Ngày 16/9, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 1201/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung một số điều tại Quyết định số 1072/QĐ-TTg ngày 28/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ thành lập Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (Ảnh: VGP)

Một số thay đổi trong Quyết định 1201 về nhân sự như sau:

  1. Chủ tịch Ủy ban: Thủ tướng Chính phủ.
  2. Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban: Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, trực tiếp chỉ đạo các công việc thường xuyên của Ủy ban.
  3. Phó Chủ tịch Ủy ban: Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về xây dựng Chính phủ điện tử.
  4. Các Ủy viên: Bộ trưởng Bộ Công an; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; Bộ trưởng Bộ Tài chính; Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ; Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường; Thứ trưởng Bộ Nội vụ; Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; Trưởng ban Ban Cơ yếu Chính phủ; Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội; Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam; Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Bưu điện Việt Nam; Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần FPT.

Ngoài ra, Quyết định mới còn thành lập Tổ công tác giúp việc Ủy ban (Tổ công tác) đặt tại Bộ Thông tin và Truyền thông do Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông làm Tổ trưởng.

Tổ công tác gồm đại diện lãnh đạo cấp Vụ của các Bộ, cơ quan: Công an, Giáo dục và Đào tạo, Kế hoạch và Đầu tư, Khoa học và Công nghệ, Nội vụ, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Thông tin và Truyền thông, Tư pháp, Ban Cơ yếu Chính phủ, lãnh đạo và chuyên gia Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông quân đội, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam, Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam, Công ty cổ phần FPT và một số chuyên gia về Chính phủ điện tử, Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số trong nước và quốc tế.

Bộ Thông tin và Truyền thông là cơ quan đầu mối, giúp Ủy ban điều phối công tác xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử; bảo đảm các điều kiện cần thiết cho hoạt động của Ủy ban và Tổ công tác.

Trước đó, Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử đã được thành lập theo Quyết định số 1072/QĐ-TTg ngày 28/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ.

Ủy ban có chức năng, nhiệm vụ nghiên cứu, đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về chủ trương, chiến lược, cơ chế, chính sách tạo môi trường pháp lý thúc đẩy xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số; tạo thuận lợi cho việc triển khai Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 tại Việt Nam.

Trước đó, trong Hội nghị trực tuyến Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử cuối tháng 7/2019, Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần quyết tâm làm cho được Chính phủ điện tử, nhưng phải bảo đảm an ninh, an toàn tuyệt đối, “nếu không an toàn thì chưa làm.”

Tại Hội nghị, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã báo cáo tóm tắt về những kết quả ban đầu đã thực hiện được, như: xây dựng dự thảo Khung kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam (phiên bản 2.0) và gửi lấy ý kiến góp ý các bộ, ngành, địa phương; cơ bản hoàn thành nâng cấp Cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính.

Bộ Công an đã phối hợp với Bộ Tư pháp cấp khoảng 1,9 triệu số định danh cá nhân cho trẻ em khi đăng ký khai sinh tại 43 tỉnh, thành phố trên cả nước; cấp hơn 12 triệu căn cước công dân tại 16 tỉnh, thành phố và đang xây dựng phần mềm phục vụ kết nối hệ thống căn cước công dân với hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Đến nay, Bộ Công an đã thu thập thông tin được 80 triệu phiếu, đạt tỷ lệ 86% và scan được khoảng 25 triệu dữ liệu.

Các đề án về không gian địa lý quốc gia, về tài nguyên và môi trường đang được xây dựng, dự kiến trình Thủ tướng phê duyệt trong tháng 11/2019.

Tuấn Minh

Xem thêm: