Bức xúc vì phán quyết từ tòa án TP.HCM liên quan đến đất đai, bà Trần Thị Mỹ Hiệp (vợ bị đơn Lê Văn Dư) định nhảy lầu tự tử nhưng đã được nhiều người ngăn lại.

tranh chấp đất đai, người dân nhảy lầu tại tòa
Khu đất diễn ra tranh chấp. (Ảnh từ báo Pháp luật TP.HCM)

Báo chí và dư luận tại Việt Nam trong vài hôm nay lại xôn xao vì một người phụ nữ có ý định nhảy lầu tự tử tại tòa, sau khi TAND TP.HCM tuyên án liên quan đến vụ tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất.

Trong vụ án này, nguyên đơn là ông Phan Quý và vợ là bà Lê Thị Bích Thủy (cùng ngụ quận 12). Bị đơn là ông Lê Văn Dư, ông Lê Sỹ Thắng (cháu ông Dư) và ông Khâu Văn Sĩ (cùng ngụ quận Gò Vấp).

Báo Tuổi trẻ dẫn lại hồ sơ vụ việc cho biết, năm 1999, ông Huỳnh Hữu Lợi chuyển nhượng bằng hình thức viết giấy tay cho vợ chồng ông Phan Quý và bà Lê Thị Bích Thủy 3.500m² đất thuộc thửa 504, tờ bản đồ số 40, phường 15, quận Gò Vấp.

Ngày 3/2/2002, vợ chồng ông Quý bán lại cho ông Khâu Văn Sĩ diện tích 500m² đất bằng giấy tay.

Ngày 18/4/2009, vợ chồng ông Quý tiếp tục chuyển nhượng bằng giấy tay cho ông Lê Văn Dư và ông Lê Sỹ Thắng mỗi người 87m² đất với lời hứa sẽ thực hiện việc tách thửa và đăng bộ phần diện tích đã bán.

Sau khi mua đất, gia đình 3 ông Dư, Thắng, Sĩ đã chuyển về đây sinh sống ổn định, không tranh chấp với ai, tiến hành kê khai tạm trú tạm vắng và được chính quyền địa phương cấp số nhà để quản lý.

Thế nhưng đến tháng 6/2017, ông Phan Quý lại khởi kiện ông Dư, ông Thắng, ông Sĩ ra TAND quận Gò Vấp, yêu cầu tòa tuyên hợp đồng chuyển nhượng đất giữa ông Quý với các ông Dư, Thắng, Sĩ trước đây là vô hiệu.

Tại phiên sơ thẩm, tòa Gò Vấp đã tuyên chấp nhận một phần yêu cầu của ông Quý, tuyên hủy hợp đồng chuyển nhượng đất giữa ông Quý với ông Sĩ.

Tòa sơ thẩm cũng chấp nhận một phần yêu cầu phản tố của ông Dư, công nhận 2 hợp đồng chuyển nhượng đất giữa nguyên đơn với ông Dư.

Tại phiên phúc thẩm chiều hôm 1/7, tòa TP.HCM đã tuyên cả 3 hợp đồng chuyển nhượng đất giữa ông Quý và 3 ông Dư, Thắng, Sĩ là vô hiệu.

Quá bức xúc với tuyên án từ phía tòa, bà Trần Thị Mỹ Hiệp (vợ bị đơn Lê Văn Dư) nhảy lầu tự tử nhưng đã được nhiều người ngăn lại.

tranh chấp đất đai, người dân nhảy lầu tại tòa
Vợ chồng ông Lê Văn Dư. (Ảnh từ báo Pháp luật TP.HCM)

Tòa TP.HCM giải thích vụ việc

Báo Dân trí dẫn lời từ lãnh đạo TAND TP.HCM nói, trong các vụ án dân sự, hành chính…, việc đương sự tỏ ra bức xúc, không hài lòng và có thái độ tiêu cực không phải là hiếm!

“Vì vậy, toà án luôn có sự chuẩn bị đảm bảo an toàn cho mọi người tại đây. Sự việc chiều 1/7 đương sự chỉ nhất thời và sau khi được ông cùng luật sư khuyên can, bà này đã bình tĩnh lại. Sau đó, bà đã cùng luật sư rời khỏi phòng xử xuống sân toà rồi cùng người nhà ra về.

Vụ án trên tòa ra phán quyết nhưng đây cũng chỉ là một giai đoạn của tố tụng. Khi không đồng tình với bản án, đương sự còn có quyền đề nghị các giai đoạn khác đối với vụ án như giám đốc thẩm, tái thẩm…”.

Bị đơn nói chủ tọa phiên phúc thẩm và ông Quý là bạn thân, dân sao được công bằng

Trong một bài phỏng vấn từ báo Pháp luật TP.HCM, ông Lê Văn Dư cho biết chủ tọa phiên phúc thẩm và ông Phan Quý là bạn thân, nên gia đình muốn thay chủ tọa phiên phúc thẩm, nhưng yêu cầu này không được đáp ứng.

Ông Dư còn tiết lộ rằng bản thân ông Phan Quý là cựu cán bộ ngành kiểm sát, còn con ông Quý lại là kiểm sát viên thuộc VKSND TP.HCM, “nên làm sao người dân như tôi có thể được xét xử công bằng”.

“Việc tòa tuyên vô hiệu cả ba hợp đồng và trả lại tiền cho tôi tại thời điểm mua là rất vô lý đến mức không thể chấp nhận”, ông Dư nói.

Còn vợ ông Dư, bà Trần Thị Mỹ Hiệp thì nói: “Đất đó là nhà tôi vay tiền để mua, đã trả đầy đủ, có giấy tờ đàng hoàng nhưng sao lại nỡ cướp trắng trợn như vậy.

Gia đình tôi có làm cả đời cũng không thể trả hết nợ, tôi chỉ mong có một ngôi nhà cho chồng con tôi ở. Chồng tôi ngày xưa cũng đã đi ở đợ cho nhà ông Quý mà, sao lại đối xử như vậy. Tôi cám ơn cậu nhà báo đã ngăn tôi tự tử, nhưng giá mà tôi chết thì tốt hơn”.

Ông Phan Quý nói gì?

Báo Pháp luật TP.HCM cũng dẫn lời từ ông Phan Quý cho biết do tuổi già sức yếu nên ông có nhờ người đại diện thay mình tham gia quá trình tố tụng. Vụ án có nhiều vấn đề mà khi bị đơn đưa ra tại tòa, người đại diện của ông không thể am hiểu hết nên ông mới đến toà.

Trong quá trình tham gia tố tụng, gia đình ông cũng rất mệt mỏi với các yêu cầu về tố tụng của phía bị đơn đưa ra.

Ông Quý đưa ra dẫn chứng, tháng 3/2019, tòa TP.HCM từng có văn bản không chấp nhận việc bị đơn đề nghị rút vụ án lên TAND TP.HCM để giải quyết vì điều đó không cần thiết. Hay tháng 9/2019, luật sư của bị đơn cho rằng thẩm phán của TAND quận Gò Vấp được phân công giải quyết vụ án không khách quan. Tuy nhiên, tòa TP.HCM đã bác và không đồng ý lấy hồ sơ lên để giải quyết.

Dư luận lên tiếng

Trên trang Facebook cá nhân, nhà báo Hàn Ni viết:

“ĐỨNG SAU VỤ KIỆN KHIẾN DÂN ĐỊNH NHẢY LẦU TỰ VẪN LÀ AI?

Đó là ông Phan Quý, nguyên trưởng phòng của Viện Kiểm sát Nhân dân TP.HCM, có con gái là thẩm phán TAND Gò Vấp (nơi xét xử sơ thẩm vụ án), con trai là kiểm sát viên VKS TP.HCM.

Ông Quý chính là người bán 3 thửa đất của mình cho người khác vào năm 2002, 2009 (đã nhận tiền xong, đã giao đất, bên mua đã xây nhà, đăng ký cư trú trên đất), sau đó đất tăng giá nên năm 2017, chính ông đâm đơn kiện đòi hủy hợp đồng đòi lại đất.

Vấn đề gây bức xúc là thế lực nào khiến 2 cấp tòa tuyên xử ông Quý thắng kiện, khi còn quá nhiều vấn đề tranh cãi?!

1. Nói về cái sai đầu tiên của tòa án: Tòa thụ lý vụ án năm 6/2017 nhưng 7/2019 mới ra quyết định xét xử sơ thẩm (hơn 2 năm) – vi phạm thời hạn, cái mà ngành tòa án luôn có con số án đúng hạn rất “đẹp”!

2. Về tố tụng: Hợp đồng mua bán năm 2002 và 2009, nhưng đến 2017 mới khởi kiện là hết thời hiệu (vì thời hiệu tranh chấp hợp đồng là 2 năm).

3. Về nội dung bản án: Lý do tòa tuyên hợp đồng vô hiệu là do vi phạm về hình thức (không công chứng, chứng thực), đất nông nghiệp dưới hạn mức không được chuyển nhượng. Trong khi các vấn đề này luật quy định rõ:

– Hình thức hợp đồng được quy định tại Điều 129 Bộ Luật dân sự 2015 “Giao dịch được xác lập bằng văn bản nhưng vi phạm quy định bắt buộc về công chứng, chứng thực mà một bên hoặc các bên đã thực hiện ít nhất 2/3 nghĩa vụ trong giao dịch thì theo yêu cầu của một bên hoặc các bên, Tòa án ra quyết định công nhận hiệu lực của giao dịch đó. Trong trường hợp này, các bên không phải thực hiện việc công chứng, chứng thực” (luật cũ thì cho các bên thời gian để xác lập lại đúng hình thức). Như vậy, ở giao dịch này, các nên đã hoàn thành 100% nghĩa vụ thanh toán, nhận đất xong. Có nghĩa là hợp đồng này phải được tòa công nhận.

– Còn việc sang nhượng dưới hạn mức đất nông nghiệp thì không vi phạm điều cấm của pháp luật, vì nếu dưới hạn mức tách thửa, các bên có thể đứng tên chung đồng sở hữu trong một sổ đỏ.

Đó là lý do khi tòa tuyên hủy hợp đồng, khiến dư luận phẫn nộ, đương sự bức xúc định nhảy lầu tự vẫn.

Do vậy, bản án này cần được xem xét giám đốc thẩm lại. Nếu sai, phải xử nghiêm người xét xử để trả lại công bằng cho các bên, xác lập lại niềm tin cho công chúng!”.

Phúc Nguyễn viết: “Mở mắt ra là thấy tai nạn, oan trái, ung thư, bênh dịch, lở đất, hạn hán, tai nạn, ngập lụt. Vì sao nên nỗi non nước ơi!”.

Kim Tran: “Cứ đọc là thấy cán bộ nhà nước có sai phạm. Sao vậy nhỉ? Trình độ, chạy chức chạy quyền. Hay từ trên xuống dưới bao che cho nhau”.

Trần Hiếu: “Bố lật kèo kiện đòi đất, con đứng vai chánh án xử cho Bố thắng kiện…..(!) Bởi vậy, đại biểu quốc hội nói đúng ‘Chưa bao giờ niềm tin của người dân vào nền tư pháp Việt Nam lại thấp như bây giờ’”.

Trước đó, việc ông Lương Hữu Phước nhảy lầu tự tử tại tòa Bình Phước cũng đã gây chấn động mạnh mẽ trong dư luận.

Phạm Toàn