Tổng cục Đường bộ Việt Nam đang yêu cầu các nhà đầu tư BOT bàn giao toàn bộ trạm thu phí cho Nhà cung cấp dịch vụ trước 30/3 để triển khai thu phí tự động không dừng.

phap van cau gie
BOT Cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ. (Ảnh: cienco1.com)

Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết hiện đang triển khai thu phí tự động không dừng giai đoạn 2 (theo hình thức hợp đồng xây dựng – sở hữu – kinh doanh).

Dự kiến trong tháng 2/2019 sẽ lựa chọn nhà đầu tư và triển khai toàn bộ thu phí tự động, chỉ duy trì 2 làn ngoài cùng để thu phí hỗn hợp.

Theo lộ trình của Chính phủ, hết năm 2018, tất cả trạm thu phí sử dụng đường bộ trên QL1 và đường Hồ Chí Minh sẽ thu phí không dừng, hết năm 2019, áp dụng cho tất cả các trạm thu phí còn lại. Tuy nhiên, đến nay, việc triển khai còn nhiều vướng mắc do thiếu sự phối hợp của nhà đầu tư BOT.

Được biết, có nhiều nhà đầu tư BOT ngại minh bạch, một số lại lo không kiểm soát được nhà cung cấp dịch vụ thu phí tự động, giấu doanh thu.

Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, hiện nay có 26 trạm BOT với 91 làn thu phí tự động và đang vận hành thử 7 trạm với 18 làn thu phí tự động.

Để đáp ứng đúng tiến độ Chính phủ đề ra, Tổng cục Đường bộ VN đang yêu cầu các nhà đầu tư BOT bàn giao lại toàn bộ trạm thu phí cho nhà cung cấp dịch vụ trước 30/3 để triển khai.

Tính đến cuối tháng 12/2018, theo Tổng cục Đường bộ, mới có gần 700.000 phương tiện dán thẻ E-tag (thu phí tự động không dừng) trong tổng số khoảng 3 triệu xe. Tổng cục Đường bộ Việt Nam cảnh báo, khi dự án thu phí tự động tại các trạm BOT được triển khai đồng bộ, các phương tiện không dán thẻ E-tag sẽ khó qua trạm.

Lãnh đạo Tổng cục Đường bộ cho hay, việc áp dụng thu phí không dừng tại các trạm thu phí sẽ mang lại nhiều lợi ích, như: phương tiện không phải dừng đỗ khi qua trạm giúp tiết kiệm thời gian và nhiên liệu; cơ quan quản lý có thể giám sát được việc thu phí tại các trạm và minh bạch nguồn thu, rút ngắn thời gian thu của các dự án BOT.

Tuấn Minh

Xem thêm: