện còn lại sẽ có 1 tượng đài, 1 tranh hoành tráng, 1 tượng, 13 biểu tượng kiến trúc nghệ thuật.

Theo ông Khanh, việc xây dựng tượng đài, biểu tượng kiến trúc mới chỉ là phê duyệt quy hoạch chung. Trong giai đoạn tiếp theo, các ngành, địa phương sẽ tiến hành lập dự án chi tiết để thực hiện, nguồn kinh phí đầu tư cho các công trình này từ ngân sách và xã hội hóa.

Hoàng Minh

Xem thêm: