Người dân có thể sử dụng phương tiện xe buýt nhanh hoặc đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông thay thế.

cát linh hà đông
Tuyến đường Nguyễn Trãi có thể sẽ bị cấm xe máy. Đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông là phương tiện thay thế. (Ảnh: Sơn Trà)

Chiều ngày 11/3, ông Vũ Văn Viện – Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết thời gian tới thành phố sẽ cân nhắc cấm hoạt động xe máy ở một số tuyến phố đủ điều kiện, chứ không đợi đến năm 2030 mới cấm đồng loạt các khu vực. Đặc biệt là khu vực có các phương tiện vận tải công cộng đáp ứng nhu cầu người dân.

Cụ thể, ông Viện dự kiến một trong hai tuyến phố là Lê Văn Lương hoặc Nguyễn Trãi sẽ thí điểm cấm xe máy hoạt động.

Theo đó, người dân có thể sử dụng xe buýt nhanh Kim Mã – Yên Nghĩa hoặc đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông làm phương tiện thay thế.

Với mạng lưới xe buýt dày đặc, lại có buýt nhanh BRT, đặc biệt từ quý II năm nay 2 trục đường này còn có tuyến đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông chạy qua nên đây sẽ là trục đường phù hợp nhất cho việc thí điểm hạn chế hoạt động xe máy” – ông Viện thông tin.

Ngoài ra, ông Viện cũng cho biết “dù có đường dành riêng nhưng các phương tiện vẫn lấn làn xe buýt nhanh. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến năng lực hoạt động của tuyến buýt nhanh Kim Mã – Yên Nghĩa. Nếu cấm xe máy hoạt động trên tuyến đường này thì buýt nhanh hoạt động hiệu quả hơn nữa”.

Về thời gian thực hiện việc cấm xe máy trên một trong 2 tuyến đường này, ông Viện cho biết lộ trình chung của đề án là từ năm 2030 nhưng một trong hai tuyến đường này sẽ được thực hiện sớm hơn từ 2 đến 3 năm.

Bên cạnh đó, việc TP. Hà Nội cấm phương tiện giao thông hoạt động những ngày cuối tuần khu vực quanh hồ Hoàn Kiếm cũng là từng bước thí điểm hạn chế phương tiện trong nội thành.

Để tiến tới dừng hoạt động xe máy trong trung tâm thành phố vào năm 2030, chúng tôi sẽ tiến tới lộ trình thực hiện dừng từng bước theo tuyến, theo khu vực” – ông Viện nói.

Đề cập đến việc cấm xe máy hoạt động tại tất các quận vào năm 2030, ông Viện cho biết với sự phát triển, chuẩn bị cho lộ trình hơn 10 năm, đến thời điểm trên hệ thống phương tiện giao thông công cộng của thành phố chắc chắn sẽ đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân.

Trong Đề án Ban soạn thảo cũng nêu rõ với khu vực trung tâm thành phố phải đảm bảo điều kiện 80% khu vực có thể tiếp cận hệ thống giao thông công cộng phạm vi dưới 500 m. Khoảng 20% còn lại là ở trong các ngõ, xóm, người dân có thể sử dụng phương tiện phù hợp như xe đạp, taxi hoặc đi bộ” – ông Viện nói.

Kim Long

Xem thêm: